'Bỏ giấy chuyển tuyến rất nguy hiểm'

'Bỏ giấy chuyển tuyến rất nguy hiểm'
3 giờ trướcBài gốc
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu ý kiến, trước đây bệnh viện được chia làm 4 tuyến (xã, huyện, tỉnh và Trung ương). Tuy nhiên, Luật Khám, chữa bệnh 2023 quy định 3 cấp: Cấp ban đầu (trạm y tế xã), cấp cơ bản (bệnh viện huyện và một số bệnh viện tỉnh) và cấp chuyên sâu (bệnh viện Trung ương, đa khoa chuyên sâu và một số bệnh viện tỉnh đủ dịch vụ kỹ thuật được công nhận).
"Hiện đang có xu hướng xóa bỏ địa giới hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT. Đó là chủ trương rất tốt, rất đúng. Trước đây, nếu đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở Hà Nội thì chỉ được khám ở Hà Nội, giả sử mắc bệnh ở Thanh Hóa mà khám ở Hà Nội là xem như trái tuyến. Điều này rất bất hợp lý, không bảo đảm quyền lợi cho người bệnh", đại biểu Nguyễn Tri Thức nói.
Đại biểu Quốc hội - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức (Đoàn ĐBQH TP HCM).
Trước ý kiến của một số ĐBQH đề nghị bỏ giấy chuyển tuyến trong khám, chữa bệnh BHYT, ĐBQH - Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nêu quan điểm, chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến trong trong trường hợp khám cấp ban đầu, cấp cơ bản. Còn từ cấp ban đầu lên cấp chuyên sâu nên có giấy chuyển tuyến.
ĐBQH - Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức phân tích: "Cứ nghĩ giấy chuyển tuyến phiền phức nhưng nó rất cần thiết trong ngành y. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì bệnh nhân không khám ở trạm y tế và bệnh viện huyện nữa mà lên thẳng bệnh viện tuyến chuyên sâu như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức…".
Và theo ĐBQH - Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức, nếu cứ như vậy thì hệ thống y tế cơ sở chỉ 1-2 năm là bị triệt tiêu và chủ trương phát triển, củng cố hệ thống y tế cơ sở không thực hiện được. Trong khi đó, COVID-19 đã cho thấy hệ thống y tế cơ sở có vai trò quan trọng.
Khẳng định một lần nữa, ĐBQH - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nói: "Bỏ giấy chuyển tuyến rất nguy hiểm". Bởi, giấy chuyển tuyến có vai trò rất quan trọng, trong giấy có tóm tắt bệnh án, có giá trị cho chẩn đoán ở cấp chuyên sâu.
Nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì ảnh hưởng đến các bác sĩ giỏi ở Trung ương bởi mỗi ngày các bác sĩ chỉ có thể mổ 1 ca đặc biệt, kéo dài 6-8 tiếng. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh nhân ùn ùn đổ lên tuyến chuyên sâu và với áp lực như vậy, bác sĩ không thể mổ 1 ngày/ca; các ca phẫu thuật loại 1,2,3 cũng vậy.
Trước đây, 1 bác sĩ mỗi ngày khám khoảng 20 bệnh nhân, giờ khoảng 200 bệnh nhân ngồi chờ thì không bác sĩ nào khám nổi. Lúc đó sẽ vỡ trận. "Hai hậu quả trước mắt là triệt tiêu y tế cơ sở và vỡ trận ở y tế chuyên sâu. Đó là điều chắc chắn ai cũng thấy", ĐBQH - Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nói.
Bên cạnh đó, ĐBQH - Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức cũng đề cập tới khó khăn trước đây trong BHYT là do các bệnh viện bị khống chế bảo hiểm. Nhưng hiện nay đã bỏ quy định này nên các bệnh viện rất thông thoáng, dễ dàng trong chuyển tuyến. Không có gì khó khăn cả, cũng không ảnh hưởng gì đến bệnh nhân mà chỉ đem lại lợi ích.
Lê Bảo
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/bo-giay-chuyen-tuyen-rat-nguy-hiem-169241024184758992.htm