Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức: 'Bỏ giấy chuyển tuyến gây vỡ trận tuyến trên'

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức: 'Bỏ giấy chuyển tuyến gây vỡ trận tuyến trên'
3 giờ trướcBài gốc
Chiều 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và dự thảo Luật Dữ liệu.
Phát biểu tại tổ đại biểu TP HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cho biết, hiện nay các bệnh viện đã thay đổi phân cấp hệ thống cơ sở khám chữa bệnh từ “phân tuyến” (4 tuyến), thành “phân cấp” (3 cấp: cấp ban đầu – ở các trạm y tế xã, phường; cấp cơ bản – ở các bệnh viện huyện, tỉnh và cấp chuyên sâu – ở các bệnh viện trung ương, chuyên khoa, đa khoa).
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Tri Thức - Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN
Ông bày tỏ đồng tình với việc sớm thông tuyến cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, cấp cơ bản; từ đó tạo điều kiện cho bệnh nhân có thẻ BHYT được khám bệnh, chữa bệnh dù tại bất kỳ cơ sở nào thuộc phân cấp ban đầu, cấp cơ bản thì cũng được được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT.
“Đơn cử như một sinh viên quê Thanh Hóa ra Hà Nội học, đăng ký khám chữa bệnh tại Hà Nội. Đến dịp hè em ấy về quê và bị ốm, khi đi khám tại bệnh viện Thanh Hóa thì bị coi là trái tuyến. Điều này là vô lý, nên dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định này,” ông Thức nêu ví dụ.
Đề cập đến việc nhiều đại biểu, cử tri đề xuất bỏ giấy chuyển khám chữa bệnh (hay còn gọi là giấy chuyển tuyến) khi bệnh nhân chuyển từ cơ sở khám chữa bệnh này đến cơ sở khám chữa bệnh khác, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Tri Thức cho rằng vấn đề này cần phải được xem xét kỹ lưỡng.
Ông nhấn mạnh quan điểm cá nhân rằng có thể bỏ giấy chuyển tuyến khi chuyển bệnh nhân từ cơ sở khám chữa bệnh cấp ban đầu lên cấp cơ bản, nhưng phải giữ lại yêu cầu giấy này khi chuyển lên cấp chuyên sâu; hoặc có thể áp dụng giấy chuyển tuyến điện tử qua liên thông điện tử giữa các bệnh viện.
Ông giải thích rằng, giấy chuyển tuyến là yêu cầu gần như bắt buộc về chuyên môn, có lợi cho bệnh nhân. Giấy này tóm tắt bệnh án của bệnh nhân, từ đó các bác sĩ bệnh viện tuyến trên có thể nắm bắt quá trình điều trị ban đầu của bệnh nhân, tránh việc bệnh viện sau lặp lại việc đã làm như bệnh viện trước. Thông tin can thiệp của bệnh viện trước đó làm tăng khả năng chính xác của việc khám chữa bệnh bệnh viện sau.
“Nếu bỏ giấy chuyển tuyến tại cấp chuyên sâu thì đa số bệnh nhân sẽ không khám ở các các cơ sở khám bệnh địa phương, mà đổ dồn về các bệnh viện trung ương. Như vậy, chỉ trong vòng một vài năm thôi, điều này sẽ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở địa phương, gây vỡ trận y tế tại các tuyến chuyên sâu. Điều này cũng đi ngược lại chủ trương về đầu tư phát triển hệ thống y tế và rất nguy hiểm".
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức.
Ông cũng nêu thực tế rằng mỗi bác sĩ giỏi tại các bệnh viện trung ương chỉ thực hiện một ca mổ đặc biệt (kéo dài từ 6-8 tiếng) mỗi ngày, để tránh tiềm ẩn xảy ra sai sót ở ca mổ thứ hai. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định bỏ giấy chuyển tuyến, các bác sĩ sẽ đối mặt với tình trạng quá tải vì số lượng bệnh nhân.
Trước đó, sáng 24/10, trình bày trước Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết dự án Luật tập trung sửa đổi có có việc sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Dự thảo Luật cũng bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... để người bệnh được lên thẳng cấp chuyên môn cao; nhằm giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung và thấy rằng, nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật. Theo cơ quan thẩm tra, việc sửa đổi quy định về “thông cấp khám bệnh, chữa bệnh” theo hướng mở rộng thêm một bước giúp đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cho rằng cần đánh giá tác động thêm đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế cũng như tổ chức, hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có y tế cơ sở để đưa ra biện pháp bảo đảm thực hiện phù hợp.
Đỗ Thảo
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/thu-truo-ng-bo-y-te-nguyen-tri-thuc-bo-giay-chuyen-tuyen-gay-vo-tran-tuyen-tren-34822.html