Tại phiên thảo luận ở tổ sáng ngày 23/5 về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề cập đến trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ sáng 23/5. Ảnh: Phạm Thắng.
“Có bệnh thì phải chữa, phải mổ xẻ, phải đau đớn”
Thủ tướng cho biết, đầu Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có thống kê những dự án tồn đọng, kéo dài nhiều nhiệm kỳ gây lãng phí, điển hình là các dự án điện gió, điện mặt trời.
Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, lãng phí có liên quan đến chính sách không phù hợp.
"Chính sách của ta không tốt nên dẫn đến tiêu cực, ồ ạt xây dựng các dự án điện gió, điện mặt trời không đúng quy hoạch và thủ tục, không đúng quy định của Đảng, Nhà nước nên phải xử lý", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, thống kê các địa phương gửi cho thấy, có hơn 2.200 dự án tồn đọng. Nếu tháo gỡ những dự án này sẽ giải phóng được hơn 230 tỷ USD, bằng 50% tổng GDP của cả nước.
“Chúng tôi đang xây dựng chính sách, không hợp thức hóa sai nhưng phải có cách xử lý về thể chế, tổ chức”, Thủ tướng nhấn mạnh và nói rằng, ai làm sai phải xử lý, những thể chế chưa phù hợp phải tháo gỡ.
Thủ tướng cho rằng, tình hình thay đổi thì cơ chế, chính sách cũng phải thay đổi. Đây là “căn bệnh” và đã có bệnh thì phải chữa, phải mổ xẻ, phải đau đớn, chịu mất máu, mất tiền.
Trong giải quyết bất cập, Thủ tướng cho rằng, không thể thu về 100% mà phải chấp nhận mất mát. “Chúng ta phải chấp nhận đau đớn, mất mát và coi đó là học phí. Việc này cho chúng ta bài học mới, kinh nghiệm mới, không thể không làm, mà đã làm phải có thiệt thòi”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, khi giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng mới có thể khai thác hết tiềm năng. Bên cạnh đó, ông chỉ ra rằng, đất đai lâm trường, nông trường cũng là vấn đề nhức nhối.
Thủ tướng nhận định trước đây, việc quản lý, thành lập nông lâm trường rất cần thiết trong quá trình phát triển, nhưng khi tiến hành kinh tế thị trường ta lại buông lỏng quản lý, không có chính sách kịp thời, linh hoạt và hiệu quả nên giờ phải đi giải quyết hậu quả về cả pháp lý và thực tiễn.
“Chúng ta cũng lại phải chấp nhận đau đớn, mất mát. Nếu không chấp nhận thì không giải quyết dứt điểm được. Phải chịu đau đớn, mất mát, đưa ra cơ chế chính sách giải quyết dứt điểm. Khi đã đổ vỡ rồi không thể hàn gắn nguyên như ban đầu, nhưng phải làm sao khắc phục tối ưu nhất", Thủ tướng nhắc lại.
Thủ tướng cũng cho biết, việc sắp xếp bộ máy cũng sẽ dẫn tới dư thừa trụ sở làm việc. Nhấn mạnh “quan trọng nhất là cấp ủy chính quyền địa phương”, Thủ tướng chỉ rõ, chủ trương là không để lãng phí, phải vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị.
“Không cầu toàn, nóng vội, nhất là với các vấn đề mới phát sinh. Phải bình tĩnh, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, miễn là đừng tiêu cực, đừng lãng phí, đừng tham nhũng. Phải vô tư, trong sáng khi tìm cách giải quyết; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nói.
Phân cấp, phân quyền mà giữ khư khư nguồn lực thì không thể làm được
Cho ý kiến về mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng nêu rõ, quan trọng nhất là chuyển đổi trạng thái từ thụ động tiếp nhận yêu cầu của người dân, doanh nghiệp rồi mới xử lý sang trạng thái chủ động, tích cực phục vụ người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh cần giảm thủ tục hành chính, tạo không gian phát triển, tạo điều kiện kết nối thuận lợi. Chính quyền địa phương thay vì tiền kiểm, cấp phép thì hậu kiểm, tiến hành kiểm tra, giám sát, kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, bỏ cơ chế xin - cho".
Thủ tướng đề cập chủ trương đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực.
“Việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường năng lực thực thi, có cơ chế gắn liền với kiểm tra, giám sát. Quốc hội phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, Chính phủ lại phân xuống cho bộ, ngành, địa phương chứ chúng tôi chẳng giữ làm gì. Phân cấp, phân quyền mà giữ khư khư nguồn lực thì không thể làm được, cái gì cũng phải đi xin”, Thủ tướng chỉ rõ.
Cho rằng "cơ hội đến và đi rất nhanh, nếu xử lý cầm chừng thủ tục thì cơ hội đi lúc nào không biết, giải quyết xong thì cơ hội đã đi mất", Thủ tướng yêu cầu phải cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ; đẩy mạnh công tác xây dựng quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các điều kiện cần thiết khác và phải công bố công khai; chính quyền phải chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Thủ tướng cũng đề nghị Quốc hội ủng hộ mạnh mẽ việc cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền. "Tinh thần là ai gần dân nhất thì phân cấp, ai hỗ trợ được người dân theo tinh thần chủ động phục vụ nhân dân thì phân cấp".
Bình tĩnh ứng phó với chính sách thuế
Đề cập mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong bối cảnh các định chế quốc tế cũng như các nước lớn đều dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm nay so với năm ngoái và so với dự báo đầu năm, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay từ 8% là đang "đi ngược" xu thế của thế giới. Muốn vậy, chúng ta vẫn phải tiến hành tích cực 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, Thủ tướng khẳng định.
Về thể chế, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, với quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển kinh tế - xã hội ngay trong năm 2025.
"Chúng ta tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế sẽ biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh, như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm; biến thể chế vừa là nguồn lực, vừa là động lực cho sự phát triển" Thủ tướng nhấn mạnh.
Về hạ tầng, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải đẩy mạnh đột phá hạ tầng chiến lược. Hiện, chi phí logistics của Việt Nam chiếm tới 17 - 18% GDP, trong khi mức trung bình của thế giới là 10 - 11% GDP. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Do vậy, cần tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, đường thủy nội địa).
Theo đó, trong năm nay, phấn đấu hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc. Triển khai đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tập trung xây dựng đường sắt tốc độ cao liên thông với Trung Quốc (tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng) để kết nối sang Trung Quốc, Trung Á và sang châu Âu.
Đối với hàng không, cần phát triển đội bay, hệ thống máy bay, sân bay cũng như phát triển các hãng hàng không. “Chúng ta không phải chỉ phát triển 1 - 2 hãng mà phải nhiều hãng để có sức cạnh tranh, có lợi cho người tiêu dùng”, Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rõ, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thể thao đều phải phát triển để mang tính bao trùm, đồng bộ.
Về đột phá nhân lực, Thủ tướng chỉ rõ, cần chuyển sang đào tạo kỹ năng toàn diện, thay vì chỉ tập trung vào kiến thức; đào tạo được lao động có đẳng cấp quốc tế, qua đó tăng năng suất lao động.
Thời gian qua, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị ban hành 4 Nghị quyết, gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là 4 trụ cột chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Nhấn mạnh "bộ tứ chiến lược" nêu trên, Thủ tướng chỉ rõ, để đạt được mục tiêu đề ra, chúng ta phải làm mới các động lực tăng trưởng cũ về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Trong đó, động lực xuất khẩu đang chững lại bởi chính sách thuế. Song, "chúng ta cần bình tĩnh, với tinh thần phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết, chúng ta đang tích cực đàm phán thuế quan với Mỹ để đảm bảo lợi ích. "Chúng ta không đối đầu mà kiên trì đối thoại, thuyết phục, lắng nghe, sẵn sàng giải quyết vấn đề các đối tác quan tâm theo tinh thần các bên cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng nêu quan điểm.
Hải Ninh