Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát các dự án hạ tầng tại tỉnh Quảng Trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát các dự án hạ tầng tại tỉnh Quảng Trị
12 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, thị sát Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Trong chương trình công tác tại tỉnh Quảng Trị, chiều 26/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kiểm tra, chỉ đạo thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng tại tỉnh Quảng Trị gồm Dự án cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ; dự án xây dựng Sân bay Quảng Trị; dự án đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy.
Dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị dài 65,5km có điểm đầu giao với dự án cao tốc đoạn Bùng-Vạn Ninh và điểm cuối giao với tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư gần 10 ngàn tỷ đồng; được khởi công ngày 1/1/2023, kế hoạch hoàn thành tháng 10/2025.
Đến nay sản lượng dự án đã đạt hơn 97% giá trị các hợp đồng; các đơn vị nhà thầu phấn đấu khai thác thông tuyến chính và hoàn thành dự án trong tháng 7 để thông xe vào ngày 19/8.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và triển khai các công trình hạng mục phụ như đường gom, điểm quay đầu xe, trạm dừng nghỉ, trạm điều tiết giao thông…
Thị sát dự án tại nút giao của cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ với đường tỉnh 575 xã Cồn Tiên, tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tỉnh Quảng Trị khẩn trương giải phóng mặt bằng liên quan đến đường gom dân sinh, điểm quay đầu xe; trạm thu phí…
Các nhà thầu tập trung tối đa nhân lực thi công hoàn thành các hạng mục còn lại; hoàn thành hệ thống an toàn giao thông, đẩy nhanh tiến độ thi công lắp đặt hệ thống biển báo; đảm bảo chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường; bố trí đầy đủ biển báo hiệu, hệ thống đèn cảnh báo, tấm phản quang…
Thủ tướng nhấn mạnh các nhà thầu huy động thêm các nhà thầu địa phương và tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp,” “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày nghỉ,” đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thông xe toàn tuyến vào ngày 19/8/2025.
Qua đó, kết nối đoạn cao tốc này với tuyến cao tốc Bắc-Nam, tạo động lực thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế-xã hội, du lịch và thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Trị mới và các địa phương trong khu vực.
Cùng với hoàn thành dự án này, tỉnh Quảng Trị và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị và tập trung triển khai giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, tuyến đường ven biển; tổ chức khai thác không gian phát triển mới do các tuyến giao thông tạo ra, phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch theo quy hoạch, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, giúp người dân không chỉ thoát nghèo mà vươn lên giàu mạnh; cũng như góp phần để Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững.
Sân bay Quảng Trị là một trong các cảng hàng không được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án được định hướng là sân bay dân dụng cấp 4C và quân sự cấp II, với tổng diện tích sử dụng đất là 316,57ha. Sân bay Quảng Trị có tổng mức đầu tư là 5.821 tỷ đồng, khởi công tháng 7/2024.
Hiện tại doanh nghiệp dự án đang khẩn trương triển khai thi công các hạng mục công trình theo đúng tiến độ cam kết, với mục tiêu đưa cảng vào khai thác từ tháng 7/2026.
Kiểm tra công trường triển khai dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ Sân bay Quảng Trị nằm trong khu vực giữa hai dòng sông là Bến Hải và Thạch Hãn; có các tuyến đường bộ cao tốc và tới đây là đường sắt tốc độ cao đi qua, gần cảng biển…
Trong khi đó, khu vực đất đai rộng lớn ở đây đang được khai thác, sử dụng chủ yếu là trồng rừng, phát triển nông nghiệp mang lại giá trị thấp.
Với tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu phát triển khu vực này gồm công nghiệp hàng không, đô thị sân bay, công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ. Cùng với đó, phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ cho tương lai phát triển của cả vùng và kết nối với các nước Lào, Thái Lan.
Riêng sân bay Quảng Trị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu phát triển đạt cấp 4F; trước mắt thúc đẩy tiến độ triển khai giai đoạn 1 dự án; dứt khoát hoàn thành xây dựng Sân bay Quảng Trị vào tháng 7/2026.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy, xã Mỹ Thủy, tỉnh Quảng Trị - Giai đoạn 1, tỉnh Quảng Trị.
Cảng Mỹ Thủy được quy hoạch có tổng diện tích 685ha, xây dựng 10 bến cảng, năng lực đón tàu trọng tải đến 100 ngàn WDT; công suất khai thác 30 triệu tấn/năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Dự án có tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng, được chia làm 3 giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư 4 bến cảng, công suất khai thác 12 triệu tấn/năm; tổng mức đầu tư 5.902 tỷ đồng, thời gian thi công từ năm 2023-2027.
Hiện nay, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; khối lượng thi công các bến cảng số 1 và số 2 đạt 62%; các hạng mục như đê, kè chắn sóng, chắn cát đang đảm bảo tiến độ với khối lượng đạt khoảng 43%; công tác nạo vét vũng quay tàu, luồng tàu, khu nước trước bến, gầm bến đạt khối lượng 12,5%...
Thăm, tặng quà các lực lượng đang xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cảng Mỹ Thủy có vị trí chiến lược, bổ trợ cho các cảng biển trong khu vực, nhất là rất thuận tiện kết nối với các loại hình giao thông khác trong khu vực, có vai trò quan trọng để kết nối kinh tế Việt Nam với kinh tế các nước ASEAN.
Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện "3 ca, 4 kíp," bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động; phòng chống thiên tai, bảo đảm vệ sinh môi trường; xây dựng cảng Mỹ Thủy hiện đại, theo hướng xanh hóa, chuyển đổi số, quản trị thông minh; đồng thời nghiên cứu quy hoạch, phát triển khu thương mại tự do, cảng chuyên dụng tại Mỹ Thủy.
Cho biết, việc xây dựng cảng sẽ góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đầu tư các tuyến đường kết nối giữa cảng Mỹ Thủy với các tuyến giao thông và các khu vực phát triển; kết nối với tuyến biên giới, cửa khẩu Lao Bảo để phục vụ, khai thác nguồn hàng từ Lào và Đông Bắc Thái Lan…/.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-khao-sat-cac-du-an-ha-tang-tai-tinh-quang-tri-post1052013.vnp