Khi còn là ứng cử viên Tổng thống, ông Donald Trump đã đến thăm biên giới Mỹ-Mexico tại Eagle Pass, Texas vào tháng 2. Ảnh: Reuters.
Kế hoạch trục xuất lớn nhất trong lịch sử
Nhiều bạn học của anh sau đó kiếm được công việc với mức lương cao, nhưng Silva không thể bắt đầu sự nghiệp dù sở hữu bằng kế toán và kinh tế học, bởi anh không có tư cách pháp lý tại Mỹ. Thay vào đó, chàng thanh niên 24 tuổi nhập cư từ Mexico đã đăng ký một chương trình thạc sĩ với hy vọng chờ Quốc hội hợp pháp hóa tình trạng của mình cùng hàng nghìn người khác được gọi là “Dreamer” – những người đã đến Mỹ từ khi còn nhỏ mà không có giấy tờ hợp lệ.
Sau đó, ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống, cam kết trục xuất hàng triệu người nhập cư đang sống bất hợp pháp tại Mỹ. “Tôi đã suy sụp tinh thần”, Silva nói. “Tôi nghĩ mọi nỗ lực của mình đều vô nghĩa và ngay lập tức bật khóc”.
Silva là một trong hơn 400.000 sinh viên tại các trường đại học Mỹ không có tư cách pháp lý lâu dài, và tương lai của họ đang bấp bênh khi chờ đợi chương trình trục xuất lớn nhất trong lịch sử mà ông Trump cam kết thực hiện.
Oscar Silva đang hy vọng tìm được một nhà tuyển dụng sẽ hỗ trợ trợ thị thực lao động của anh. Ảnh: WSJ.
Các quan chức trong nhóm chuyển giao quyền lực, bao gồm ông Tom Homan – người sẽ đảm nhận vị trí “Sa hoàng” biên giới – đã công khai thu hẹp phạm vi của chương trình, tập trung chủ yếu vào các thành viên băng đảng tội phạm, những người đang bị truy nã và người có tiền án. Tuy nhiên, ông Homan gần đây cũng nhấn mạnh ý định thực hiện hàng loạt vụ bắt giữ. “Nếu bạn ở đây bất hợp pháp, bạn sẽ gặp rắc rối,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 18/11.
Những sinh viên có nguy cơ bị trục xuất đang gấp rút tìm hiểu quyền lợi của mình, lập kế hoạch trốn tránh khi cần thiết, và trong trường hợp xấu nhất, liên hệ với những người thân xa ở quê nhà mà họ hầu như không nhớ tới, đề phòng họ bị gửi trả về đó.
Ngay cả khoảng 100.000 sinh viên hiện tại được hưởng sự bảo vệ tạm thời khỏi bị trục xuất theo chương trình DACA của cựu Tổng thống Barack Obama cũng lo ngại rằng chương trình có thể bị tòa án chấm dứt. Silva thuộc nhóm đa số sinh viên “Dreamer” không được bảo vệ bởi chương trình này.
Ông Trump, người đã cố gắng kết thúc chương trình DACA trong nhiệm kỳ đầu tiên, gần đây bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ nhóm người nhập cư này. “Chúng ta cần làm gì đó cho những ‘Dreamer’ này vì họ đã được đưa đến đây khi còn rất nhỏ”, Tổng thống đắc cử cho biết trong chương trình “Meet the Press” của NBC tháng này.
Những người có quan điểm cứng rắn về nhập cư khác cũng có xu hướng muốn nhóm “Dreamer” được ở lại. “Ông Trump đã nói rằng nhóm người mà ông ấy sẽ nhắm đến để trục xuất là những người có tiền án và đã phạm tội, và tôi đồng ý với ông ấy”, bà Terri Leo Wilson, nghị sĩ bang Texas, cho biết.
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng những người nhập cư như vậy không nên nhận thêm sự hỗ trợ. Tháng trước, bà Wilson đã đề xuất một dự luật nhằm loại bỏ học bổng của bang dành cho người nhập cư không giấy tờ, một cơ chế tài trợ hiện có ở nhiều bang khác. “Không hợp lý khi một người Mỹ từ bang khác phải trả học phí ngoài bang trong khi một người nhập cư bất hợp pháp lại không”, bà nói.
Nhiều tổ chức, trường đại học đang giúp nhóm người dễ bị trục xuất chuẩn bị kế hoạch trước. Ảnh: Getty.
Cuộc đua của các trường đại học
Những sinh viên không có tư cách pháp lý cho rằng nếu các quan chức liên bang quyết tâm trục xuất số lượng lớn người nhập cư, họ sẽ ít quan tâm đến xuất xứ của những người này, ông Stuart Anderson, giám đốc điều hành của Quỹ Chính sách Nhập cư Quốc gia, một tổ chức tư vấn phi đảng phái ở Arlington, Virginia, cho biết.
“Nếu họ nghĩ những người này dễ bị bắt, họ sẽ bắt”, ông Anderson nói. “Sẽ có người muốn bước vào phòng Tổng thống và nói, ‘Nhìn xem chúng ta đã đưa được bao nhiêu người ra khỏi đất nước’”.
California, bang có số lượng sinh viên đại học không giấy tờ lớn nhất cả nước với khoảng 80.000 người, là một trong những bang đang nỗ lực bảo vệ sinh viên khỏi các cơ quan chức năng. Đầu tháng 12, ông Rob Bonta, Tổng chưởng lý California, đã nhắc nhở các cơ quan công quyền, bao gồm các trường đại học, rằng họ có thể từ chối hợp tác với các quan chức nhập cư liên bang và không cần lưu trữ hồ sơ về tình trạng cư trú hợp pháp của sinh viên.
Các trường học cũng đã chủ động hành động. Một tổ chức phi lợi nhuận tại Trường Luật Cornell đã khởi động một chương trình từ một năm trước để giúp những người thuộc diện DACA xin thị thực làm việc tạm thời. Kể từ sau cuộc bầu cử, các trường đại học trên toàn quốc đã tổ chức các buổi hội thảo pháp lý cho sinh viên cùng các chương trình hỗ trợ.
“Cảm giác buồn bã là điều phổ biến, nhưng cũng có sự thất vọng và cảm giác bất công”, bà Laura Enriquez, phó giáo sư Nghiên cứu Chicano/Latino tại trường, cho biết.
Nghiên cứu sinh Oscar Silva đến Texas từ Mexico khi còn nhỏ. Vợ anh, Natalie Taylor, là công dân Mỹ. Ảnh: WSJ.
Tương lai bất định
Katherine Narvaez, một người thuộc diện DACA, đang học năm ba tại Trường Y khoa SUNY Upstate ở Syracuse, New York. Cô lo ngại mình có thể mất đi sự bảo vệ vì phải gia hạn vào cuối năm tới, dưới thời chính quyền Trump.
Sự lo lắng về tình trạng cư trú đã đeo bám cô từ lúc 6 tuổi ở ngoại ô Atlanta, thời điểm mà người mẹ đơn thân của cô đưa cô từ Guatemala sang Mỹ để tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho gia đình. Cô từng là học sinh xuất sắc trong trung học và tốt nghiệp với danh hiệu xuất sắc. Sau khi hoàn thành chương trình y khoa, cô hy vọng trở thành bác sĩ chuyên khoa sản và phụ khoa hoặc y học gia đình.
“Thật nản lòng khi thấy tôi đã hy sinh rất nhiều – tôi làm việc tại bệnh viện từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều – và tôi đang làm những gì bạn bè đồng trang lứa của mình đang làm, nhưng họ có thể tiếp tục sự nghiệp của họ”, Narvaez, 29 tuổi, nói với giọng nghẹn ngào.
Silva, chàng cử nhân mới tốt nghiệp, đến Dallas cùng cha mẹ khi họ vượt biên trái phép vào Mỹ để trốn chạy bạo lực ngày càng gia tăng tại San Luis Potosí, Mexico.
Mùa Hè năm ngoái, dự đoán khả năng ông Trump sẽ tái đắc cử, Silva đã thực hiện các bước nhằm bảo vệ mình bằng cách đăng ký một sáng kiến ngắn hạn của chính quyền Biden có tên “parole in place,” được thiết kế cho nhóm “Dreamer” trong các gia đình có tình trạng hỗn hợp như gia đình anh – vợ anh là công dân Mỹ – để giải quyết vấn đề của bản thân.
“Kế hoạch của tôi là làm gì để ngăn chặn khả năng bị trục xuất?”, Silva cho biết. “Tôi sẽ bị mắc kẹt trong một đất nước mà tôi không biết gì về nó, nơi tôi không quen biết ai”.
Nhưng vào tháng 8, một tòa án liên bang đã chặn chương trình sau khi một nhóm các bang do Texas dẫn đầu thách thức chương trình này. Hiện tại, anh dự định tiếp tục học và tìm một nhà tuyển dụng sẵn sàng tài trợ visa làm việc.
Theo Wall Street Journal
Thu Quyên