Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/02/2025.
Trong đó tại Điểm b, Khoản 1, Điều 6 quy định, tổ chức cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư);
Mẫu số 2 về việc công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở (đối với dạy thêm, học thêm, ngoài nhà trường).
Cùng với đó, Khoản 3, Điều 6 quy định, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).
Liên quan đến nội dung nêu trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng luật sư Trung Hòa – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) và luật sư Phạm Quang Biên (Hãng luật IMC, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) có những quan điểm, đánh giá về những quy định trên đối với việc dạy thêm ngoài nhà trường.
Một số hình ảnh ghi nhận tại lớp dạy thêm ngoài trường của giáo viên tiểu học ở Hà Nội với học sinh chính khóa. Ảnh: Manh Đoàn
Thắt chặt công tác quản lý dạy thêm, giảm thất thu thuế
Theo luật sư Phạm Quang Biên, những nội dung quy định tại Điều 6, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đã tạo ra khuôn khổ pháp lý rõ ràng góp phần quản lý hiệu quả hoạt động dạy thêm trong giai đoạn hiện nay.
Cụ thể, tăng cường sự giám sát của cơ quan nhà nước đối với hoạt động dạy thêm thông qua việc đảm bảo thống nhất, đồng bộ và phù hợp với quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành. Ngoài ra, việc đăng ký kinh doanh phản ánh đúng bản chất của quan hệ dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền là nhằm mục đích lợi nhuận. Đây cũng là một giải pháp để giảm thiểu tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực này;
Nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động dạy thêm đồng thời sàng lọc các cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động;
Đảm bảo tính công khai, minh bạch giúp phụ huynh và học sinh dễ dàng tiếp cận thông tin có liên quan, lựa chọn cơ sở phù hợp và tạo điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động dạy thêm, ngăn ngừa tình trạng dạy thêm tràn lan gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh hoặc tạo ra gánh nặng về tài chính cho phụ huynh;
Gia tăng trách nhiệm của giáo viên và trách nhiệm của hiệu trưởng, giám đốc, người đứng đầu nhà trường đối với nhân sự thuộc phạm vi quản lý để tránh xảy ra tình trạng dạy thêm ngoài nhà trường làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chính khóa;
"Quy định về trách nhiệm báo cáo của giáo viên, trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng góp phần hỗ trợ cơ quan Nhà nước kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn hành vi dạy thêm trái pháp luật", luật sư Phạm Quang Biên nhận định.
Đồng quan điểm với luật sư Phạm Quang Biên, luật sư Hoàng Tùng cho hay, điểm đặc biệt trong Điều 6, Thông tư 29 là yêu cầu người dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh và công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại cơ sở. Đây là một bước tiến lớn trong việc quản lý dạy thêm.
"Các cơ sở dạy thêm phải đáp ứng các điều kiện về pháp lý, công khai thông tin minh bạch, giúp cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát hoạt động này. Ngoài ra, quy định giáo viên phải báo cáo về hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường cũng sẽ ngăn chặn tình trạng lạm dụng, giảm thiểu việc ép buộc học sinh chính khóa tham gia học thêm.
Tóm lại, các quy định mới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế tình trạng dạy thêm tràn lan, khó kiểm soát thời gian vừa qua", luật sư Tùng nhận định.
Công khai thông tin về hoạt động dạy thêm, người dân và phụ huynh dễ giám sát
Theo luật sư Hoàng Tùng, việc yêu cầu hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết thông tin tại cơ sở có thể gây khó khăn cho một số cá nhân, tổ chức dạy thêm nhỏ lẻ, đặc biệt tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện công nghệ chưa phát triển.
"Tuy nhiên, đối với các khu vực thành thị, nơi các cơ sở dạy thêm hoạt động bài bản, quy định này hoàn toàn khả thi và cần thiết", luật sư Tùng nhận định.
Theo vị luật sư, việc công khai thông tin hoạt động dạy thêm, sẽ giúp phụ huynh và người dân dễ dàng kiểm tra thông tin, giám sát các hoạt động dạy thêm để đảm bảo tính minh bạch.
Đồng thời, giúp cơ quan thuế nắm bắt được nguồn thu nhập từ hoạt động dạy thêm, qua đó đảm bảo việc thu thuế hợp pháp. Điều này ngăn chặn tình trạng giáo viên thu nhập cao nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế.
"Quy định này là cần thiết và phù hợp, dù có thể cần lộ trình và hỗ trợ kỹ thuật cho một số cá nhân, tổ chức tại các khu vực khó khăn", luật sư Hoàng Tùng nêu quan điểm.
Còn theo luật sư Phạm Quang Biên, ông cho rằng, quy định trên là nội dung cần thiết phải thực hiện để đảm bảo tính minh bạch điều này không gây khó khăn cho các cá nhân, tổ chức dạy thêm.
Các thông tin này sẽ góp phần tạo điều kiện để người dân và cơ quan nhà nước dễ dàng thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động dạy thêm.
Gắn trách nhiệm quản lý giáo viên dạy thêm ngoài trường cho lãnh đạo nhà trường
Thực tế vừa qua, những vụ việc dạy thêm học sinh chính khóa được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh nhưng lãnh đạo nhà trường cho rằng, không quản lý giáo viên ngoài giờ lên lớp. Với quy định giáo viên phải báo cáo lãnh đạo nhà trường về việc dạy thêm ngoài nhà trường sẽ giúp quản lý hiệu quả hơn.
Luật sư Phạm Quang Biên cho biết, tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT có nêu về trách nhiệm của giáo viên phải báo cáo hiệu trưởng về hoạt động dạy thêm ngoài trường, quy định này sẽ làm gia tăng trách nhiệm của cả hai phía là giáo viên và hiệu trưởng.
Trách nhiệm cụ thể của hiệu trưởng trong quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm được chi tiết tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.
"Nguyên tắc dạy thêm là tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm; Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
Hiệu trưởng là cá nhân chịu trách nhiệm quản lý điều hành các hoạt động, chất lượng giáo dục của nhà trường. Trong khi đó, vấn đề dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có liên quan mật thiết đến chất lượng giáo dục của nhà trường nói chung, chất lượng giảng dạy của giáo viên nói riêng. Hơn nữa, hiệu trưởng là người nắm rõ việc phân công dạy học của nhà trường cho giáo viên.
Vì vậy, quy định tại Khoản 3 Điều 6, Khoản 2 Điều 13 có ý nghĩa trong việc ngăn chặn, phòng ngừa, hạn chế tình trạng giáo viên dạy thêm đối với học sinh được phân công giảng dạy, đảm bảo chất lượng giảng dạy,… cũng như góp phần hỗ trợ cơ quan Nhà nước thực hiện việc giám sát, xử lý các hành vi dạy thêm trái pháp luật", luật sư Phạm Quang Biên nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm của luật sư Phạm Quang Biên, luật sư Hoàng Tùng nhận định, trên thực tế, nhiều lãnh đạo nhà trường trước đây thường cho rằng không có trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm của giáo viên ngoài giờ giảng dạy chính khóa. Tuy nhiên, quy định trong Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra trách nhiệm rõ ràng.
Theo đó, giáo viên phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc người đứng đầu nhà trường về hoạt động dạy thêm. Đây là điểm mới, nhằm minh bạch hóa việc dạy thêm của giáo viên, đảm bảo giáo viên không vi phạm quy định (như ép học sinh chính khóa tham gia học thêm). Việc giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo, giúp hiệu trưởng và cơ quan quản lý giám sát hoạt động của giáo viên ngoài giờ lên lớp.
Đồng thời, lãnh đạo nhà trường không thể né tránh trách nhiệm và buộc phải phối hợp với cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát.
"Đây là một bước cải tiến quan trọng để gắn trách nhiệm lãnh đạo nhà trường với hoạt động dạy thêm của giáo viên", luật sư Tùng bày tỏ quan điểm.'
Theo luật sư của Văn phòng luật sư Trung Hòa, Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra một khung pháp lý rõ ràng và minh bạch nhằm quản lý hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường. Nhìn từ góc độ pháp lý, quy định này không chỉ giúp kiểm soát tình trạng dạy thêm tràn lan mà còn bảo vệ quyền lợi của học sinh, phụ huynh và các bên liên quan.
"Thông tư 29/2024 không chỉ điều chỉnh về mặt quản lý mà còn góp phần xây dựng sự minh bạch và công bằng trong giáo dục, một lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội", luật sư Hoàng Tùng nói.
Mạnh Đoàn