Thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới
3 giờ trướcBài gốc
Phong Thổ là huyện vùng cao với 12 xã biên giới. Xuất phát điểm thấp; hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ; đời sống của người dân khó khăn; nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nói chung, thực hiện tiêu chí giao thông nói riêng còn nhiều hạn chế… ảnh hưởng quá trình thực hiện. Trước thực tế đó, huyện Phong Thổ duy trì hoạt động của ban chỉ đạo chương trình; phân công từng thành viên phụ trách theo địa bàn, lĩnh vực, tiêu chí.
UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM đến nhân dân. Hình thức tuyên truyền đổi mới, kết hợp tổ chức hội nghị các cấp với hoạt động thông tin, truyền thông, truyền thanh, truyền hình. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã treo hàng trăm băng-rôn, khẩu hiệu, cụm pa-nô và biển, bản tin tuyên truyền. Cơ quan truyền thông tiếp sóng đài FM, duy trì phát sóng FM trung ương, của tỉnh, huyện… Nội dung phản ánh các hoạt động chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các phong trào, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển nông nghiệp, chương trình xây dựng NTM của huyện.
Người dân bản Huổi Phặc (xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ) vui mừng khi tuyến đường nội bản được cứng hóa.
Đồng chí Sùng Ngọc Thủy - Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phong Thổ cho biết: Phòng tham mưu UBND huyện tập trung nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để mở mới đường liên xã, liên bản, đường ra khu sản xuất. Duy tu, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường thôn bản, liên thôn bản, đường ngõ xóm và các trục chính đường nội đồng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con hiến đất, ủng hộ ngày công lao động xây dựng hạ tầng giao thông theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Chính điều này góp phần làm thay đổi tích cực nhận thức của người dân, cán bộ, công chức, đảng viên trong công tác xây dựng NTM. Đến nay, trên địa bàn huyện có 5/16 xã cơ bản đạt tiêu chí giao thông gồm: Mường So, Khổng Lào, Ma Li Pho, Huổi Luông và Sì Lở Lầu. Qua thống kê, toàn huyện có gần 160km đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa (đạt 95,8% tổng chiều dài tuyến đường). Trên 131km đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản được cứng hóa. 188,4km đường ngõ, xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm. 116,2km đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.
Xã Khổng Lào đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015. Vào thời điểm đó, xã còn nợ tiêu chí giao thông, tuy nhiên với sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, người dân trong việc mở mới các tuyến đường nội bản, liên bản, đường ra khu sản xuất, chỉ 2 năm sau xã đã đạt tiêu chí này và nâng cao chất lượng tiêu chí, duy trì từ đó cho đến nay.
Đồng chí Teo Văn Thín - Chủ tịch UBND xã Khổng Lào nói: Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn xã có 4 tuyến đường nội đồng được mở mới: Huổi Nả, Pu Láu, Nậm Khay, Nậm Luông với tổng chiều dài 2km; 1 tuyến đường nội đồng từ bản Chi Bú đi bản Cang xây dựng năm 2016 vừa được sửa chữa, nâng cấp với chiều dài 650m. 100% đường nội bản, liên bản bê-tông hóa; 100% đường ra khu sản xuất của các cánh đồng lớn gồm: khu vực 1 (các bản: Co Muông, Huổi Phặc, Huổi Nả, Bản Đớ), khu vực 2 (các bản: Cang, Phai Cát, Huổi Loỏng) được bê-tông hóa. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân dễ dàng, diện mạo nông thôn đổi mới.
Chị Pờ Thị Hải ở bản Huổi Phặc (xã Khổng Lào) không giấu được niềm vui khi các tuyến đường gần nhà đều bê-tông hóa rộng rãi, sạch đẹp bởi theo chia sẻ của chị trước đây toàn bộ đường từ trục đường lớn vào nhà là đường đất, trời nắng còn đỡ, trời mưa đường trơn trượt, lầy lội đi bộ khó, có lúc còn bị ngã. Giao thông thuận lợi, xe máy, ô-tô vào tận nhà, vận chuyển nông sản dễ dàng.
Đường ra các khu sản xuất trên địa bàn huyện Phong Thổ được bê-tông hóa giúp người dân vận chuyển nông sản
Thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, huyện Phong Thổ đang từng bước phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối các vùng, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đời sống người dân và làm thay đổi diện mạo của các xã. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2024, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 8.026,7ha, sản lượng thu hoạch đạt 17.160,7 tấn. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp đạt 525,53 tỷ đồng (tăng 41,77% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn huyện đạt 356,9 tỷ đồng (tăng 1,42% so với cùng kỳ năm 2023). Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 14,5 tỷ đồng.
Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, cơ quan chuyên môn quản lý, duy tu, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các tuyến giao thông; làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và tự nguyện của nhân dân chung tay đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường… Phấn đấu hết năm 2025, toàn huyện có 25 bản đạt chuẩn NTM, 6 xã đạt 19 tiêu chí, 10 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí NTM; bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã.
Thanh Hoa
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/th%E1%BB%B1c-hi%E1%BB%87n-ti%C3%AAu-ch%C3%AD-giao-th%C3%B4ng-trong-x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-n%C3%B4ng-th%C3%B4n-m%E1%BB%9Bi