Thứ trưởng Bộ Công an: Có bất cập khi thực thi bảo vệ dữ liệu cá nhân

Thứ trưởng Bộ Công an: Có bất cập khi thực thi bảo vệ dữ liệu cá nhân
3 giờ trướcBài gốc
Chiếm đoạt thông tin để lừa đảo, vu khống
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an (ĐBQH Đoàn Bắc Ninh) chỉ ra thực tế thời gian qua đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập "thừa" dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh; các hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu của các tổ chức, cá nhân và của các đối tượng xấu khi không có sự đồng ý của chủ thể đã xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng hiện nay, tình trạng lộ, mất dữ liệu cá nhân diễn ra khá phổ biến trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh, hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai hoặc sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật, như: lừa đảo, đánh bạc, vu khống, hạ nhục người khác…
Cùng đó, hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra dưới nhiều hình thức gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế, uy tín của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng đặt ra yêu cầu cấp bách trong hoàn thiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an (ĐBQH Đoàn Bắc Ninh). (Ảnh: Media)
"Hiện nay, trong hệ thống pháp luật có tới 68 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện những bất cập, đòi hỏi cần phải điều chỉnh sửa đổi. Đơn cử như chưa có chế tài hình sự điều chỉnh phạm vi về bảo vệ dữ liệu cá nhân, mua bán dữ liệu cá nhân cũng như chưa có chế tài xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ dữ liệu cá nhân", Thứ trưởng Bộ Công an nói.
Cũng theo ông Tỏ, Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số với sự tham gia ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của dữ liệu số. Do đó, dữ liệu cá nhân, đã trở thành nguyên liệu chính cho hoạt động của các ngành, nghề, dịch vụ và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong tổng thể lĩnh vực tạo ra những giá trị lợi nhuận trong nền kinh tế quốc dân.
Theo ông Tỏ, việc thống nhất điều chỉnh các vấn đề liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá nhân tại dự thảo Luật sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải quyết hạn chế thiếu thống nhất, rải rác trong các quy định hiện hành. Đồng thời, phạm vi điều chỉnh của luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân ở cả môi trường truyền thống (giấy tờ, hồ sơ, tài liệu…) và môi trường điện tử là rất cần thiết, phù hợp với thực tế và nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu.
Ông cho rằng, nếu chỉ quy định môi trường điện tử sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, kẽ hở để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân. Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý quy định các trường hợp chuyển dữ liệu xuyên biên giới, bảo đảm phù hợp, thống nhất, tương thích với quốc tế và đảm bảo dễ hiểu, dễ áp dụng, không tạo ra rào cản về thủ tục hành chính.
"Ngoài ra, để bảo đảm công tác quản lý Nhà nước, cần huy động được các nguồn lực bảo vệ dữ liệu cá nhân, gắn trách nhiệm bảo vệ phù hợp với vai trò của từng lực lượng, giảm gánh nặng cho cơ quan nhà nước, tăng tính chủ động và tăng hiệu lực, hiệu quả về bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự thảo Luật quy định cơ quan chuyên trách, lực lượng chuyên trách về bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết, phù hợp", ông Tỏ đề nghị.
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Tham gia góp ý tại tổ, ĐBQH Phạm Phú Bình (Đoàn Nghệ An) cho rằng cần có quy định chặt chẽ hơn và đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ trẻ em nói chung. Đại biểu bày tỏ lo lắng và quan ngại khi trẻ em ở Việt Nam truy cập sử dụng Internet và mạng xã hội quá sớm.
ĐBQH Phạm Phú Bình (Đoàn Nghệ An). (Ảnh: Media Quốc hội)
"Dù các mạng xã hội đều quy định phải đủ tuổi nhất định mới được tạo tài khoản, nhưng đa số các em khai tuổi không chính xác, dễ dàng tạo tài khoản trên mạng xã hội, thậm chí sử dụng hình ảnh người khác để tạo tài khoản trên mạng xã hội và đưa thông tin, hình ảnh cá nhân của mình", ĐBQH đoàn Nghệ An cho rằng đây là điểm có thể gây ra nhiều hệ lụy rất xấu.
Ông Bình nêu thực tế thời gian qua, có nhiều vụ các cháu nhỏ bỏ nhà ra đi. Nhiều em sau khi vào mạng xã hội tiếp cận với các nhóm đối tượng nhất định thì bị dụ dỗ, bỏ nhà ra đi.
Ngoài quy định trên, ĐBQH đoàn Nghệ An còn góp ý vào quy định xóa dữ liệu cá nhân. Cũng theo ông Bình, quy định trong dự thảo luật là xóa toàn bộ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp chỉ cần xóa một vài dữ liệu nhất định mà người ta thấy là nhạy cảm và không muốn lưu trên cơ sở dữ liệu đó.
Đơn cử, cách đây vài năm, một số đơn vị cung cấp dịch vụ có thu tiền của khách hàng qua thẻ tín dụng và lưu trữ lại thông tin về thẻ tín dụng sau khi thực hiện giao dịch với mong muốn thuận tiện hơn trong các giao dịch sau. Tuy nhiên, sau thời gian nhất định, khách hàng nhận thấy có tình trạng lộ lọt dữ liệu thẻ tín dụng.
"Rất nhiều trường hợp, kể cả cá nhân tôi từng mất tiền vì bị sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng. Do đó, qua kinh nghiệm quá nhân, sau khi thanh toán xong, tôi lựa chọn không lưu trữ dữ liệu thẻ trên các trang web của nhà cung cấp hoặc đã lưu trữ thì yêu cầu xóa", ĐBQH Bình nói.
ĐBQH đề nghị cần bổ sung quy định này vì sẽ dễ dàng hơn và nhận được sự đồng thuận của cả hai bên từ chủ sở hữu dữ liệu và nhà cung cấp dịch vụ.
Lê Hoàng/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/thu-truong-bo-cong-an-co-bat-cap-khi-thuc-thi-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-post1198914.vov