Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế và Đại tá Ngô Nam Cường, Phó Tư lệnh Quân khu 4 thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ tuyến đường 71. Ảnh: VĂN THẮNG
Những cánh hoa nở trên đường 71
Đường 71 xuyên rừng nối về Tiểu khu 67 - nơi từng in dấu chân của những đoàn quân trong kháng chiến. Thời bình, con đường ấy lại lưu dấu 13 người lính đã hy sinh trong một cuộc hành quân giữa đêm mưa lũ trắng trời - hành trình cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 (TP Huế) vào tháng 10-2020. Tháng bảy, những cánh hoa cứ lặng lẽ rực rỡ giữa núi rừng.
Đêm 12-10-2020, giữa mưa lũ, đoàn công tác cứu hộ cứu nạn gồm 21 người- cán bộ, chiến sĩ quân đội và chính quyền địa phương - dừng chân nghỉ lại ở Trạm kiểm lâm 67. Họ đang trên đường vào cứu công nhân mắc kẹt sau vụ sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, là người dẫn đầu. Đường rừng mưa như trút, cả đoàn dừng chân nghỉ qua đêm tại Trạm kiểm lâm 67 để chờ sáng mai tiếp tục hành trình. Ngồi bên bếp lửa, Tướng Nguyễn Văn Man động viên cả đoàn: “Việc thì gấp. Vì nhiệm vụ, vì nhân dân, chúng ta phải làm”. Không ai ngờ, đó là lời sau cùng. Rạng sáng 13-10-2020, quả núi bất ngờ đổ ập, chôn vùi 13 người trong đất đá, trong đó có cả vị tướng chỉ huy. Thi thể họ chỉ được tìm thấy sau nhiều ngày bới từng khối đất giữa rừng sâu mưa lũ.
Đại tá Ngô Nam Cường- một trong 8 người may mắn thoát nạn - vẫn không quên giây phút cuối cùng bên đồng đội: “Một vị tướng vì dân phải đi gấp, một chủ tịch huyện gác lại việc nhà hướng về người bị nạn, một phóng viên nóng lòng muốn ghi lại hình ảnh cứu người… Vì dân, họ không chùn bước”.
Năm 2023, một Nhà tưởng niệm liệt sĩ được xây dựng tại Tiểu khu 67, trầm mặc giữa núi rừng như nén tâm hương gửi đến những người đã không quay về. Đường 71- con đường từng in dấu chân bộ đội Trường Sơn - giờ thêm một trang mới viết bằng đức hy sinh và lòng tận hiến của những người lính trong thời bình.
Trong số những người ngã xuống trong đêm ấy có nhà báo Phạm Văn Hướng, Trưởng Phòng Thông tin tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông đi cùng đoàn cứu hộ để đưa tin và không trở về. Khi bố hy sinh, con gái ông, Phạm Thiên Hà đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. “Bố một mình nuôi em và em gái Phạm Hoàng Anh, khi ấy mới học cấp 3. Nhận tin bố mất, chị em chúng em tưởng chừng gục ngã… Nhưng em nghĩ đến tâm nguyện của bố, tự nhủ phải mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, Thiên Hà kể.
Thiên Hà hoàn thành luận văn tốt nghiệp, rồi trở về quê. Với sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, cô được tiếp nhận vào làm quân nhân chuyên nghiệp - nhân viên Công tác quần chúng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự TP Huế. Từ giảng đường bước vào môi trường kỷ luật của quân đội, Hà vừa học việc, vừa học làm người trụ cột trong gia đình. “Những ngày đầu tôi bỡ ngỡ, áp lực, nhưng nhờ đồng chí, đồng đội của bố luôn động viên, giúp đỡ, tôi đã vượt qua. Giờ tôi chỉ mong hoàn thành tốt nhiệm vụ, nuôi em gái khôn lớn, thay bố chăm sóc ông bà, sống sao cho xứng đáng với người đã khuất”, Trung úy Phạm Thiên Hà xúc động.
Biển đảo gọi tên người lính trẻ
Giữa thời bình, Trường Sa vẫn có những người lính đã nằm xuống. Trung úy Lê Văn Tính, chiến sĩ thuộc Phân đội Xe tăng cơ động, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân là một trong số đó. Anh sinh năm 1996, ở thôn Xuân Mỹ, xã Ba Gia, tỉnh Quảng Ngãi, ra Trường Sa công tác từ năm 2020; hy sinh năm 2023 khi đang làm nhiệm vụ trên đảo Sơn Ca. Lúc ấy chỉ còn 2 tháng nữa là xong đợt công tác, nhưng Tính đã không kịp trở về đất liền.
Cha anh, ông Lê Văn Tư, kể: “Nó về phép một lần rồi đi ngay, không kịp ở nhà lâu. Lần đó cũng là lần cuối...”. Gia đình ông Tư có truyền thống cách mạng. Một người thân đã hy sinh thời kháng chiến chống Pháp. “Thời nào cũng cần người giữ nước. Dù là chiến tranh hay hòa bình, vẫn có những người lặng thầm canh giữ Tổ quốc”, ông Tư nói.
Tính là con thứ hai trong ba anh em. Chị gái đã lập gia đình, em trai út Lê Công Tuấn đang học tại Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp. Tuấn kể: “Trước khi đi đảo Sơn Ca, anh ấy dặn em phải rèn luyện tốt, sống cho xứng với màu áo lính. Em sẽ không phụ lòng anh, sẽ đi tiếp con đường mà anh đã chọn”.
Những người lính ấy - giữa thời bình - đã sống và hy sinh như những người hùng. Họ ra đi để bình yên ở lại. Bình yên trên những ngọn núi từng sạt lở, bình yên trong từng ca trực giữa Biển Đông cuồng nộ. Và trong tháng bảy tri ân, có những giọt nước mắt lặng thầm của người cha già, ánh mắt kiên cường của người con gái và bước chân người lính trẻ nối tiếp anh mình hướng về Tổ quốc.
VĂN THẮNG - NGUYỄN TRANG