Sáng 20-12, tại Hội thảo “Thúc đẩy động lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên” do Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý đã nêu lên nhiều vấn đề thực tế về khởi nghiệp của sinh viên hiện nay.
Mỗi năm có hơn 5.600 dự án khởi nghiệp từ sinh viên
Báo cáo tại đây, ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh – sinh viên của Bộ GD&ĐT, cho rằng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên thời gian vừa qua đạt được rất nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, giai đoạn từ 2020 - 2023, số lượng các dự án khởi nghiệp của sinh viên cả nước xấp xỉ 33.808 dự án, tính trung bình mỗi năm có 5.635 dự án.
Sau sáu lần tổ chức, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đã nhận được 1.924 dự án đến từ các cơ sở giáo dục đại học trong toàn quốc; 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử.
Ngoài ra, số kinh phí mỗi cơ sở giáo dục đại học chi cho các hoạt động khởi nghiệp hằng năm dao động từ 100 triệu đồng đến 1.000 triệu đồng. Kinh phí vận động được từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp dành cho hoạt động khởi nghiệp đạt 5 tỉ đồng/năm.
Đáng chú ý, theo thống kê này, từ năm 2020 đến nay, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nguồn do cơ sở giáo dục đại học ươm tạo xấp xỉ 300 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn từ các nhà đầu tư là 12, số vốn lớn nhất là 1 tỉ đồng/dự án.
Theo lý giải từ đại diện của Bộ GD&ĐT, số liệu này cho thấy hàng năm, số dự án, ý tưởng khởi nghiệp từ sinh viên rất nhiều nhưng số dự án phát triển được rất hạn chế. Nhưng đây không phải là mục đích lớn nhất của ngành giáo dục, mà quan trọng hơn là thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo, rèn luyện kỹ năng, phát triển năng lực cho sinh viên.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân An Việt, việc thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học còn gặp khó khăn về cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng. Các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường đại học hoạt động còn yếu, kinh phí đầu tư không được cấp thường xuyên mà chủ yếu cấp theo các hoạt động. Các trường được giao tự chủ lại chưa tìm được nguồn đầu tư hợp lý.
Cạnh đó, nhiều sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên gặp khó khăn khi muốn tiếp cận thị trường thực tế, do thiếu kỹ năng nghiên cứu thị trường, phân tích nhu cầu và tiếp thị sản phẩm. Đội ngũ tư vấn, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp còn ít kinh nghiệm, đa số là kiêm nhiệm, chưa có bộ phận chuyên trách...
Các ý tưởng khởi nghiệp hiện tại hầu như bị lặp, chưa có tính sáng tạo cao, chưa gắn với nhu cầu của người dân, cộng đồng, dẫn đến các ý tưởng, dự án không thu hút được nguồn lực đầu tư từ các quỹ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - bà Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại hội thảo. Ảnh: P.ANH
Đừng bao giờ nói với sinh viên "làm giàu không khó"!
Trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã chia sẻ những kinh nghiệm, gợi ý giải pháp để đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp của sinh viên.
Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, cần phân định rõ rằng trường đại học không thể đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên, mà chủ yếu hỗ trợ sinh viên thông qua kinh nghiệm khởi nghiệp của thầy cô.
Thứ hai là cần tránh việc xem khởi nghiệp là việc gì đó dễ dàng hoặc là phong trào vì như thế sẽ dễ thất bại và dễ mất cảm hứng. Do đó phải xác định khởi nghiệp rất khó, đòi hỏi sinh viên phải tự học hỏi, rèn luyện và kiên định thực hiện.
PGS.TS Thắng cũng gợi ý nên đồng hành, hỗ trợ cho những thầy cô thành lập doanh nghiệp khởi nguồn để vừa giữ người vừa hỗ trợ ngược lại cho trường. Đồng thời, ông đề xuất các trường đại học kỹ thuật, trường kinh tế và xã hội cần kết hợp với nhau chặt chẽ để cùng hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên vì một dự án khởi nghiệp liên quan đến nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra, cần có cơ chế thoáng hơn để thu hút đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Anh, đại diện Trường ĐH Văn Lang cho rằng khởi nghiệp là hoạt động cần được khuyến khích, hỗ trợ liên tục và lâu dài cho sinh viên.
Theo PGS.TS Kim Anh, bên cạnh việc hỗ trợ bằng vốn nhỏ, mỗi cơ sở đào tạo cần giúp sinh viên biết xây dựng kế hoạch tài chính rõ ràng và phát triển mối quan hệ với doanh nghiệp, tạo môi trường làm việc thân thiện để sinh viên phát huy năng lực, ý tưởng.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi ghi nhận các chia sẻ về kinh nghiệm cũng như góp ý từ các chuyên gia, cơ sở đào tạo về khởi nghiệp và mong muốn sắp tới sẽ có những chính sách đột phá về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Kim Chi cho rằng vai trò dẫn dắt khởi nghiệp phải là từ sinh viên, cơ sở đào tạo. Trong đó, người thầy phải có vai trò dẫn dắt, định hướng để sinh viên đi đúng đường. Còn cơ sở đào tạo không chỉ là nơi trang bị kiến thức mà quan trọng nhất là khơi dậy những khát vọng nghiên cứu khoa học, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.
Thứ trưởng Kim Chi cũng nhấn mạnh các trường đại học cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp như mô hình khởi nghiệp, vườn ươm khởi nghiệp, liên kết doanh nghiệp…tùy theo thực tiễn mỗi đơn vị khác nhau.
“Thầy cô đừng bao giờ nói với sinh viên rằng làm giàu không khó, mà phải là làm giàu quá khó. Sinh viên phải hiểu rằng khi khởi nghiệp thì 90% là thất bại, 10% là thành công nhưng có được 10% đó đã là rất thành công rồi, còn 90% thất bại chính là những bài học vô cùng quý giá. Đó là những bài học giúp các em phát triển vững bền, tạo ra giá trị, đóng góp thiết thực sau này” – Thứ trưởng Kim Chi nhấn mạnh.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, hiện nay, bộ có một dự án hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sinh viên sau Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia với tổng số vốn gần 6 tỉ đồng cho ba năm (2023 - 2025). Mỗi năm ươm tạo 10 dự án để hỗ trợ trở thành các doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội.
Mỗi dự án được hỗ trợ vốn mồi khoảng 80 triệu đồng để hoàn thiện các sản phẩm mẫu trước khi đưa ra thị trường.
PHẠM ANH