Cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội

Cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội
7 giờ trướcBài gốc
Theo đại biểu, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn và tạo hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút doanh nghiệp tham gia. Việc giảm bớt thủ tục hành chính, có chính sách ưu đãi rõ ràng sẽ khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực này.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận bày tỏ sự đồng tình cao với tờ trình và dự thảo nghị quyết.
Đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay cho thấy tiến độ triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Do đó, dự thảo Nghị quyết là một bước đi quan trọng, căn bản để thúc đẩy chương trình phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Đại biểu đồng tình với 8 cơ chế chính sách đặc thù được nêu trong dự thảo, như: thành lập Quỹ nhà ở quốc gia; giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu; lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết; đơn giản thủ tục đầu tư; xác định giá bán, giá thuê mua; xác định điều kiện được hưởng chính sách; thuê nhà ở xã hội qua doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan công lập; bồi thường, hỗ trợ tái định cư và đầu tư hạ tầng tạo quỹ đất.
Tuy nhiên, đại biểu lưu ý đến nội dung về xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội (Điều 8). Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy quy định tại Điều 8 còn có điểm chưa phù hợp, còn mâu thuẫn và có thể khó triển khai trong thực tế.
Cụ thể tại Khoản 1 Điều 8 của dự thảo quy định: “Chủ đầu tư tự xây dựng, thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra trước khi chủ đầu tư phê duyệt giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội”. Trong khi đó, khoản 3 cùng điều lại quy định: “Trường hợp giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội theo kiểm toán, quyết toán cao hơn giá bán, giá thuê mua do chủ đầu tư đã ký hợp đồng thì không được thu thêm; thấp hơn thì phải hoàn trả phần chênh lệch”.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ.
Đại biểu chỉ rõ, dự thảo một mặt trao quyền cho chủ đầu tư tự xác định giá, tự thẩm tra và phê duyệt mà không có bất kỳ cơ chế kiểm soát giá nào trước thời điểm ký hợp đồng. Điều này có thể tạo ra sự không công bằng trong tiếp cận thông tin, khiến người dân rơi vào thế yếu, không có khả năng thẩm định hay đối chiếu với giá chuẩn từ cơ quan nhà nước.
Mặt khác, yêu cầu hoàn trả phần chênh lệch nếu giá thực tế sau kiểm toán thấp hơn giá đã ký hợp đồng là rất khó thực hiện. Khi công trình đã đưa vào sử dụng, cư dân đã vào ở, hợp đồng đã thực hiện thì việc hoàn trả không chỉ phức tạp về thủ tục mà còn dễ bị né tránh, chậm trễ hoặc kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Thực tế tại nhiều địa phương đã cho thấy chủ đầu tư thường tìm cách không trả hoặc kéo dài việc hoàn trả sau quyết toán, trong khi người dân không có cơ chế nào để đòi lại phần thiệt hại.
Đại biểu cũng nhận định, quy định trên trao toàn bộ quyền xác định giá cho chủ đầu tư nhưng không kèm theo nghĩa vụ kiểm soát công khai, minh bạch. Giá bán, giá thuê mua không cần trình cơ quan nhà nước, không có bảng giá chuẩn, không có hệ thống đối chiếu, khiến người dân hoàn toàn bị động.
Trong khi đó, các dự án nhà ở xã hội lại đang được hưởng nhiều ưu đãi lớn về đất đai, tài chính, thuế, hạ tầng… Do đó, việc xác định giá bán, giá thuê mua cần phải gắn với trách nhiệm giải trình rõ ràng, minh bạch và có sự giám sát nhất định từ phía Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận làm việc tại Tổ sáng 21/5
Từ đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 8 theo hướng: Phân loại dự án để áp dụng cơ chế định giá phù hợp; bổ sung nghĩa vụ công khai cơ cấu giá: chủ đầu tư phải niêm yết giá bán, giá thuê mua kèm theo bảng chi tiết các chi phí cấu thành, lợi nhuận định mức, ưu đãi được hưởng để người dân và cơ quan chức năng cùng giám sát; UBND cấp tỉnh cần xây dựng bảng giá chuẩn làm cơ sở đối chiếu với giá mà chủ đầu tư đề xuất; quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm hoàn trả chênh lệch giá sau kiểm toán; ứng dụng công nghệ số để giám sát định giá.
“Chúng ta có thể thiết kế cơ chế đặc thù, nhưng đồng thời cần thiết kế cả cơ chế kiểm soát hiệu quả. Nếu không, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng lạm dụng, tiêu cực, lợi ích nhóm, đi ngược lại mục tiêu của chính sách”, đại biểu nhấn mạnh.
T.HÀ
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/can-co-che-kiem-soat-chat-che-gia-ban-gia-thue-mua-nha-o-xa-hoi-130386.html