Theo South China Morning Post, các nhà sản xuất xe điện (EV) Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, vừa phải đối mặt với cuộc chiến giảm giá khốc liệt trong nước, vừa chịu thuế quan cao tại thị trường quốc tế. Trước những thách thức này, họ buộc phải thắt chặt chi phí và ra mắt các mẫu xe mới để duy trì sự sống còn trong thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Theo các chuyên gia, chỉ những hãng có thể duy trì hoạt động mà không cần huy động vốn bên ngoài mới có thể tiếp tục cuộc đua xe điện tại Trung Quốc, khi tình trạng sản xuất dư thừa ngày càng nghiêm trọng.
Ông Chen Jinzhu, CEO của Shanghai Mingliang Auto Service, cho biết: "Khi thị trường trong nước đã bão hòa và doanh số ở các nền kinh tế phát triển bị ảnh hưởng bởi thuế quan trừng phạt, các hãng xe lớn cần kiểm soát chi phí thật hiệu quả, tránh chi tiêu lãng phí để chuẩn bị cho môi trường kinh doanh đầy khó khăn phía trước. Thị trường đang bước vào giai đoạn mới, nơi tất cả doanh nghiệp sẽ sớm đối mặt với thời khắc sinh tử."
Nghịch lý giữa sản lượng và nhu cầu
Theo Goldman Sachs, cuối năm 2023, các nhà sản xuất xe điện tại Trung Quốc có thể sản xuất 17 triệu xe mỗi năm, nhưng tỷ lệ sử dụng nhà máy chỉ đạt 54%. Trong năm 2024, dự kiến năng lực sản xuất sẽ tăng thêm 3,2 triệu xe, nâng tổng công suất lên 20,2 triệu xe, nhưng số lượng giao hàng dự kiến chỉ đạt hơn 11 triệu xe – vẫn chiếm khoảng 54,5% công suất.
Trung Quốc hiện có khoảng 50 nhà sản xuất xe điện, nhưng CEO Xpeng, ông He Xiaopeng, dự đoán rằng chỉ còn 8 doanh nghiệp tồn tại đến năm 2027, vì các công ty nhỏ hơn khó lòng cạnh tranh trong ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng.
Trong số các nhà sản xuất xe điện cao cấp chưa có lãi tại Trung Quốc như Nio, Xpeng, Zeekr (thuộc Geely) và Leapmotor, chỉ riêng Nio ghi nhận mức lỗ ròng gia tăng trong quý III năm nay so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tất cả các hãng này đều đang triển khai các kế hoạch giảm lỗ.
Chỉ có một số ít nhà sản xuất như BYD, Li Auto và Aito (được Huawei hậu thuẫn) đạt được lợi nhuận. Trong khi đó, các hãng khác bị cuốn vào cuộc chiến giảm giá, gây áp lực lớn lên lợi nhuận.
Xe điện của BYD tập kết ở cảng thuộc nước Bỉ. (Ảnh: Reuters).
Hy vọng vào thị trường quốc tế cũng không mấy khả quan khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tăng thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc. Tháng 8/2024, Mỹ nâng thuế nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc từ 25% lên 100%. Cùng tháng, EU cũng quyết định áp thuế bổ sung lên đến 35,3% đối với xe điện thuần, kéo dài trong 5 năm.
Chuyên gia độc lập Gao Shen nhận xét: "Mỹ và EU là hai thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Các hãng xe không thể chiếm thị phần đáng kể tại hai thị trường này thì khó có thể được coi là thương hiệu quốc tế mạnh. Nếu nhu cầu không đủ, năng lực sản xuất hiện tại sẽ trở thành dư thừa."
Trước áp lực, nhiều hãng đang đặt cược vào việc ra mắt mẫu xe mới để gia tăng thị phần.
Chủ tịch Xpeng, ông Brian Gu, cho biết công ty hy vọng có thể hòa vốn vào năm sau nhờ nhu cầu mạnh mẽ với các mẫu xe mới. Quý III vừa qua, Xpeng ghi nhận mức lỗ 1,81 tỷ nhân dân tệ (khoảng 249 triệu USD), giảm 53,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Leapmotor và Zeekr dự kiến đạt hòa vốn vào năm 2025, trong khi Nio kỳ vọng có lãi vào năm 2026, sau khi ra mắt các mẫu xe mới và thương hiệu giá rẻ Firefly. Hãng này cũng vừa nhận khoản đầu tư 471 triệu USD.
Dù gặp nhiều thách thức, Trung Quốc vẫn là thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Các hãng xe điện hàng đầu nước này đi đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ làm chủ các công nghệ cốt lõi như pin, tự lái và giải trí trong xe, theo ông David Xu Daquan, Chủ tịch Bosch tại Trung Quốc.
Ông David Zhang, tổng thư ký Hiệp hội Kỹ thuật Xe thông minh Quốc tế, nhận định: "Các hãng xe điện Trung Quốc vẫn sẽ tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài, trong bối cảnh toàn cầu hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Tuy nhiên, họ cần kiên nhẫn cho đến khi chính phủ Bắc Kinh và các chính phủ nước ngoài đạt được sự đồng thuận nhằm giảm bớt căng thẳng thương mại."
Thành Vũ