Pháp luật không chỉ phải chặt chẽ, minh bạch mà còn cần thích ứng với thực tiễn, nhất là trong bối cảnh thế giới và trong nước biến động nhanh chóng.
Thủ tướng cho biết, cả nước đang thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, hướng tới tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả. Công tác này đi đôi với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nguyên tắc trong sửa đổi, hoàn thiện các luật, một số điểm mới trong các dự thảo luật được trình Quốc hội - Ảnh: VGP
Theo kế hoạch, quá trình hoàn thiện bộ máy sẽ kết thúc trong tháng 2 và vận hành chính thức từ tháng 3. Việc áp dụng mô hình mới có thể gặp vướng mắc, nhưng sẽ được điều chỉnh kịp thời để đảm bảo vận hành trơn tru.
Về xây dựng pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc "đúng vai, thuộc bài", tức là phân định rõ nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, giúp nâng cao trách nhiệm giải trình, tránh chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm. Đồng thời, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để địa phương có quyền quyết định và triển khai chính sách linh hoạt, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào cấp trung ương.
Ông đồng tình với quan điểm một cơ quan có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, nhưng một nhiệm vụ chỉ nên giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính, tránh tình trạng nhiều đơn vị nhưng không ai chịu trách nhiệm cuối cùng. Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng nghị quyết của Chính phủ cần có giá trị pháp quy, bởi trong nhiều tình huống khẩn cấp, nếu văn bản không có tính pháp lý thì việc thực thi sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng cho rằng xây dựng chính sách phải phù hợp với thực tế, đặc biệt trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng. Ông nhắc lại bài học từ phòng chống dịch Covid-19 và ứng phó với siêu bão Yagi (bão số 3 năm 2024), khi nhiều quyết định buộc phải được đưa ra nhanh chóng để bảo vệ người dân và ổn định xã hội.
Do đó, các chính sách đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng thì cần luật hóa để triển khai lâu dài. Ngược lại, những vấn đề kinh tế còn nhiều biến động nên trao quyền chủ động cho cơ quan hành pháp, đảm bảo xử lý linh hoạt và kịp thời, sau đó báo cáo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giám sát và điều chỉnh khi cần thiết.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận về công tác xây dựng pháp luật
Thủ tướng nhấn mạnh rằng nghị quyết của Chính phủ từng là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng hiện nay không còn giá trị pháp quy, thay vào đó, các nghị định phải được ban hành theo trình tự rút gọn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi có vấn đề cấp bách, Chính phủ có thể họp trong một giờ, thậm chí ngay trong đêm để đưa ra quyết định, nhưng nếu văn bản ban hành không có giá trị pháp lý, sẽ không ai dám thực hiện.
Điều này từng gây khó khăn trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, khi nhiều quyết sách quan trọng được đưa ra nhưng gặp vướng mắc pháp lý. Trong khi đó, nghị định dù theo trình tự rút gọn vẫn mất nhiều thời gian do yêu cầu lấy ý kiến rộng rãi. Do đó, theo Thủ tướng, cần khôi phục giá trị pháp lý của nghị quyết Chính phủ để đảm bảo quyết định nhanh hơn trong tình huống cấp bách mà vẫn đảm bảo cơ sở pháp lý.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh cần bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ông dẫn chứng trường hợp trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lếu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), người đã chủ động sơ tán dân trong cơn bão Yagi để đảm bảo an toàn tính mạng.
"Người dân an toàn thì không sao, nhưng nếu không may trong quá trình di chuyển lại gặp sạt lở, thì trưởng thôn sẽ bị quy trách nhiệm? Trong khi đó, ông ấy hành động với trách nhiệm cao nhất để bảo vệ người dân”.
Thực tế cho thấy, trong những tình huống khẩn cấp, nếu cán bộ không có động cơ cá nhân hay vụ lợi mà chỉ hành động vì lợi ích chung, thì pháp luật cần có cơ chế bảo vệ họ. Điều này không chỉ giúp những người có trách nhiệm dám ra quyết định, mà còn tạo động lực đổi mới, sáng tạo trong bộ máy hành chính. Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Thủ tướng nhấn mạnh thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vì vậy, bên cạnh lấy ý kiến nhân dân và các đối tượng bị tác động, cần tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và những người có kinh nghiệm thực tiễn để đảm bảo chính sách phù hợp, khả thi.
Theo Thủ tướng, hệ thống pháp luật cần đảm bảo tính chặt chẽ nhưng vẫn linh hoạt, vừa giúp quản lý hiệu quả, vừa tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, giúp Việt Nam thích ứng nhanh hơn với bối cảnh thay đổi liên tục của thế giới.
T.Ng