Thắp lửa Kho Vàng

Thắp lửa Kho Vàng
một ngày trướcBài gốc
Người lao động Dầu khí đã thắp lên nhiều “ngọn lửa” khác trong cộng đồng thông qua những hoạt động an sinh xã hội, để từ đó cái nghĩa tình dầu khí được lan tỏa và nồng đượm.
Nhớ cái đêm trong một chuyến đi công tác, ngồi trong khách sạn nhìn ra cửa khẩu, nơi có con sông Hồng chảy về đất Việt, những ngọn đèn qua kính trở nên lập lòe như những ngọn lửa, tôi bỗng hình dung ra trong đêm tối nơi biên cương địa đầu tổ quốc, một ngọn lửa dầu khí đã được thắp lên ở bản nhỏ có tên gọi Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) bên dòng sông Chảy, nơi chịu ảnh hưởng lớn của hoàn lưu sau cơn bão Yagi và đã từng đứng trước nguy cơ phải xóa sổ.
Thế nhưng điều đó đã không xảy ra, thay vào đó chúng ta có một bản Kho Vàng mới kiểu mẫu, biết thêm một Trưởng thôn Ma Seo Chứ anh hùng, có một câu chuyện để kể cho hậu thế nghe về hành động chung tay thắp lửa của người dầu khí. Đó là một huyền sử sẽ còn được nhắc nhớ trong cộng đồng dân tộc thiểu số Lào Cai như một bài học về ý nghĩa của hai chữ “đồng bào”, về tinh thần đoàn kết “trên dưới một lòng dọc ngang thông suốt” và một khẩu hiệu mới của dân tộc đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong thời gian gần đây, đó là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cơn bão Yagi và quyết đinh lịch sử
Cơn bão Yagi tên gọi do người Nhật đặt, nghĩa là "con dê" hoặc "chòm sao Ma Kết", đã gây ra những thảm họa lớn trên con đường nó đi qua, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc Việt Nam, nơi lâu lắm rồi mới có một trận bão lớn như thế đổ bộ. Hậu quả mà nó gây ra thật kinh hoàng. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh … hàng chục nghìn cây xanh đã bị quật ngã, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, thiệt hại về kinh tế là rất lớn. Chưa hết, cơn bão đã gây ra hoàn lưu ở các tỉnh miền núi nhiều ngày sau đó khiến mưa lũ, sạt lở đất đá, gây ra những mất mát đau thương cả về người và của, thậm chí, có những bản làng bị “xóa sổ”. Tỉnh Lào Cai có 3 nơi bị thiệt hại nặng nhất là thôn Làng Nủ, thôn Nậm Tông và thôn Kho Vàng.
Ngày 12/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) để thị sát tình hình. Tại đây, chứng kiến những hậu quả của thiên tai, Thủ tướng đã bật khóc và nói: “Thưa các đồng chí, bà con nhân dân, thực sự rất đau lòng, chúng ta chứng kiến cảnh tượng rất đau lòng”. Từ nỗi thương cảm sâu sắc ấy, vì cái “tình đồng chí – nghĩa đồng bào” với bà con nhân dân của tỉnh Lào Cai bị ảnh hưởng của thiên tai, Thủ tướng đã có một quyết định lịch sử. Thông điệp ngắn gọn và rõ ràng: “Yêu cầu chính quyền địa phương tìm một hai điểm được đánh giá là an toàn để xây dựng lại Làng Nủ, Kho Vàng và Nậm Tông, đến 31/12/2024 phải có nơi để cho người dân ở, sinh sống ổn định, đảm bảo môi trường sống lành mạnh an toàn”.
Đồng chí Trần Quang Dũng, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (bên trái) tặng đồ dùng thiết yếu cho người dân thôn Kho Vàng.
Đó là quyết định đã đưa đến sự phối hợp giữa Đảng bộ chính quyền và nhân dân tỉnh Lào Cai với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong công cuộc tái thiết cho 35 hộ dân ở thôn Kho Vàng - một bản nhỏ gồm hai dân tộc Mông và Dao sống bên bờ sông Chảy, sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Sau mưa lũ, nhiều hộ dân đã phải chuyển về ở trong lán dựng tạm cạnh Ủy ban nhân dân xã, trên nền đất ẩm ướt, lạnh lẽo, thiếu thốn nhiều bề. Khi đoàn cán bộ Petrovietnam đến thăm, nhìn những đứa trẻ co ro trong ngổn ngang vật dụng còn lại thu nhặt được sau mưa lũ, những ánh mắt rất buồn của người lớn, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, nhiều người không cầm được nước mắt.
Qua khảo sát thực tế và đánh giá tình hình rất cấp thiết, trong một thời gian rất ngắn, những trao đổi giữa hai đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh Lào Cai và Petrovietnam là đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petrovietnam đã được thống nhất về kế hoạch triển khai công cuộc tái thiết thôn Kho Vàng, xác định địa điểm, phương án triển khai và nguồn kinh phí thực hiện. Đó là những nội dung quan trọng để tập thể lãnh đạo và cán bộ các cấp tỉnh Lào Cai và Petrovietnam cùng phối hợp triển khai với tinh thần khẩn trương nhất có thể.
Lễ Khởi công tái thiết khu dân cư Kho Vàng.
Lễ khởi công đặc biệt
Ngày 21/9/2024, tại thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã diễn ra một lễ khởi công đặc biệt. Lễ khởi công ấy không có sân khấu, không có cờ hoa, không có văn nghệ, không bàn ghế cho đại biểu, không có tiếng vỗ tay, không có tiếng cười, … mà chỉ có sự xúc động nghẹn ngào của lãnh đạo chính quyền địa phương và người dân thôn Kho Vàng – những người đã bị mất nhà cửa, ruộng vườn trong trận mưa lũ kinh hoàng vừa qua, cùng ánh mắt quyết tâm rực lửa trong ầm ì tiếng máy xúc đang thi công.
Địa điểm tổ chức chỉ là một bãi đất mới san phẳng, cái loại đất pha sét vàng thẫm dính như keo khi gặp nước. Để lên được đó phải đi bộ qua cầu sắt bắc qua sông Chảy, dưới sông nước chảy xiết, lổn nhổn đá hộc và các thân cây, hai bên bờ sông tan hoang, kè vỡ, ta-luy vỡ, những con đường cũng nứt vỡ, rồi vượt tiếp hai con dốc dài chừng năm trăm mét, dốc lên phải bò chứ không đi thẳng được. Vậy mà, không một ai bỏ cuộc, ai cũng muốn có mặt trong sự kiện rất đặc biệt này.
Tham dự buổi lễ có đầy đủ lãnh đạo cao nhất của tỉnh Lào Cai, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, Bí thư huyện ủy Bắc Hà, Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, đại diện Petrovietnam là đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí cùng đông đảo bà con nhân dân xã Cốc Lầu. Tại đây, tất cả đã cùng chứng kiến những tâm sự, chia sẻ và đồng lòng quyết tâm sẽ hoàn thành công cuộc tái thiết này theo đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo an toàn, chất lượng và tiến độ trước 31/12/2024.
Việc chuyển đổi tái định cư một đơn vị hành chính như thôn Kho Vàng là việc không đơn giản, yêu cầu đặt ra cho khu dân cư mới sẽ bảo đảm đầy đủ các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của 35 hộ dân theo quy chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, việc thiết kế và xây dựng khu dân cư mới sẽ được thực hiện dựa trên đặc điểm văn hóa, phong tục và tập quán của đồng bào dân tộc Mông và Dao - hai nhóm dân cư chính tại thôn Kho Vàng – đó là nhà thấp ở trên địa hình cao, có bếp và vườn để tiện canh tác sinh hoạt. Địa điểm mới cách nơi cũ của thôn khoảng 1,5km.
Với yêu cầu trên, đặt trong điều kiện bình thường với nguồn lực đầy đủ cũng là rất khó, nhất là vấn đề thời gian, nay lại trong bối cảnh sau bão lũ, điều kiện thi công phức tạp, việc di chuyển tập kết nguyên vật liệu, hậu cần cho nhân công lao động trong địa bàn giữa rừng núi, không điện nước … lại phải hoàn thành trong thời gian hơn 3 tháng, quả là một thách thức rất lớn. Xưa có bà Nữ Oa đội đá vá trời thì nay có những người Việt Nam với bàn tay và khối óc, chân trần chí thép, đã vì cái “tình đồng chí – nghĩa đồng bào” mà vượt lên mọi khó khăn vất vả, không quản ngại thiếu thốn nắng mưa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra.
Đồng chí Trần Quang Dũng, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tặng máy lọc nước cho các hộ dân thôn Kho Vàng.
Nỗ lực không mệt mỏi
Thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Petrovietnam cùng UBND tỉnh Lào Cai quyết tâm hoàn thành việc xây dựng khu dân cư mới, góp phần ổn định cuộc sống cho bà con, trước ngày 31/12/2024. Toàn bộ kinh phí thực hiện việc tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng từ nguồn quỹ an sinh xã hội, người lao động Dầu khí tự nguyện đóng góp và làm việc ngày thứ Bảy tình nguyện.
Đây là hành động xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm của người lao động dầu khí đối với đồng bào bị thiệt hại do cơn bão Yagi và mưa lũ. Điều đó cũng cho thấy Petrovietnam luôn quan tâm xây dựng văn hóa người dầu khí, kinh doanh luôn gắn với trách nhiệm xã hội, đóng góp cho an sinh xã hội. Sáu đơn vị chủ lực của Tập đoàn được giao nhiệm vụ để cùng phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lào Cai trong việc giải ngân kịp thời nguồn kinh phí tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng với đầy đủ nước sạch, điện sinh hoạt, điểm trường, nhà văn hóa. Hàng tuần đều có các đoàn công tác của Petrovietnam lên với Kho Vàng để cùng lãnh đạo tỉnh Lào Cai và huyện Bắc Hà trực tiếp kiểm tra và động viên các nhà thầu thi công. Khối lượng công việc khổng lồ mà thời gian lại rất gấp, vì thế cần huy động tối đa nguồn nhân lực vật lực cho công trình. Thử hình dung một quả núi cao gần 500 mét được xẻ giật làm tám cấp tạo mặt bằng cho việc xây dựng 35 căn nhà, đồng thời phải thiết kế hai đường dẫn lên xuống để thuận tiện giao thông, lắp đặt hệ thống cấp điện, cấp nước, rồi đường nội bộ trong khu dân cư … công việc thi công trên địa hình phức tạp, lại vừa trải qua mưa lũ, nền đất yếu, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người và máy móc thiết bị.
Khối lượng công việc khổng lồ mà thời gian lại rất gấp, vì thế Ban quản lý cũng như các nhà thầu đã huy động tối đa nguồn nhân lực vật lực cho công trình, làm 3 ca 4 kíp.
Thế nhưng bằng kinh nghiệm, quyết tâm cùng một kế hoạch rất chi tiết, giống như trong bài hát “Cô gái mở đường”, tại Kho Vàng đã chứng kiến nhiều cảnh tượng hoành tráng khi những con đường mới được mở uốn lượn theo những triền núi để lên đến từng cao độ, để đưa máy móc thiết bị lên cải tạo mặt bằng. Dù cơ bản là đất nhưng đôi lúc gặp những tảng đá lớn ở những đoạn hiểm yếu buộc anh em phải dùng máy móc hiện đại kết hợp với sự sáng tạo để từng bước “mở đường”. Con đường ngày một dài hơn, độ dốc ngày một thấp xuống. Ai nấy đều nắm tay nhau chạy đua với thời gian. Thời tiết ở Cốc Lầu chẳng hề ưu ái với những cơn mưa rừng dai dẳng. Mưa không chỉ làm gián đoạn tiến độ thi công mà còn biến những con đường vận chuyển thành bãi bùn lầy. Nhiều hôm, xe tải và máy móc bị sa lầy, cản trở không ít đến quá trình triển khai công việc. Rồi qua được những cơn mưa thì lại đến những trận nắng dài ngày, khiến mồ hôi vã ra như tắm, công cuộc tiếp nước cũng bận rộn hơn. Các đoàn công tác gặp hôm trời nắng lên có đôi ba tiếng mà về ai nấy cũng đen nhẻm, nên càng thương anh em thợ nhiều hơn. Từng có những “chú lợn nghĩa tình” được lãnh đạo tỉnh Lào Cai và Petrovietnam gửi lên công trường để Ban Quản lý kịp thời mổ khao quân động viên anh em giữ tinh thần “vượt nắng thắng mưa”.
Trong những lần được cùng đoàn công tác Petrovietnam lên thăm công trường, chúng tôi được chứng kiến sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và huyện Bắc Hà đối với công trình tái thiết Kho Vàng, thể hiện đúng tinh thần trách nhiệm của những người cán bộ đảng viên với nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt ấn tượng với anh Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh. Anh trước công tác ở Sở Giao thông Vận tải nên nắm rất chắc về chuyên môn kỹ thuật, những buổi làm việc tại thực địa, anh tổ chức họp đủ nhà thầu, tư vấn, Ban quản lý, hỏi từng nội dung công việc, tiến độ, nhân lực, có vướng mắc khó khăn gì chỉ đạo giải quyết ngay. Mỗi buổi làm việc được thấy cách anh điều hành, cách phê bình, cách đôn đốc, cách động viên, rồi kết luận chỉ đạo rõ ràng mạch lạc, cụ thể từng giải pháp thi công làm sao vừa đảm bảo chất lượng vừa đảm bảo tiến độ, thú thực tôi rất tin rằng công trình này sẽ thành công tốt đẹp. Chưa kể anh lập nhóm zalo để chỉ huy công trình báo cáo hàng ngày, hai tuần giao ban thực địa một lần, riêng với đoàn Petrovietnam là bốn lần được tham gia họp cùng anh. Có thể nói, bên cạnh nỗ lực quyết tâm chung của tập thể người lao động trên công trình thì anh Nguyễn Trọng Hài là một người có đóng góp rất lớn cho hành trình thắp lửa của Petrovietnam nơi biên cương tổ quốc.
Công trình tái thiết toàn bộ 35 ngôi nhà cho đồng bào thôn Kho Vàng đã hoàn thành chỉ trong 90 ngày kể từ lúc khởi công, vượt tiến độ Thủ tướng giao là ngày 31/12/2024.
Ngày vui đến
Công trình tái thiết toàn bộ 35 ngôi nhà cho đồng bào thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, đã hoàn thành chỉ trong 90 ngày kể từ lúc khởi công, vượt cả tiến độ Thủ tướng giao cho, chính thức được khánh thành vào ngày 22/12/2024, đúng ngày kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó có lẽ là một kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử tái thiết cộng đồng của tỉnh Lào Cai.
Buổi lễ được tổ chức trang trọng ở cả ba địa điểm là Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại tướng Phan Văn Giang và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham dự. Tất nhiên, không thể thiếu lãnh đạo tỉnh Lào Cai và các đơn vị phối hợp trong công cuộc tái thiết này. Đoàn đại biểu Petrovietnam do đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên dẫn đầu tham dự sự kiện chính ở Làng Nủ, còn tại Kho Vàng là đồng chí Lê Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc và đồng chí Trần Quang Dũng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy.
Tại đây, đoàn đại biểu Petrovietnam đã đi thăm lần lượt từng căn nhà trong tổng số 35 căn được xây dựng trên một sườn núi thoải giật thành 8 cấp, nhìn thẳng ra dòng sông Chảy đang lững lờ trôi. Những ngôi nhà kiểu mẫu của một bản làng Mông-Dao Tây Bắc, với đặc trưng thiết kế và công dụng, bổ sung thêm chút hiện đại của thời cuộc như bếp ga, TV, bộ ghế salon … nằm trong gói quà của Công đoàn Petrovietnam tặng cho từng gia đình khi nhận nhà mới. Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Trần Quang Dũng mỗi người bế trên tay một em bé người Mông với nụ cười tươi rói cũng làm người dầu khí thấy vui lây. Những nụ cười thật tươi trong làn nắng mới đón mùa xuân về trên bản mới Kho Vàng, trong tiếng reo vui của đồng bào lẫn tiếng gió của đại ngàn đang vi vút trong rầm rào mạch nguồn sông Chảy. Chúng tôi cũng ở đó, cùng với các anh, thấy như một điều gì nhẹ nhõm đang đi qua. Việc chúng ta làm, cùng chung sức chung lòng để làm, đã có kết quả thật tốt đẹp.
Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Trần Quang Dũng mỗi người bế trên tay một em bé người Mông với nụ cười tươi rói cũng làm người dầu khí thấy vui lây.
Để tổng kết giá trị của công cuộc tái thiết này, Thủ tướng Phạm Minh Chính rút ra 6 ý nghĩa quan trọng:
Một là, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy. Khi gặp khó khăn thách thức, tinh thần đoàn kết là điểm tựa vững chắc để nhân dân vượt qua.
Hai là, tình yêu thương con người, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách được phát huy trong những thời điểm cam go, hiểm nguy nhất.
Ba là, khu tái thiết được hoàn thành là biểu hiện của việc thực hiện chủ trương không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bốn là, thể hiện sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân, các cơ quan đơn vị, trong đó có sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện.
Năm là, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Sáu là, không gì là không thể, biến không thành có, biến khó thành dễ, với một tinh thần sự sống nảy sinh từ cái chết.
Với bà con Kho Vàng, ngày 22/12/2024 là một ngày vui nhất, vì họ được nhận nhà mới, được chính quyền cấp sổ đỏ cho ngôi nhà mới được xây lên bằng tình cảm và nghĩa tình của bao người, trong đó có người dầu khí, được sống trong sự quan tâm đùm bọc để hiểu rõ hơn hai chữ “đồng bào”. Dù là Mông Dao hay Tày Nùng, Thái Mường hay Kinh Hoa Khơ Mú … tựu trung lại cũng là một dân tộc Việt, là nòi giống Lạc Hồng mà thôi.
Thắp lửa kho vàng
Vĩ thanh
Huyền sử sau này sẽ kể lại rằng, đã từng có một công cuộc tái thiết được khẩn trương triển khai vì cuộc sống an toàn của đồng bào thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, những người Mông và Dao ở miền biên viễn. Ba mươi lăm ngôi nhà tại một địa điểm mới, thi công trong vỏn vẹn ba tháng, trong đó quá nửa thời gian là san lấp cải tạo đồi núi để có mặt bằng, địa hình thi công hiểm trở, khó khăn. Vậy mà, mọi sự viên thành. Quá trình thi công an toàn tuyệt đối. Nhìn những người dân tộc Mông, Dao bước vào những ngôi nhà xây gạch đẹp đẽ trong một quy hoạch ngăn nắp, lối đi rải bê tông, quanh nhà trồng hoa và cây bắt đầu bén rễ lên xanh, nhìn đám trẻ tóc xơ vàng dãi nắng chơi đùa trong khuôn viên, những nụ cười ánh lên trong sương mờ bình minh nắng hé, mới thấy giá trị của hành trình thắp lửa, mới thấy hết ý nghĩa của công tác an sinh.
Niềm hạnh phúc đó sẽ giúp họ có thêm niềm tin trong cuộc sống. Những đứa trẻ kia lớn lên hẳn sẽ là những công dân tốt, ngoài trách nhiệm với gia đình còn ý thức rõ hơn trách nhiệm với xã hội, với đất nước, như những gì chúng thấy tận mắt mà xã hội và đất nước đã trao tặng cho gia đình chúng. Tất cả đồng bào có mặt hôm nay đều hiểu, rằng có ngày hôm nay khi rộn rã không khí vui tươi của lễ khánh thành, thì cả một hệ thống chính trị đã vào cuộc, từ cấp cao nhất là Thủ tướng Chính phủ, cho đến Đảng bộ, chính quyền và đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, rồi cả chính những người dân được thụ hưởng. Ngọn lửa dầu khí được vinh dự đồng hành trong tinh thần ấy, cũng là cơ hội để được thắp thêm một ngọn lửa nơi biên cương. Kho Vàng hôm nay không còn là một bản nhỏ mờ sương nằm chênh vênh bên bờ sông Chảy, nó đã có dáng hình của một khu dân cư kiểu mẫu, thậm chí, đẹp như một "khu resort" với view ngút mắt núi trập trùng có dòng sông uốn lượn xanh trong. Kho Vàng hôm nay đã thực là "kho vàng" như trong một giấc mơ kỳ ảo mà không ai có thể tưởng tượng ra được trước khi cơn bão Yagi ập đến.
Người dân vui mừng dọn về nhà mới.
Đêm muộn, dòng sông Hồng nơi địa đầu tổ quốc cũng như tôi dường như chưa muốn ngủ, dù đều đã mệt nhoài. Cái giá trị tinh thần và khát vọng của người dầu khí, cũng như dòng sông cuồn cuộn chảy, không có điểm dừng, không có kết thúc, không ngừng nghỉ, đó là khát vọng góp một bàn tay để thắp lên những ngọn lửa sáng trong đêm tối, không chỉ xua đi những khổ cực bần hàn và hàn gắn những nỗi đau của con người mà còn là góp phần thắp sáng cho kỷ nguyên mới của một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Tin rằng, công cuộc tái thiết Kho Vàng hôm nay, giống như một ngọn lửa biên cương vừa thắp, mới chỉ là ngọn lửa đầu tiên, để mai này, sẽ có nhiều nhiều ngọn lửa được thắp lên, để biên cương bừng sáng trong đổi mới, tràn ngập niềm tin và hạnh phúc. Để tiếng cười của các cô bé cậu bé người dân tộc Mông Dao được vang mãi, vang xa.
Lào Cai 18.01.2025
Ghi chép của Mi Lâm
Nguồn PetroTimes : https://petrovietnam.petrotimes.vn/thap-lua-kho-vang-723319.html