Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 sáng nay (5/5), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xây dựng thể chế, cải cách hành chính, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp
Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, thông suốt, hiệu quả, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch KT-XH trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Ảnh: Quốc hội
Chính phủ hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ. Báo cáo cho thấy, cơ cấu Chính phủ sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gồm 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ, giảm 03 cơ quan thuộc Chính phủ): giảm 13/13 tổng cục và tương đương; giảm 519 cục và tương đương (77,6%); giảm 219 vụ và tương đương (54,1%); giảm 3.303 chi cục và tương đương (91,7%); giảm 203 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 38%). Biên chế tại các bộ, ngành giảm khoảng 22 nghìn người (đạt khoảng 20%).
Đồng thời triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, người nước ngoài, chuyên gia nước ngoài. Trong quý I/2025, cắt giảm, đơn giản hóa 18 quy định kinh doanh và 70 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; phân cấp 36 thủ tục hành chính.
Gỡ vướng cho 2.200 dự án tồn đọng để chống lãng phí
Chính phủ thực hiện nghiêm Chương trình công tác, Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung hoàn thiện thể chế, giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra và thực hiện kết luận thanh tra; đẩy mạnh giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân.
Thủ tướng cũng khẳng định công tác phòng, chống lãng phí được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực, nhất là việc xử lý các công trình, dự án tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực; trong đó, Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347 nghìn ha.
“Xử lý được thì góp phần vào tăng trưởng kinh tế và cải thiện tình hình lãng phí. Vừa qua thực hiện quyết liệt, các bộ ngành, địa phương mạnh dạn chỉ ra dự án tồn đọng kéo dài, còn vướng mắc pháp lý và tổ chức thực hiện. Đây là nguồn lực rất lớn, tồn đọng kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Đề cập nhiệm vụ, giải pháp, người đứng đầu Chính phủ khẳng định cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”.
Cạnh đó, rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với tinh thần quyết liệt “không ngừng, không nghỉ”.
Đặc biệt, phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tồn đọng nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển KTXH, nhất là các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Rút kinh nghiệm, đề xuất triển khai áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc các cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội.
Về nội dung đề xuất về việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc tương tự các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án như Nghị quyết số 170/2024/QH15 trên phạm vi toàn quốc, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, về mặt chủ trương, Ủy ban Kinh tế và Tài chính ủng hộ việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án, trên cơ sở ý kiến cấp có thẩm quyền, đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngọc Thành/VOV.VN