Thủ tướng Phạm Minh Chính: KH-CN là then chốt giúp Việt Nam tăng tốc, bứt phá

Thủ tướng Phạm Minh Chính: KH-CN là then chốt giúp Việt Nam tăng tốc, bứt phá
3 giờ trướcBài gốc
Sáng 13.1, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo những nội dung chủ yếu của Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Theo Thủ tướng, để thực hiện Nghị quyết 57 thì có 3 việc rất quan trọng phải thực hiện nhanh, hiệu quả: Thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người thông minh; cùng các điều kiện khác và bảo đảm an ninh, an toàn mạng.
Thủ tướng nhấn mạnh KH-CN, ĐMST và CĐS đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững; bắt kịp, tiến cùng các nước phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu kinh tế, từng bước vượt lên, sánh vai cùng các cường quốc về công nghệ; là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu
Thủ tướng cho biết ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã khẩn trương, lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tập trung xây dựng, rà soát, hoàn thiện để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW với tinh thần "5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả".
Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hạ tầng số hiện đại, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo được đưa vào Chương trình hành động với lộ trình cụ thể và trách nhiệm rõ ràng.
Theo đó, cần nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS.
“Chỉ khi từng tổ chức, mỗi cá nhân đều nhận thức rõ vai trò của KH-CN, ĐMST và CĐS, chúng ta mới có thể tạo ra những bước tiến đột phá, xây dựng nền kinh tế vững mạnh, hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo nền tảng vững chắc, giúp nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”, Thủ tướng nêu.
Tiếp theo là khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS.
Theo đó, phải bảo đảm thông thoáng, kiến tạo phát triển với tư duy đổi mới "vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tạo không gian phát triển mới", tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Thủ tướng cũng cho biết cần tăng cường đầu tư hạ tầng cho KH-CN, ĐMST và CĐS; ưu tiên phát triển hạ tầng số với phương châm "hạ tầng số phải luôn đi trước một bước", để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế số, xã hội số.
Một số nhiệm vụ trọng tâm là ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; đảm bảo ít nhất 15% ngân sách Nhà nước chi cho sự nghiệp khoa học và công nghệ là cần thiết để phục vụ nghiên cứu các công nghệ chiến lược; rà soát các chiến lược nghiên cứu không gian biển, ngầm và vũ trụ để đáp ứng yêu cầu công nghệ hiện đại, khắc phục khan hiếm đất đai; rà soát, đầu tư phát triển trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu quốc gia; quyết tâm phủ sóng viễn thông 5G trên phạm vi toàn quốc, phát triển mạnh Starlink…
Ngoài ra, phát triển, trong dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài. Đây là "chìa khóa vạn năng" mở ra cánh cửa thành công.
Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Một số nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Đề án phát triển và trọng dụng nhân tài; rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổ chức khoa học và công nghệ công lập, trong đó tổ chức nào hoạt động không hiệu quả sẽ được sáp nhập hoặc giải thể để tập trung nguồn lực cho các tổ chức nghiên cứu mạnh; có chính sách thu hút nhà khoa học và chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài về làm việc tại Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KH-CN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý Nhà nước, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Thủ tướng cho hay đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KH-CN, ĐMST không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là đòn bẩy then chốt để nâng tầm hiệu quả quản lý Nhà nước, quản trị quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước sẽ tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần kiến tạo một Chính phủ số tinh gọn, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn.
“Chuyển đổi số sẽ là "chìa khóa vàng" để tối ưu hóa quy trình quản lý, nâng cao năng lực điều hành, dự báo và ra quyết định chính xác, kịp thời trên mọi lĩnh vực, từ KTXH đến quốc phòng - an ninh”, Thủ tướng nêu.
Thủ tướng cũng nêu rõ cần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH-CN, ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp; xây dựng Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số vươn ra toàn cầu; xây dựng Đề án hình thành các doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trong nước.
Tiếp theo là tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS. Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai ngoại giao kinh tế gắn với thu hút đầu tư KH-CN, ĐMST và CĐS (gọi tắt là "ngoại giao công nghệ").
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chú trọng phân công nhiệm vụ cụ thể với tinh thần "5 rõ" và "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung".
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện hằng năm theo Nghị quyết số 57-NQ/TW. Nguồn vốn Nhà nước đóng vai trò "vốn mồi", dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội…
Lam Thanh
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-kh-cn-la-then-chot-giup-viet-nam-tang-toc-but-pha-228207.html