Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới ở phường Đông Cao (TP. Phổ Yên) mang lại hiệu quả cao.
TP. Phổ Yên hiện có trên 22.200 hội viên nông dân. Trước đây, hầu hết người làm nông nghiệp trên địa bàn đều giữ cách làm truyền thống theo kiểu "ông bà trồng cây gì, mình trồng cây đó, ông bà làm thế nào, mình làm thế đó". Nhưng trong những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con cũng có sự thay đổi lớn.
Để có được điều này, các cấp hội nông dân của thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tăng cường liên kết, hợp tác mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã tổ chức 372 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho trên 18.000 hội viên nông dân, phối hợp mở 5 lớp dạy nghề cho 173 nông dân.
Đồng thời tăng cường cho nông dân tham quan thực tế tại các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả, làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sức lan tỏa với phương châm “nông dân dạy nông dân”, “nông dân học nông dân”, lấy cán bộ hội cơ sở, các chi hội trưởng, hội viên nông dân sản xuất giỏi làm nòng cốt vận động đông đảo hội viên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Lồng ghép xây dựng các mô hình kinh tế tập thể với việc xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, dạy nghề, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ vốn phát triển kinh tế tập thể...
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Hội Nông dân TP. Phổ Yên cũng thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT về cho vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với dư nợ trên 185 tỷ đồng; trên 1.200 hộ vay thông qua 95 tổ liên kết vay vốn tại 14 xã, phường.
Đồng thời, Hội Nông dân thành phố phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các nội dung ủy thác cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách với dư nợ trên 193 tỷ đồng; trên 4.600 hộ vay vốn thông qua 111 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Đặc biệt, Hội Nông dân thành phố đã và đang thực hiện có hiệu quả Đề án bổ sung vốn điều lệ quỹ hỗ trợ nông dân thành phố, giai đoạn 2021-2025. Đến nay, tổng dư nợ quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đang triển khai trên địa bàn là trên 8 tỷ đồng, tại 17 dự án theo nhóm hộ ở 14 xã, phường; 163 hộ nông dân được vay vốn sản xuất.
Các nguồn vốn trên đã giúp nông dân phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất và giải quyết cho hàng nghìn nông dân có việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Ngoài ra, Hội còn tích cực phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp, công ty cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, máy nông nghiệp theo phương thức ứng trước giúp nông dân có điều kiện đầu tư sản xuất.
Ông Tạ Hồng Hà, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, cho biết: Thời gian gần đây, Hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nhiều mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút nhiều hội viên tham gia như: Sản xuất chè, cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất rau trong nhà lưới…
Các mô hình này đã khẳng định hiệu quả kinh tế, tạo điều kiện tốt cho người dân phát triển nông nghiệp một cách bền vững; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo và tác động tích cực đến sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ, liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng.
Trong năm 2024, các cấp hội nông dân đã phối hợp hướng dẫn thành lập được 3 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác, 10 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 2 chi hội nông dân nghề nghiệp. Các mô hình kinh tế này hiện đã, đang cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, thu nhập sau khi trừ chi phí đạt từ 200 triệu đồng đến vài tỷ đồng mỗi năm không còn là điều hiếm thấy ở Phổ Yên.
Hải Hằng