Thăm lại căn cứ cách mạng Mo So

Thăm lại căn cứ cách mạng Mo So
7 giờ trướcBài gốc
KÝ ỨC HÀO HÙNG
Mo So theo tiếng Khmer có nghĩa là đá trắng. Đây là 1 trong hơn 20 núi đá vôi Kiên Giang sở hữu. Mo So có khoảng 20 hang động lớn nhỏ và các hang động này được đặt theo từng đơn vị bộ đội trú đóng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ như Quân Y, Kinh Tài, Cơ Yếu, Giao Liên, Huyện Đội, Huyện Ủy, Công Binh, Địa Phương Quân, Trung đoàn 61…
Suốt 9 năm chống Pháp (1945-1954), Mo So là nơi đóng quân của Công binh xưởng Quân khu 9, quân tình nguyện Campuchia, Công binh xưởng 18 Long Châu Hà… sửa chữa vũ khí chiến đấu cung cấp cho quân đội ta ở chiến trường Tây Nam bộ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Mo So trở thành căn cứ quan trọng của Huyện ủy Hà Tiên. Đây là điểm chốt quan trọng trên tuyến đường 1C chi viện vũ khí từ Bắc vào Nam, thông qua tỉnh Kampot (Campuchia) về U Minh Thượng.
Đoàn viên, thanh niên huyện Kiên Lương thả hoa đăng tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ tại di tích lịch sử và thắng cảnh Mo So.
Từng tham gia chiến đấu tại vùng căn cứ cách mạng Mo So, Thiếu tá Nguyễn Tấn Liệt - nguyên Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hà Tiên nhớ lại, tháng 7-1969, căn cứ cách mạng của Huyện ủy Hà Tiên chuyển từ Đồng Tràm về vùng núi Mo So. Tháng 11-1969, địch đánh vào Mo So với lực lượng lớn, hỏa lực mạnh quyết hủy diệt lực lượng ta, nhưng ý chí, tinh thần quyết chiến đấu của quân ta còn mạnh hơn sự hủy diệt tàn khốc này. Lực lượng quân ta mỏng nhưng nhờ dựa thế hang động hiểm trở, tinh thần chiến đấu oanh liệt, dũng cảm, sáng tạo, cuộc chiến kéo dài đến cuối năm 1969, làm thất bại ý đồ chiếm nhanh núi Mo So, buộc địch phải rút lui.
Đầu tháng 2-1970, nhiều máy bay ào ạt tấn công núi Mo So. Sau 45 ngày đêm chiến đấu ác liệt, ta loại khỏi vòng chiến đấu 500 tên địch và phá hủy nhiều xe, pháo của địch, buộc chúng phải rút lui.
Từ tháng 7-1969 đến tháng 4-1970, tại Mo So, quân ta tiêu diệt và loại khỏi hàng ngũ hơn 4.000 tên địch, phá hủy 80 xe tăng và nhiều trọng pháo, bắn rơi 10 máy bay, thu nhiều đồ dùng quân sự khiến quân địch hoang mang, không còn sức chiến đấu nên đành rút quân.
ĐỊA CHỈ ĐỎ
Mo So lưu giữ bao chiến tích hào hùng của cha anh kiên cường đấu tranh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là niềm tự hào của người dân Kiên Giang nói chung, người dân Kiên Lương nói riêng. Ngày 13-2-1995, Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Mo So là di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia.
Tròn nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, từng vết tích chiến tranh còn lưu giữ nguyên vẹn tại Mo So. Về thăm nơi đây, mỗi người dân không chỉ được sống lại với ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn thêm yêu, trân trọng những giá trị của hòa bình, khát vọng cống hiến xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, giàu đẹp.
Chị Lê Thị Ngọc Bích - đoàn viên Công đoàn cơ sở Trường Trung học cơ sở Bình An (Kiên Lương) nói: “Tôi xúc động và tự hào khi đến thăm di tích lịch sử Mo So. Nhìn những dấu tích còn lại của nơi từng là hầm trú ẩn, bệnh xá, nơi sinh hoạt của cán bộ cách mạng, tôi cảm nhận sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh. Tôi thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn, học tập, lao động tốt hơn để xứng đáng với công lao của những người đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập”.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kiên Lương Lê Thanh Hưởng, di tích lịch sử và thắng cảnh Mo So không chỉ mang giá trị lịch sử đối với người dân huyện Kiên Lương nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung, Mo So còn là điểm đến du lịch sinh thái và giáo dục truyền thống cách mạng. Rừng cây, đá núi tại đây tạo nên không gian yên bình, khung cảnh vừa hùng vĩ vừa thiêng liêng.
Hàng năm, cứ đến các dịp lễ quan trọng của đất nước, Mo So lại đón tiếp nhiều đoàn du khách, học sinh, đoàn viên, thanh niên, cán bộ, viên chức, người dân về nguồn, thắp hương tưởng niệm, lắng nghe các câu chuyện từ các cựu chiến binh. Thông qua các chương trình tham quan, về nguồn giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống đấu tranh cách mạng của cha anh.
Ủy ban nhân dân huyện Kiên Lương phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao triển khai trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử và thắng cảnh Mo So gồm các hạng mục như sửa chữa lối đi vào hang, xây dựng các hệ thống biển chỉ dẫn, kêu gọi đầu tư xây dựng đền thờ liệt sĩ dưới chân núi Mo So để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ; đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
Nguồn Kiên Giang : https://baokiengiang.vn/ky-niem-50-nam-giai-phong-mien-nam/tham-lai-can-cu-cach-mang-mo-so-26016.html