Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trong buổi làm việc với Hà Nội ngày 24/2. Ảnh: Bộ GD&ĐT.
Ngày 24/2, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội về việc thực hiện quy định dạy thêm, học thêm.
Nhấn mạnh quan điểm "Thông tư 29 để hướng tới không còn dạy thêm, học thêm trong nhà trường", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã có những chia sẻ với mong muốn cán bộ, giáo viên nhìn nhận đầy đủ hệ lụy, tác hại của việc dạy thêm, học thêm với học sinh và chính giáo viên.
Để chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, sớm chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, thứ trưởng đề nghị các cấp quản lý cùng quán triệt quan điểm “5 không” và thực hiện tốt “4 đề cao”.
Trong đó, 5 không là không “đánh trống bỏ dùi”, không thỏa hiệp, không khoan nhượng, không biến tướng, không nói khó mà không làm.
Bốn đề cao là: Đề cao vai trò cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đề cao tinh thần tự tôn, tự trọng, tinh thần hết lòng vì học sinh của giáo viên; đề cao tính tự giác, tự học của học sinh; đề cao vai trò mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội.
Đối với công tác chuyên môn, thứ trưởng yêu cầu đảm bảo nâng cao chất lượng giờ học chính khóa, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học của thầy cô, tăng cường giáo dục cá thể hóa.
Đồng thời đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá thường xuyên, kiểm tra đánh giá cuối kỳ, cuối khóa; đổi mới phương thức tuyển sinh; phân bố hài hòa đội ngũ giáo viên; đổi mới công tác thi đua khen thưởng đối với giáo viên.
Lãnh đạo bộ cũng yêu cầu các trường tăng cường cơ sở vật chất, tiến tới học sinh được học 2 buổi/ngày, 5 ngày/tuần, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành…
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, Thông tư 29 đã giúp các đơn vị quản lý giáo dục có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để quản lý dạy thêm, học thêm, giúp hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, không đúng quy định.
Triển khai Thông tư 29, Sở GD&ĐT Hà Nội đã quán triệt, chỉ đạo đảm bảo chất lượng việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ; xét tuyển đầu cấp và thi tuyển sinh vào lớp 10 phù hợp, không gây áp lực học thêm cho học sinh.
Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố, lập kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm nhằm phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Sở thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và điện thoại dùng cho việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh về dạy thêm, học thêm.
Các nhà trường cũng đã có giải pháp để thực hiện việc bồi dưỡng, bổ trợ các nhóm học sinh, đặc biệt là ôn tập cho học sinh cuối cấp trong điều kiện quy định mới không cho thu kinh phí từ phụ huynh học sinh. Hiện, Hà Nội đã có lộ trình để hỗ trợ kinh phí cho các trường học.
Trước đó, ngày 20/2, bộ trưởng GD&ĐT ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm. Sau Hà Nội, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh, thành phố khác.
Ngọc Bích