Thêm hãng đồ ăn nhanh nổi tiếng trả mặt bằng đất 'vàng' TP.HCM

Thêm hãng đồ ăn nhanh nổi tiếng trả mặt bằng đất 'vàng' TP.HCM
2 giờ trướcBài gốc
Cửa hàng Burger King Phạm Ngũ Lão sẽ đóng cửa từ ngày 7/10. Ảnh: Burger King.
Burger King vừa chính thức thông báo đóng cửa chi nhánh trên đường Phạm Ngũ Lão ngay trung tâm quận 1, TP.HCM từ ngày 7/10. Đây là một trong những mặt bằng đắc địa khi chỉ cách "phố tây" Bùi Viện khoảng 600 m và cách chợ Bến Thành khoảng 1 km.
Cửa hàng này khai trương năm 2013 và là chi nhánh thứ 6 của thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng tại Việt Nam.
Trong thông báo, Burger King khẳng định việc đóng cửa chi nhánh này không phải là dấu chấm hết của thương hiệu. Hãng sẽ tiếp tục đồng hành với khách hàng Việt Nam tại các chi nhánh khác, với sứ mệnh mang đến những bữa ăn chất lượng, không chất bảo quản, phụ gia hay chất tạo màu.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh Burger King chỉ còn tổng cộng 10 chi nhánh trên toàn quốc, chủ yếu tập trung ở TP.HCM và Hà Nội.
Burger King là chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh được thành lập vào năm 1954 tại Mỹ. Theo thông tin đăng tải trên website chính thức, mỗi ngày, chuỗi này đón hơn 11 triệu thực khách đến ăn.
Năm 2012, Burger King công bố đối tác kinh doanh nhượng quyền chính thức tại Việt Nam là Công ty TNHH DV Thực phẩm và Giải khát Việt Nam (VFBS), thuộc Tập đoàn Imexpan Pacific.
Hiện tại, Tổng giám đốc Burger King Việt Nam là ông Louis Nguyễn - con trai ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG, đồng thời là chồng nữ diễn viên Tăng Thanh Hà.
Ngoài Burger King, đây cũng là đơn vị nhượng quyền một số thương hiệu khác tại Việt Nam như Domino’s Pizza, Gà rán Popeyes... Đồng thời, VFBS cũng tự phát triển một số thương hiệu khác như Big Bowl, Saigon Café.Bar.Kitchen, HaNoi Café.Bar.Kitchen...
Theo dữ liệu từ Vietdata, doanh thu của VFBS dao động nhẹ quanh mức 650 tỷ đồng trong 2 năm 2020 và 2021. Đến 2023, chỉ số này tăng mạnh lên gần 920 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn trong tình trạng thua lỗ. Dù vậy, khoản lỗ đã thu hẹp từ mức 102 tỷ đồng năm 2021 về còn lỗ 19 tỷ đồng năm 2022.
Gần đây, các "ông lớn" trong ngành F&B như Starbucks, McDonald’s liên tục thông báo đóng các chi nhánh lâu đời ở trung tâm TP.HCM. Một trong những nguyên nhân đến từ việc chi phí mặt bằng ngày càng leo thang, trong khi các thương hiệu không còn nhu cầu "đánh bóng" tên tuổi như giai đoạn mới thâm nhập thị trường.
Tú Anh
Nguồn Znews : https://znews.vn/them-hang-do-an-nhanh-noi-tieng-tra-mat-bang-dat-vang-tphcm-post1501818.html