Khóa tập huấn kỹ thuật tại vùng chè La Bằng (Đại Từ, Thái Nguyên) do Trung tâm Bồi dưỡng và Đào tạo truyền thông số tổ chức vào tháng 6 vừa qua, dưới sự chủ trì của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, với sự đồng hành của Công ty TNHH CHAGEE Việt Nam.
Chương trình xoay quanh 5 chuyên đề thực tiễn: kinh nghiệm trồng – chăm sóc – chế biến chè từ chuyên gia CHAGEE; hướng dẫn an toàn lao động; phân tích tiềm năng vùng chè Thái Nguyên; ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng TikTok; thực hành xây dựng nội dung, bán hàng trực tuyến.
Ông Lương Công Luận – Phó Chủ tịch UBND xã La Bằng nhấn mạnh, chương trình tập huấn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hiện đại hóa ngành chè của tỉnh. Đây không chỉ là cơ hội tiếp cận kiến thức mới mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho bà con trong thời đại số.
Tại buổi học, nông dân không chỉ được nghe lý thuyết mà còn trực tiếp thực hành quay video sản phẩm, dựng clip quảng bá, tạo gian hàng online, viết nội dung kể chuyện trà Thái một cách gần gũi, phù hợp với người chưa thạo công nghệ.
Ông Lương Công Luận – Phó Chủ tịch UBND xã La Bằng.
“Sự đồng hành của CHAGEE giúp xây dựng chuỗi giá trị chè bền vững cho Thái Nguyên, nâng cao chất lượng và tạo nền tảng để tự tin bước vào kỷ nguyên thương mại điện tử”, ông Sơn Hà - chuyên gia đào tạo, chia sẻ.
Hành trình tạo ra ly trà ngon bắt đầu từ người trồng. Các chuyên gia tại khóa học đã mang đến kinh nghiệm thực tế từ Trung Quốc – quốc gia có nền văn hóa trà lâu đời – bao gồm kỹ thuật trồng, kiểm soát chất lượng, bảo vệ môi trường và bài học từ các vùng nổi tiếng như An Khê, Phổ Nhĩ.
Chương trình còn đặc biệt nhấn mạnh tới an toàn lao động và vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, giúp người dân nhận diện các rủi ro và xây dựng chuỗi cung ứng có trách nhiệm với cộng đồng.
Từ mô hình thí điểm tiên phong của Hợp tác xã chè La Bằng hợp tác với CHAGEE, hiện nay, nhiều đơn vị trong ngành đang muốn học hỏi để làm theo. Hợp tác xã này đã áp dụng VietGAP từ năm 2012 và mạnh dạn chuyển hướng sang canh tác hữu cơ, không chỉ tiếp thu công nghệ mà còn chủ động kiến tạo giá trị gia tăng, hướng tới phát triển bền vững.
Gần 200 nông dân, thanh niên khởi nghiệp, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia đào tạo.
Khóa tập huấn đã mở ra cách nhìn mới cho người làm chè – không chỉ là sản xuất, mà còn là kể chuyện, xây dựng hình ảnh và bán hàng qua mạng. Công việc thường ngày như hái chè, sao chè, thưởng trà giờ trở thành nội dung hấp dẫn trên các nền tảng số.
Bà Nguyễn Thị Dự – chủ cơ sở chè Dư Sơn vui vẻ nói: “Nay tôi học được cách đưa chè lên mạng, điều trước đây chúng tôi chưa bao giờ làm, để mở rộng thị trường ra cả nước”.
Ấn tượng với cách chuyên gia hướng dẫn quay clip ngắn giữ nét mộc mạc, gắn link bán hàng hợp lý, anh Nguyễn Văn Hòa (27 tuổi, Đại Từ) – một thanh niên khởi nghiệp hào hứng chia sẻ: "Học xong khóa đào tạo này, tôi làm được luôn”.
Ngay cả bà Nguyễn Thị Lan (58 tuổi), dù lớn tuổi nhưng vẫn tích cực tham gia và tìm thấy hướng phát triển mới cho việc kinh doanh chè. Các chuyên gia giúp bà nhận ra thế mạnh riêng – chính là kinh nghiệm và hình ảnh chân thực tại địa phương, rất thu hút khách hàng online ở xa.
Thu An