Bệnh nhân ung thư đang truyền hóa chất ở bệnh viện. Ảnh: Quỳnh Danh.
Trong ánh nắng oi ả buổi trưa, sảnh chờ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2) vẫn ken đặc người. Tiếng loa gọi tên bệnh nhân vang không dứt. Giữa dòng người ấy, chị Lê Thị Hồng từ Bình Dương bước ra phòng truyền hóa chất, khuôn mặt lộ vẻ mệt mỏi nhưng ánh mắt lại rạng lên khi nói về quyền lợi mới mà chị vừa được hưởng.
Sáp nhập địa giới đang thổi một luồng thay đổi đầy ý nghĩa vào cuộc sống của những bệnh nhân như chị.
Bệnh nhân hưởng thêm ưu đãi nào?
Vừa hoàn thành buổi truyền hóa chất tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chị Lê Thị Hồng, 49 tuổi, ngụ Dĩ An, Bình Dương (cũ), cho biết chị cảm thấy “nhẹ nhõm hơn rất nhiều” sau khi nghe tin về quyền lợi điều trị ban ngày được mở rộng.
Chị Hồng phát hiện ung thư vú từ đầu năm 2024. Trước đây, mỗi lần xuống TP.HCM điều trị, chị đều phải tự chi trả chi phí điều trị ban ngày hoặc buộc phải nhập viện nội trú để được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, dẫn đến tốn kém chi phí ăn ở, đi lại.
"Trước giờ tôi đi từ Bình Dương xuống TP.HCM điều trị, nhiều khi chỉ truyền thuốc có 2-3 tiếng là xong, mà muốn được BHYT thanh toán thì bác sĩ lại phải cho nhập viện. Nay nghe nói được tính điều trị ban ngày, tôi mừng lắm. Tôi truyền xong có thể về liền, lại được BHYT chi trả, đỡ tốn kém, bớt mệt mỏi", chị Hồng chia sẻ.
Không chỉ trường hợp chị Hồng, trao đổi với Tri Thức - Znews, TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho hay hiện rất nhiều bệnh nhân từ Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ được hưởng quyền lợi tương tự, giúp giảm bớt chi phí và áp lực tâm lý trong quá trình điều trị ung thư, vốn đã là hành trình dài và tốn kém.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM luôn đông đúc bệnh nhân các tỉnh thành đến khám mỗi ngày. Ảnh: Duy Hiệu.
Về số lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, bác sĩ Tuấn nhận định chưa có biến động đột biến. Bởi vốn dĩ bệnh viện từ trước đến nay không chỉ đảm nhiệm vai trò là bệnh viện ung thư của TP.HCM, mà còn là bệnh viện chuyên khoa sâu cho cả khu vực miền Nam. Bệnh viện vẫn tiếp nhận bệnh nhân từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… như bình thường.
Điểm thay đổi lớn nhất là chính sách điều trị ban ngày, tức điều trị ngoại trú nhưng được tính quyền lợi như nội trú, ví dụ bệnh nhân đến truyền hóa chất, xạ trị rồi về, vốn trước đây chỉ áp dụng cho người dân TP.HCM. Sau sáp nhập, phạm vi được hưởng quyền lợi này đã mở rộng ra thêm khoảng 4 triệu dân của Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương.
Hiện mỗi ngày Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận khoảng 4.700-5.000 lượt khám ngoại trú và điều trị nội trú cho 900-1.000 bệnh nhân.
"Để đáp ứng nhu cầu có xu hướng tăng, bệnh viện đã xin bổ sung thêm 200 giường nội trú, nâng tổng số giường từ 1.000 lên 1.200. Sở Y tế TP.HCM đã phê duyệt chỉ tiêu kế hoạch giường bệnh mới này", bác sĩ Tuấn nói.
Các bệnh viện TP.HCM tính toán chuyện quá tải
Không chỉ các bệnh viện chuyên khoa sâu, các bệnh viện đa khoa tại TP.HCM cũng bắt đầu cảm nhận được những thay đổi về lượng bệnh nhân sau các chính sách mới đi kèm việc sáp nhập.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết kể từ sau ngày 1/7, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện đã tăng 3-5% so với trước.
Theo bác sĩ Khanh, nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng này là chính sách BHYT đã được thông tuyến toàn quốc ở tuyến khám chữa bệnh ban đầu, cho phép bệnh nhân từ các tỉnh thành khác đến khám tại bệnh viện mà vẫn được hưởng quyền lợi như đúng tuyến.
"Không chỉ người dân TP.HCM, mà cả công nhân, người lao động từ Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc tại Thủ Đức cũng có thể dễ dàng đến bệnh viện khám chữa bệnh, nhất là khi chi phí điều trị ngày càng được BHYT hỗ trợ nhiều hơn", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Sau sáp nhập tỉnh thành, bệnh nhân ung thư giảm được một phần gánh nặng y tế. Ảnh: Quỳnh Danh.
Đặc biệt, từ 1/7, quyền lợi của người tham gia BHYT cũng được mở rộng. Tỷ lệ chi trả khi khám đúng tuyến tăng từ 90% lên 92%.
"Chính những thay đổi này giúp người dân yên tâm đi khám, điều trị sớm, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối", ông Khanh nói thêm.
Tuy vậy, bác sĩ Khanh cũng bày tỏ lo ngại rằng lượng bệnh nhân sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Để ứng phó, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã chủ động rà soát quy trình khám bệnh, tăng cường nhân lực và áp dụng công nghệ thông minh để giảm thời gian chờ đợi, nâng cao chất lượng phục vụ.
Bài toán phân luồng người bệnh
Về phía các bệnh viện tuyến chuyên sâu, Bệnh viện Chợ Rẫy vốn là “lá chắn cuối” của ngành y tế phía Nam, cũng đang tính toán những thay đổi về phân luồng bệnh nhân.
Trao đổi với Tri thức - Znews, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, tiên lượng rằng sẽ chưa có sự thay đổi lớn vì bản chất địa lý vẫn vậy, chỉ khác ở chỗ chuyển đầu mối quản lý.
"Do việc sáp nhập mới diễn ra được vài ngày, bệnh viện cũng chưa thấy có thay đổi gì rõ rệt", bác sĩ Việt nói.
Tuy nhiên, bác sĩ Việt cho rằng một số ảnh hưởng sẽ diễn ra. Theo ông, trước đây, hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không thuộc nội thành TP.HCM nên khi vượt khả năng điều trị của địa phương, bệnh nhân thường chuyển đến Chợ Rẫy.
Nay, khi các địa phương này đã trở thành một phần của TP.HCM, việc chuyển tuyến sẽ ưu tiên các bệnh viện nội thành trước, thay vì đưa ngay ra các bệnh viện tuyến bộ hoặc trực thuộc trung ương như Chợ Rẫy.
"Ví dụ, các bệnh viện như Nguyễn Tri Phương, Nhân Dân 115, Nguyễn Trãi… có khả năng sau này sẽ phải tiếp nhận thêm một lượng bệnh nhân vốn trước đây điều trị tại các bệnh viện thuộc Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu. Các bệnh viện này sẽ có ảnh hưởng đầu tiên", bác sĩ Việt nhận định.
Bệnh nhân từ nhiều tỉnh thành cũng đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám. Ảnh: L.T.
Bác sĩ Việt cho rằng nhìn ở góc độ số lượng bệnh nhân và khả năng điều phối, tổ chức điều trị, trách nhiệm chính hiện nay thuộc về ngành Y tế TP.HCM.
"Thành phố sẽ phải xây dựng các luồng tiếp nhận bệnh mới. Trước đây, có thể một số bệnh nhân không tới bệnh viện trong thành phố, nhưng giờ thì họ sẽ đến. Thành phố cần chuẩn bị cho việc này", PGĐ Bệnh viện Chợ Rẫy nhấn mạnh.
Với hệ thống bệnh viện vốn đã luôn trong tình trạng “căng như dây đàn,” việc sáp nhập có thể là cơ hội để phân bố lại nguồn lực, giúp người dân được tiếp cận y tế gần hơn, đồng thời cũng là thách thức lớn nếu không kịp thời củng cố năng lực đáp ứng.
Nguyễn Thuận