"Nhà ở cũ của Hồ Chí Minh" tại Liễu Châu nằm ở số 2-1 phố Liễu Thạch, thành phố Liễu Châu, là một kiến trúc hai tầng có kết cấu gạch gỗ kiểu Trung Quốc, xây dựng vào năm 1930. Tên cũ của nhà là “Nhà trọ Nam Dương”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu trú tại đây khoảng một năm trong lần thứ 3 tới Liễu Châu. Cụ thể, từ tháng 9/1943 đến tháng 8/1944, sau khi được tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu trú tại phòng khách phía đông tầng hai của ngôi nhà này.
Năm 1996, chính quyền nhân dân thành phố Liễu Châu đặt tên di tích là “Nhà ở cũ của Hồ Chí Minh” để kỷ niệm những năm tháng Người có mặt tại Liễu Châu và tình hữu nghị truyền thống hai nước Trung – Việt. Năm 1997, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây công nhận là đơn vị bảo hộ văn vật cấp tỉnh (di tích cấp tỉnh). Năm 2001, di tích này được giao cho bảo tàng quản lý và mở cửa phục vụ khách tham quan. Năm 2006, Quốc vụ viện Trung Quốc công nhận đây là đơn vị bảo tàng trọng điểm toàn quốc.
Hiện tại toàn bộ căn nhà được sử dụng để trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật… liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời giới thiệu tại di tích nêu rõ, tại đây, Người đã trải qua những năm tháng tù đày gian khổ, tham gia cuộc đấu tranh kháng chiến, tổ chức các lớp bồi dưỡng huấn luyện, đào tạo ra một lực lượng lớn cán bộ nòng cốt cho phong trào cách mạng Việt Nam. Trong ảnh: Các sinh viên Việt Nam và Trung Quốc tham quan tầng một căn nhà - nơi trưng bày các tư liệu chung về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giữa sảnh là một bức tượng đồng bán thân của Bác, hai bên là những tủ kính đặt những tài liệu, tranh ảnh.
Trong suốt cuộc đời Cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Liễu Châu là một chặng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng 4 lần đến Liễu Châu. Trong thời gian ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều hoạt động cách mạng, như tổ chức Đại hội đại biểu Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, mở các lớp huấn luyện cách mạng... Nhiều di vật, tư liệu quý vẫn đang được lưu giữ và bảo quản cẩn thận phục vụ khách tham quan.
Chị Lý Tiệp – Hướng dẫn viên tại di tích cho biết, hàng năm có gần 10.000 người Trung Quốc và Việt Nam đến tham quan. “Nơi ở cũ của Hồ Chí Minh” không chỉ là di tích lịch sử mà còn là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Qua tham quan nơi này, người dân có thể tìm hiểu về Hồ Chí Minh, nhất là hoạt động của Người tại Liễu Châu; cảm nhận tình hữu nghị sâu sắc của người dân hai nước.
Không gian trưng bày cũng giới thiệu cụ thể về những lần Bác Hồ đến Liễu Châu và các đồng chí đi cùng như Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, giao thông viên bí mật người Trung Quốc...; các vật dụng Bác mang theo, những điểm Người từng đặt chân, lưu trú như bến xe, nhà trọ…
Không gian trưng bày giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh được thiết kế sinh động với nhiều hình ảnh, hiện vật, tư liệu phong phú. Nếu Trung Quốc là một trong những nơi Bác Hồ dừng chân dài nhất trong quãng đời hoạt động cách mạng của mình, thì Quảng Tây là địa phương lưu nhiều dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất ở Trung Quốc. Trong đó, Liễu Châu là một chặng quan trọng trong toàn bộ thời gian Người hoạt động trên đất nước này
Để thu hút khách tham quan, trong đó có các học sinh, sinh viên, ban quản lý thiết kế “đóng dấu kỷ niệm”; sổ lưu bút để mọi người khi đến đây có thể bày tỏ cảm tưởng, tình cảm của mình. “Câu thường được nhiều người viết vào sổ là “Tình hữu nghị Trung Quốc – Việt Nam mãi mãi xanh tươi, bền vững lâu dài” – chị Lý Tiệp, hướng dẫn viên, cho biết.
Căn phòng nơi Bác ở được lưu giữ trên tầng 2. Tháng 8/1943, sau khi được trả tự do, Người đã thuê phòng ở tầng trên tòa nhà này trong vòng 1 năm.
Trên bức thường gỗ dọc lối đi vào căn phòng là những tác phẩm của Người. Chính tại đây, Bác đã biên soạn xong tập thơ “Nhật ký trong tù”. Đối diện ngôi nhà là núi Ngư Phong - là ngọn núi Tây Phong Lĩnh trong bài thơ "Mới ra tù học leo núi" của Người.
Vẫn còn đó chiếc giường mộc mạc, bộ quần áo kaki bạc màu, bộ bàn ghế nhỏ, chiếc điện thoại để bàn, chiếc đồng hồ cũ... Trong không gian nhỏ ấy, Bác đã từng cặm cụi bên bàn viết, tìm đường đưa cách mạng Việt Nam đến bến bờ thắng lợi, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Những kỷ vật gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu giữ cẩn thận trong căn phòng gác hai của ngôi nhà, qua đó, những người đến tham quan hiểu hơn về vị lãnh tụ thiên tài của Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.
Các bút tích của Người cùng chiếc valy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng khi đi từ Quế Lâm đến Liễu Châu vào tháng 11/1939.
Ngoài ra, nhiều nơi Bác Hồ từng đến, lưu trú, hội họp đều được giới thiệu để du khách hiểu rõ về quảng thời gian hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Tây, Trung Quốc.
Ngoài ra, chính quyền địa phương còn trang bị thiết bị hiện đại, tích hợp nhiều thông tin liên quan đến cuộc đời và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể cả những nơi Người bị giam giữ, để khách tham quan truy cập, tìm hiểu.
Như lời giới thiệu tại di tích: Những dấu tích lịch sử như văn tự, tranh ảnh, nơi cư trú… trong những năm tháng hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại luôn gắn liền với quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân thành phố Liễu Châu nói riêng và nhân dân Trung Quốc nói chung và từ lâu đã trở thành di sản văn hóa và điểm đến giao lưu hữu nghị vô cùng quý báu của nhân dân hai nước Việt – Trung.
Ngọc Thành/VOV.VN