Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều trẻ em gặp nguy hiểm do sốc sốt xuất huyết

Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều trẻ em gặp nguy hiểm do sốc sốt xuất huyết
8 giờ trướcBài gốc
Điều trị cho trẻ mắc sốt xuất huyết. (Nguồn: TTXVN)
Những ngày qua, số ca mắc sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu gia tăng và đã cao hơn so với cùng kỳ năm 2024.
Đặc biệt, các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn đã tiếp nhận nhiều ca sốc sốt xuất huyết trẻ em, cảnh báo sự nguy hiểm của dịch bệnh này.
Nhiều trường hợp trẻ dư cân, có bệnh nền mắc sốt xuất huyết
Cụ thể, ngày 14/5, bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thông tin đơn vị đã tiếp nhận một bé gái tên H.N.G.H (10 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) trong tình trạng sốc sốt xuất huyết nặng.
Trước đó, bé gái sốt cao liên tục 2 ngày, đến ngày thứ 3 thì có biểu hiện đau bụng, ói ra dịch lợn cợn nâu, tay chân lạnh nên người nhà đưa trẻ nhập bệnh viện địa phương và được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày thứ 3.
Tuy nhiên, do tình trạng trẻ diễn tiến nặng, biểu hiện suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan mức độ nặng nên được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi đồng thành phố.
Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy hô hấp nặng trên thể trạng dư cân béo phì (bé gái có cân nặng 50 kg, trong khi ở độ tuổi này cân nặng trung bình khoảng từ 30-32kg).
Các bác sỹ đã tiếp tục truyền dịch cao phân tử, chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện đo huyết áp động mạch xâm lấn, dùng các thuốc vận mạch phối hợp.
Bệnh nhi cũng được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, thở máy không xâm nhập, sau đó được đặt nội khí quản thở máy sớm, chọc dò dẫn lưu dịch màng bụng giải áp.
Để giải quyết tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa nặng, các bác sỹ đã truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, điều trị hỗ trợ gan. Kết quả qua gần 12 ngày điều trị, trẻ bình phục dần, cai được máy thở, tỉnh táo, chức năng gan thận trở về bình thường.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, đầu tháng Năm vừa qua, bệnh viện cũng tiếp nhận điều trị cho một bé trai 12 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận bị sốc sốt xuất huyết.
Trước đó, bé trai bị sốt cao và điều trị tại nhà 2 ngày. Người nhà cho biết, bé trai đã được khám ở phòng khám gần nhà nhưng chẩn đoán viêm họng, uống thuốc ba ngày nhưng không thuyên giảm.
Sau đó, bé trai mệt hơn, đau bụng ngày càng tăng, nôn ói, tiêu lỏng vài lần kèm chảy máu mũi. Người nhà đã đưa bé vào bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc, cô đặc máu, tiểu cầu giảm 5-6 lần so với bình thường, men gan tăng gấp 5 lần bình thường, mạch nhanh và được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2.
Bác sỹ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết thời điểm nhập viện, bệnh nhi trong tình trạng suy hô hấp, phải hỗ trợ thở bằng ôxy và cho truyền dịch cao phân tử. Trường hợp này bệnh nhi có tiền sử bệnh hen suyễn và thuộc nhóm trẻ dư cân béo phì nên việc điều trị khó khăn hơn.
Đáng chú ý, theo bác sỹ Việt, từ đầu năm đến nay, đơn vị cũng đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ dư cân, có bệnh nền mắc sốt xuất huyết - đây là những yếu tố khiến dễ rơi vào tình trạng sốc sốt xuất huyết có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.
Ca mắc sốt xuất huyết tăng 136% so với cùng kỳ năm 2024
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã bắt đầu bước vào mùa mưa, nghĩa là mùa bệnh sốt xuất huyết cũng đã bắt đầu, do đó người dân không nên chủ quan với dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Từ đầu năm 2025 đến ngày 11/5, trên địa bàn ghi nhận 7.398 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 136% so với cùng kỳ năm 2024. Theo dự báo, năm nay mùa bệnh sốt xuất huyết đến sớm hơn và có thể gia tăng nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
Điều trị cho trẻ mắc sốt xuất huyết. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Các bác sỹ khuyến cáo người dân cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng (màn), dọn dẹp vật chứa, khơi thông dòng chảy, tránh đọng nước để hạn chế sự sinh sôi, phát triển của muỗi vằn là trung gian gây nên bệnh sốt xuất huyết. Hiện, sốt xuất huyết đã có vaccine phòng ngừa dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn.
Với những gia đình có trẻ em, phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu nhận biết của như: sốt cao đột ngột, liên tục kèm các triệu chứng nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau hố mắt, xuất huyết da và niêm mạc…
Do bệnh có thể chuyển biến nhanh và gây ra những biến chứng nguy hiểm, ngay khi trẻ có các dấu hiệu trở nặng như vật vã, li bì, đau bụng nhiều, nôn ói, xuất huyết (chân răng, mũi, ói ra máu, tiểu ra máu…), thở mệt thì cần đưa đến bệnh viện ngay./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-nhieu-tre-em-gap-nguy-hiem-do-soc-sot-xuat-huyet-post1038856.vnp