Thanh xuân dưới màu áo lính

Thanh xuân dưới màu áo lính
8 giờ trướcBài gốc
Chiến sĩ trẻ Trần Văn Hữu Hùng đón sinh nhật xa nhà cùng đồng đội.
Sinh nhật trong quân ngũ
Không bánh kem lộng lẫy, cũng chẳng có món quà sang trọng hay sự hiện diện của người thân, nhưng với binh nhì Trần Văn Hữu Hùng, chiến sĩ Trung đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn Đặc công 20 (Bộ Tham mưu Quân khu 1), buổi tiệc sinh nhật giản dị tại đơn vị lại là kỷ niệm, là hành trang không thể nào quên trong suốt cuộc đời.
Trong không khí ấm áp của tình đồng đội, sinh nhật của anh Hùng và 6 chiến sĩ khác được tổ chức với những lời chúc mộc mạc, chân thành, xen lẫn tiếng hát, tiếng đàn mang đậm chất lính.
"Đây là lần đầu tiên tôi được đón tuổi mới tại đơn vị. Dù không có người thân bên cạnh, nhưng tình cảm mà anh em và cán bộ khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Tôi thật sự cảm ơn Tiểu đoàn đã tổ chức một buổi sinh nhật nhiều ý nghĩa như vậy" - Chiến sĩ Hùng chia sẻ trong niềm vui rạng ngời.
Sinh nhật đậm chất lính tại Tiểu đoàn Đặc công 20.
Cũng là chiến sĩ mới, anh Lê Trần Phương không tránh khỏi những bỡ ngỡ, nhớ nhà trong những ngày đầu xa quê. Từ Bắc Giang lần đầu đặt chân đến Thái Nguyên, môi trường quân đội với kỷ luật nghiêm ngặt, cường độ huấn luyện cao là thử thách không nhỏ. Nhưng điều giúp chàng lính trẻ vượt lên tất cả là tình cảm gắn bó như anh em dưới cùng một mái nhà.
“Dù mới vào đơn vị, nhưng tôi luôn cảm nhận được sự quan tâm, chăm lo, từ đời sống đến tâm tư, nguyện vọng. Tôi rất ấn tượng với hình ảnh các anh trong biệt đội chống khủng bố biểu diễn võ thuật tại lễ ra quân huấn luyện. Đó là hình mẫu để tôi phấn đấu, rèn luyện thật tốt, mong một ngày được ở lại phục vụ lâu dài trong Tiểu đoàn Đặc công 20" - Anh Phương bày tỏ.
“Đơn vị là nhà, đồng đội là anh em” - đó không chỉ là khẩu hiệu mà là tình cảm chân thật, được nuôi dưỡng qua từng bữa ăn, giấc ngủ, qua mỗi buổi huấn luyện gian khổ, hay đơn giản là một bữa tiệc sinh nhật ấm lòng giữa những ngày đầu quân ngũ.
Các chiến sĩ mới được cán bộ hướng dẫn bảo quản vũ khí trang bị mỗi giờ huấn luyện.
Thượng úy Vi Văn Cường, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn Đặc công 20, cho biết: Để các chiến sĩ mới hòa nhập nhanh với môi trường quân ngũ, ngay từ những ngày đầu, cán bộ, chỉ huy các cấp thường xuyên sâu sát, kịp thời nắm bắt tư tưởng chiến sĩ mới theo phương châm “4 cùng”: Cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc, học tập, cùng hoạt động thể thao; đồng thời tạo các diễn đàn, sân chơi bổ ích để cán bộ, chiến sĩ có dịp giao lưu, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đảm bảo rau xanh và thực phẩm cho bữa ăn bộ đội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống trong huấn luyện”.
Gắn kết hậu phương, vững vàng tiền tuyến
Không chỉ chú trọng rèn luyện thể lực, kỹ năng chiến đấu cho chiến sĩ, các đơn vị còn đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của bộ đội. Một trong những mô hình đang phát huy hiệu quả tích cực chính là nhóm Zalo “Hậu phương chiến sĩ” - cầu nối giữa đơn vị và gia đình, giữa người lính và người thân nơi quê nhà.
Đại tá Nguyễn Thành Đạt, Chính ủy Lữ đoàn 210 (Quân khu 1): Với các chiến sĩ trẻ lần đầu xa gia đình, tâm lý nhớ nhà là điều không tránh khỏi. Nhóm Zalo hậu phương không chỉ là kênh để gia đình cập nhật tình hình sinh hoạt, huấn luyện của con em mình mà còn là nơi gửi gắm những lời động viên, nhắn nhủ yêu thương từ quê hương tới chiến sĩ. Qua đó, giúp chiến sĩ an tâm tư tưởng, gắn bó với đơn vị, với đồng đội.
Chế độ dinh dưỡng đảm bảo cho chiến sĩ mới.
Chiến sĩ Triệu Sinh Bảo, Đại đội 1, Lữ đoàn 210, xúc động chia sẻ: Mỗi khi đơn vị đăng ảnh huấn luyện hay hoạt động thường ngày lên nhóm, mẹ em đều nhắn: “Mẹ thấy con khỏe là yên tâm rồi”. Đọc những dòng tin nhắn ấy, em thấy ấm lòng vô cùng. Em càng có thêm động lực để cố gắng rèn luyện, không phụ lòng mong mỏi của gia đình và sự tin tưởng của cán bộ, đồng đội.
Zalo hậu phương quân đội giúp chiến sĩ vơi đi nỗi nhớ gia đình.
Sau hơn hai tháng rưỡi trong quân ngũ, những chàng trai tuổi 18, đôi mươi đã dần thích nghi với nhịp sống và kỷ luật quân đội. Từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ, nay họ đã thành thạo việc gấp chăn vuông góc, sắp xếp nội vụ gọn gàng, phản xạ nhanh với tiếng kẻng báo động hay hiệu lệnh kiểm tra tác phong. Những trải nghiệm đầu đời trong môi trường quân đội không chỉ rèn luyện thể chất mà còn là hành trình tôi luyện ý chí, giúp các tân binh thêm rắn rỏi, trưởng thành.
Với ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự đồng hành sát sao từ cán bộ chỉ huy các cấp - những người thầy, người anh mẫu mực - đa phần chiến sĩ mới đã dần yên tâm tư tưởng, cảm nhận được tình đồng đội keo sơn, sự gắn bó thân tình trong tập thể đơn vị. Nhiều chiến sĩ không chỉ coi đơn vị là nơi rèn luyện mà còn là mái nhà thứ hai - nơi nuôi dưỡng lòng tự hào và ý chí cống hiến...
Mọi hoạt động trong một ngày huấn luyện được cán bộ Lữ đoàn Pháo phòng không 210 cập nhật thường xuyên cho gia đình chiến sĩ qua zalo.
Hành trình quân ngũ với những kỷ luật nghiêm khắc nhưng đầy yêu thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các chiến sĩ trẻ. Và từ nơi đây, họ không chỉ lớn lên trong trách nhiệm với Tổ quốc, mà còn trưởng thành trong tình cảm gắn bó keo sơn của những người lính - những người anh em dưới một mái nhà chung.
Hoài Anh
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/quoc-phong-an-ninh/202504/thanh-xuan-duoi-mau-ao-linh-d0824e4/