‘Thủ phủ’ trồng hoa Tết lung linh dưới hàng vạn ánh đèn.
Làng trồng hoa Tây Tựu (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) là vùng chuyên canh hoa lớn nhất của Hà Nội, đến đây vào dịp cuối năm ta như lạc vào một thế giới khác. Xung quanh dường như mùa xuân đã về rực rỡ, muôn màu, kể cả khi màn đêm buông xuống.
Từ khi đô thị hóa phát triển, diện tích đất trồng hoa ít đi nhưng nghề trồng hoa ở đây vẫn là nguồn thu nhập chính. Để có hoa phục vụ Tết, ngay từ đầu tháng 10 (Âm lịch) người dân Tây Tựu đã bước vào mùa hoa Tết.
Theo người trồng hoa làng Tây Tựu, khoảng giữa tháng 9 (Âm lịch) khi cây hoa bắt đầu sinh trưởng mạnh đến cuối tháng 11 họ bắt đầu cho hoa “ăn” điện.
Theo kinh nghiệm của các hộ trồng hoa, để điều tiết sinh trưởng cho hoa cúc, họ sử dụng các bóng đèn huỳnh quang loại nhỏ công suất từ 15 đến 20W.
Việc thắp sáng đèn cho hoa (đặc biệt là hoa cúc) sẽ làm hoa nở đúng thời điểm như mong muốn của người trồng.
Thắp đèn điện liên tục sẽ kích thích cây hoa phát triển chiều cao, đóa hoa nở to đều, màu sắc bắt mắt hơn.
Hoa cúc có chu kỳ sinh trưởng khoảng 4 tháng, dựa vào giống cúc, điều kiện thời tiết, người trồng hoa sẽ ước lượng thời điểm thắp đèn để hoa nở đúng độ.
Việc thắp sáng được áp dụng ngay từ khi bắt đầu trồng. Nếu cây còn yếu, rễ chậm phát triển thì cần tăng thời gian chiếu sáng.
Theo tìm hiểu của PV, việc chong đèn là để bắt hoa "không ngủ" bởi hoa cúc là giống hoa chịu nhiệt, thời gian nắng 8 giờ/ngày không đủ cho hoa sinh trưởng, phát triển tối đa. Việc chong đèn xuyên đêm nhằm để hoa được cung cấp ánh sáng 16 giờ/ngày.
Hoa cúc được người dân trồng từ giữa tháng 9 Âm lịch và dự kiến sẽ thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán.
Để hoa nở đúng theo ý muốn vào đúng dịp Tết, những ngày này, các hộ dân trồng hoa cúc dùng phương pháp chong đèn điện thắp sáng cho hoa vào ban đêm.
Người trồng hoa cho biết, việc thắp đèn là một trong những kỹ thuật cần được áp dụng để cây hoa cúc phát triển nhanh, cây cao hơn, nở những bông hoa đẹp và mang lại giá trị kinh tế cao.