Thẩm mỹ 'chui' và hiểm họa từ... bác sĩ giả

Thẩm mỹ 'chui' và hiểm họa từ... bác sĩ giả
9 giờ trướcBài gốc
Thực trạng thẩm mỹ "chui" với người hành nghề không có chuyên môn y khoa gây ra hàng loạt tai biến nghiêm trọng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm rình rập trong các cơ sở làm đẹp không phép.
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu trung ương) tư vấn làm đẹp cho người dân. Ảnh: Xuân Lộc
Hậu quả khôn lường
Gần đây, Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an thành phố Hà Nội) phát hiện một cơ sở làm đẹp không phép hoạt động tại số 725 phố Trương Định, phường Tương Mai. Cơ sở này sử dụng lao động tự do, mạo danh bác sĩ bệnh viện lớn để thực hiện dịch vụ hút mỡ - một thủ thuật có nguy cơ tai biến cao trong thẩm mỹ. Tại đây, một cô gái 28 tuổi sau khi được tiêm thuốc tê để hút mỡ đã hoảng loạn khi phát hiện người trực tiếp thực hiện không phải là bác sĩ, mà từng là công nhân đóng gạch.
Không chỉ hút mỡ, các thủ thuật xâm lấn khác như tiêm botulinum toxin (botox), filler (chất làm đầy) cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng. Bệnh viện Da liễu trung ương từng tiếp nhận hàng loạt ca nhập viện do biến chứng từ các thủ thuật này.
Một trường hợp điển hình là người phụ nữ gần 40 tuổi nhập viện trong tình trạng hai bên hàm sưng to, đau nhức dữ dội, để lại sẹo sâu trên má sau khi tiêm botox tại một cơ sở làm đẹp nhỏ. Điều đáng nói là bệnh nhân không rõ loại thuốc được tiêm cũng như danh tính, trình độ của người thực hiện. Khi gặp biến chứng, cơ sở này không có khả năng xử lý, tự ý chích rạch, kê kháng sinh khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.
Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, một nam bệnh nhân 45 tuổi bị mất thị lực vĩnh viễn một bên mắt sau khi tiêm filler tại một cơ sở làm đẹp. Do thiếu hiểu biết và tin vào lời quảng cáo “tiêm dưới da rất đơn giản”, bệnh nhân không ngờ chỉ sau vài mũi tiêm đã bị đau nhức dữ dội vùng trán, mắt mờ dần rồi mất thị lực hoàn toàn. Chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân bị tắc động mạch trung tâm võng mạc mắt trái - một biến chứng nặng do tiêm filler sai vị trí, không được xử lý kịp thời.
Theo đánh giá từ giới chuyên môn, phần lớn các ca tai biến nêu trên là do người trực tiếp thực hiện thủ thuật không có bằng cấp y khoa hoặc không được đào tạo bài bản.
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, hiện nay, nhiều cơ sở làm đẹp dù không có chức năng đào tạo và được cấp phép để đào tạo nhưng vẫn mở lớp, thu tiền, lôi kéo học viên bằng những lời mời gọi như “dễ làm, lời nhanh”.
"Các kỹ thuật tiêm filler, botox, căng chỉ... đòi hỏi kiến thức y học chuyên sâu. Không ai có thể học vài buổi mà đủ khả năng thực hiện. Đó là hành vi coi thường y học và đe dọa trực tiếp đến tính mạng người khác", Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình và thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cũng khẳng định, nhiều người tưởng rằng tiêm filler, botox là kỹ thuật đơn giản, an toàn. Nhưng nếu tiêm sai vị trí, không bảo đảm vô trùng, không xử lý được tình huống khẩn cấp thì hậu quả rất nặng nề. Biến chứng có thể là tắc mạch võng mạc, hoại tử mô, nhiễm trùng, u mủ... Trong đó, tắc mạch võng mạc có thể gây mù vĩnh viễn nếu không xử lý kịp thời.
Nâng cao nhận thức và siết chặt quản lý
Thực tế cho thấy, hiện nay có rất nhiều cơ sở làm đẹp không phép, từ cơ sở làm đẹp nhỏ đến tiệm cắt tóc, gội đầu, đang công khai thực hiện các thủ thuật như tiêm filler, hút mỡ, căng chỉ... Nguy hiểm hơn, nhiều trung tâm thẩm mỹ tư nhân còn tự tổ chức lớp học, cấp chứng chỉ sau vài ngày đào tạo. Những chứng chỉ không có giá trị pháp lý nhưng lại được một số người dùng như “giấy thông hành” để hành nghề trái phép, đánh lừa khách hàng.
Các bác sĩ, chuyên gia thẩm mỹ cho rằng, để hành nghề thẩm mỹ đúng luật, bác sĩ phải tốt nghiệp y đa khoa, học chuyên khoa thẩm mỹ và được cấp chứng chỉ hành nghề hợp pháp. Thậm chí, trong một cơ sở y tế, không phải bác sĩ nào cũng được thực hiện mọi kỹ thuật. Mỗi người chỉ được phép làm những thủ thuật được cấp phép hành nghề cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người đã “vượt rào” để làm tất cả, bất chấp quy định và rủi ro.
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, giấy phép hành nghề là điều kiện cần nhưng cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mới là điều kiện đủ. Có nhiều bác sĩ rất giỏi chuyên môn, nhưng nếu làm thủ thuật ở cơ sở không đạt chuẩn thì cũng không được pháp luật cho phép.
Đặc biệt, trong lĩnh vực thẩm mỹ, hai biến chứng nguy hiểm thường gặp là sốc phản vệ và ngộ độc thuốc tê. Nếu không được phân biệt và xử lý đúng cách, bệnh nhân có thể mất mạch, tụt huyết áp, tổn thương não, thậm chí tử vong trong vòng 4 phút nếu không được cấp cứu kịp thời.
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng nhưng cần đi kèm với hiểu biết và lựa chọn đúng đắn. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ thẩm mỹ, cần tìm hiểu kỹ cơ sở thực hiện có được cấp giấy phép về kỹ thuật đó hay không, người trực tiếp làm thủ thuật có bằng cấp y khoa và chứng chỉ hành nghề hợp pháp không; không nên tin vào những lời quảng cáo có cánh hay giới thiệu truyền miệng thiếu cơ sở.
Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động “chui”, các trung tâm đào tạo trái phép, nhất là cần ngăn chặn triệt để tình trạng nhân viên không chuyên môn cầm kim tiêm trên thân thể người khác.
Thu Trang
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/tham-my-chui-va-hiem-hoa-tu-bac-si-gia-709012.html