Tôi không sinh ra ở thành phố mang tên Bác, nhưng đã chọn sống và gắn bó với nơi này như quê hương thứ hai của mình. Trong khoảnh khắc lịch sử hôm nay, tim tôi vẫn rung động như khi đón tết hay ngày đầu vào lớp một. Có điều gì đó vừa thiêng liêng, vừa gần gũi. Một sự thay đổi lớn, nhưng lại rất tự nhiên, như một dòng sông sau bao năm chảy quanh co, nay tìm thấy được bến bờ để mở lòng ra biển cả.
Trước ngày TPHCM mới ra mắt, trong những tháng năm nắng đổ, tôi đã đi xe máy qua Bình Dương. Tôi nhớ vườn cây ăn trái Lái Thiêu với mùi măng cụt thơm lừng, nhớ những cánh rừng cao su thẳng tắp đưa bóng mát phủ đầy tâm hồn. Bình Dương không ồn ào, nhưng bền bỉ và ấm áp như người bạn thân, luôn ở bên khi ta cần. Tôi cũng từng về Bà Rịa - Vũng Tàu, ngồi trên bờ biển Long Hải nghe sóng vỗ đêm khuya.
Gió biển nơi ấy mang theo cả vị muối, vị rong rêu và cả những giấc mơ mặn mòi của người dân miền biển. Có lần tôi ghé ngọn hải đăng trên núi Nhỏ hay còn gọi là núi Tao Phùng, nhìn xuống thành phố biển rực rỡ ánh đèn. Khi đó, tôi chẳng thể ngờ, một ngày không xa, vùng đất này sẽ là một phần chính thức trong lòng thành phố tôi yêu.
Một góc TPHCM về đêm nhìn từ sông Sài Gòn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Giờ đây, không còn là “đi tỉnh”, “về quê” nữa. Mỗi bước chân qua Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu đều là bước trong lòng một siêu đô thị - TPHCM mới, rộng hơn, giàu có hơn và cũng trách nhiệm hơn.
Nhiều người quan ngại, thành phố sẽ quá tải, rằng đất chật người đông, rằng sự hòa nhập sẽ khó khăn... Nhưng, khi ta mang trong lòng một tình yêu đủ lớn, mọi khác biệt đều sẽ tìm được cách để hòa vào nhau. Sài Gòn - TPHCM trước nay vốn là nơi của những cuộc gặp gỡ, nơi người Bắc, Trung, Nam cùng quần tụ, tạo nên một đời sống phong phú, bao dung. Thành phố hôm nay cũng sẽ như thế, chỉ là vòng tay dang rộng thêm và trái tim vẫn vậy, vẫn nếp sống nghĩa tình, hồn hậu.
Tình yêu thành phố không nằm ở bản đồ lớn hay nhỏ, gần hay xa, mà nằm ở hành động mỗi ngày. Nó là sự tử tế nơi quán ăn bình dân, nơi ánh mắt sẻ chia trong giờ tan tầm kẹt xe, ở bàn tay cùng trồng cây nơi công viên chung. Khi lòng người hướng về nhau, thì đất nào cũng trở thành quê hương và người nào cũng là thân thuộc, bà con ruột thịt.
Mở rộng địa giới không phải chỉ để có thêm đất, mà là để có thêm cơ hội, thêm kết nối, thêm sức mạnh tổng hòa. Nó nhắc ta, khi ta không còn thấy người khác là ngoại thành, là vùng ven, mà là đồng lòng, thì sự phát triển mới thật sự bền vững.
TPHCM ngày nay hướng đến siêu đô thị, nhưng tình người nơi đây vẫn bao dung, giản dị, chân thành như xưa. Câu chào “Dạ, em mới lên đây mần” giờ có thể đến từ Phú Mỹ, từ Dĩ An, từ Long Hải… nhưng đích đến vẫn là một cuộc sống tốt đẹp hơn trong lòng thành phố. Và tôi, cùng những bạn trẻ khác sẽ góp một phần nhỏ vào hành trình ấy, bằng tình yêu, sự tử tế và niềm tin mạnh mẽ vào ngày mai.
CAO MINH TÈO