Cần khẳng định rằng, không một tài liệu nào trên thế giới cho thấy cao hổ là “thần dược” như dân gian và con buôn đồn đoán. Tất cả những gì chúng tôi biết về cao hổ, qua cả lời kể của người trong cuộc, thì đó chỉ là vô số hiểm họa nhãn tiền.
N.V.H, trùm buôn hổ xuyên quốc gia, sống tại Hà Nội ở kỳ trước đã thừa nhận, chính đối tượng cũng không tin vào “thần dược” cao hổ. “Tôi vẫn uống cao hổ, nhưng là uống để mồi chài cho khách hàng tin tưởng thôi. Vì tôi bán quá nhiều trong nhiều năm, uống cùng khách thì họ mới mua. Chứ bảo là tin vào “thuốc tiên” cao hổ không, thì tôi không tin. Tôi lựa hàng hổ sống, xương hổ hoặc hổ đông lạnh và tự tay nấu nồi cao hổ cho mình uống, làm sao để nếu nó không có tác dụng gì thì cũng giảm thiểu tác hại đi”, N.V.H nói.
Trong lần tiếp xúc với nhóm phóng viên chúng tôi, N.V.H đã tiết lộ những sự thật kinh hoàng về “thần dược” cao hổ. “Cao hổ trên thị trường kinh khủng lắm. Với những xác hổ đông lạnh thế, họ vận chuyển lén lút trong nhiều tháng ròng, qua hàng nghìn cây số, họ phải ngâm hóa chất kỹ lắm, kẻo nó bốc mùi thối thì sẽ mất hàng tỷ đồng. Tôi mổ con hổ, vứt bỏ nội tạng và thịt của chúng xuống ao để phi tang. Rồi đập xương hổ nấu cao. Sáng ra, cá chết trắng cả một khu ao hồ rộng lớn, trong khuôn viên của một khu vực được chúng tôi kiểm soát kĩ. Từ bấy, tôi thật sự sợ hãi về số hóa chất họ ngâm ướp trong xác con hổ đông lạnh!”, N.V.H bày tỏ sợ hãi.
N.V.H cho biết thêm, các cá thể hổ bị bẫy, giết ngoài hoang dã (nếu có) thì chúng cũng được bảo quản tại chỗ để tránh ôi thiu ngay trong rừng. Các bức ảnh và mô tả của thợ tìm trầm và săn hổ ở khu vực ASEAN cũng cho thấy: Họ dùng bẫy kẹp, dùng dây cáp lớn giăng mắc khắp nơi, kèm theo thú mồi của hổ (là các loài thú móng guốc như hươu, nai, cheo, sơn dương…) còn sống để “nhử”. Khi con hổ xấu số sập bẫy, bị “trói chân” hoặc “tay” giữa rừng rậm. Tiếng gầm tức giận và tuyệt vọng của chúng sẽ khiến các thợ khai thác trầm, những người đi “tuần tra kiểm soát” thăm thú hệ thống bẫy nhận được tín hiệu trúng mánh. Họ dùng gậy, dao, búa tìm cách tấn công, giết cá thể hổ đó bằng mọi giá, với sự thận trọng cao độ.
Khi có được xác hổ rồi, họ tẩm hóa chất để chúng không thiu thối. “Thử hỏi: Bảo quản một con gà đã khó, huống hồ con hổ nặng gần 300kg. Họ buộc phải dùng hóa chất để thịt hổ tươi được lâu, ngay khi con hổ đã bị giết mà da thịt nó còn nóng, họ tiêm vào một loại hóa chất để rồi chúng được sự sống sắp tắt hẳn của con vật tội nghiệp tiếp tục “vận chuyển” khắp toàn thân, ngấm vào từng thớ thịt. Thế nên mới có chuyện: Thợ nấu cao hổ, họ không bao giờ ăn thịt chúa sơn lâm, vì họ sợ hóa chất”, một đối tượng chuyên buôn cao hổ tiết lộ.
Với các cá thể hổ được nuôi dưới hầm tối bí mật thì còn đáng sợ hơn. Theo chia sẻ của các đối tượng, khi giết mổ và vận chuyển, họ cũng dùng hóa chất tương tự. Nhưng khi nuôi chúng, họ tiêm rất nhiều thuốc kích thích ăn uống, tăng trưởng, chữa bệnh. Thức ăn thì thu gom từ đầu, lòng gà công nghiệp, thịt lợn thịt bò ôi thiu bán ế ngoài chợ. Hổ ốm là họ tiêm đủ loại thuốc không rõ nguồn gốc, không theo quy luật nào. Bởi họ nuôi giấu đàn hổ dưới hầm tối trong lòng đất, hở ra là ông chủ phải đi ở tù (mới đây, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một người nuôi 14 cá thể hổ trưởng thành tại nhà và 1 người khác nuôi 3 cá thể hổ trưởng thành khác, đã bị Công an tỉnh bắt, Tòa án đã xử tù cả 2 đối tượng), nên mọi việc tiêm thuốc kể trên đều lén lút.
Họ chỉ nghĩ, cốt sao hổ không chết mà lớn nhanh, nặng cân là được. Không cần chúng phải khỏe. Vì khách ngó (xem hàng) xong, đồng ý, trả tiền là họ bắn thuốc mê đem đi giết mổ. Thế nên, 100% hổ nuôi trong bóng tối bị béo phì, bị tim mạch, có khi khuyết tật trong vận động, bị “ngậm” nhiều loại hóa chất.
Vẫn theo chia sẻ của các đối tượng chuyên buôn bán hổ và cao hổ chúng tôi đề cập, để nấu một nồi cao hổ, theo nguyên tắc cổ xưa và vẫn được đặc biệt tuân thủ (một cách vô căn cứ), người ta cho rất nhiều bộ phận cơ thể của một số loài động vật khác vào, kèm thêm thuốc phiện (ma túy) và nhiều hương liệu chưa được kiểm chứng nguồn gốc, chất lượng.
Cụ thể, nồi cao hổ nào các đối tượng cũng cho xương sơn dương, hay xương khỉ, vượn vào để “cân bằng âm dương”. Trong khi đó, các con vật này cũng bị thợ săn sát hại và ướp tẩm “ngập” hóa chất để bảo quản trong quá trình vận chuyển.
Về phụ gia hóa chất, các chủ nấu cao tiết lộ: Có đối tượng sẵn sàng cho thuốc phiện vào, để khách nghĩ là “bí truyền” dẫn thuốc, dẫn cao hổ, phát huy tác dụng cân bằng âm dương của “thần dược”. “Thật ra chẳng có gì bí truyền ở đây cả. Đơn giản là thuốc phiện có tác dụng giảm đau, tăng đề kháng và kích thích thần kinh. Lại thêm ít thuốc giảm đau tân dược, thêm ít thuốc kích thích giá vài chục nghìn đồng một gói. Thế là khi ăn uống cao hổ với giá gần 40 triệu đồng một lạng (giá chợ đen), các đại gia và gia đình họ vui lắm. Thấy đang đau xương khớp mà đỡ hẳn, đang sốt lại thấy êm hẳn. Thậm chí đau bụng thấy giảm đau. Quý ông thì thấy “phê phê”, “sung sức” nhất thời trong việc chăn gối. Và họ nghĩ: Đáng đồng tiền bát gạo đấy, cao hổ quý thật đấy. Uống tới đâu biết tới đó. Nhưng thật ra, đó là tác dụng chớp nhoáng của tân dược giá rẻ, gói efferalgan giảm sốt có 5 nghìn đồng; kể cả thuốc “kích thích ham muốn” cho quý ông cũng bán đầy ngoài hiệu tân dược, giá rẻ bèo”, N.V.H chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, quá trình nấu cao hổ, theo tiết lộ, các đối tượng còn dùng nhiều thủ đoạn để “moi tiền” những người có niềm tin mù quáng cáo "thần dược" cao hổ, đó là việc làm giả xương hổ hoặc cho thêm nhiều phụ liệu rẻ tiền khác làm tăng trọng lượng cao khi nấu.
“Xương sư tử rẻ hơn xương hổ nhiều lần, nhưng cái bánh chè hổ rồi “mắt phượng” trên xương hổ là rất đặc trưng, khó lẫn với loài nào khác. Xương sườn hổ có thớ vặn xoắn đặc trưng. Quý vị được tuyên truyền thế và muốn kiểm tra. Họ sẽ mài khoét “lỗ tròn mắt phượng” trên xương sư tử; Họ sẽ khía, khảm, gọt cái vết vặn uốn khe khẽ trên xương sườn sư tử, báo mai hoa, để nó thành… hổ”, N.V.H tiết lộ mánh khóe của các đối tượng.
Và ngay cả khi nấu cao tại nhà, có camera giám sát, thì những đối tượng này vẫn có nhiều thủ đoạn để “phù phép” trong quá trình “luyện đan”. Chẳng hạn, khi nấu cao tại nhà, họ sẽ mang cả bộ xương hổ hoặc cả con hổ đông lạnh tới; hoặc cả một bộ áo tơi hổ (bộ xương đầy đủ còn tươi nằm trong, bên ngoài là da và lông hổ nguyên vẹn, toàn bộ thịt và nội tạng hổ đã bị lọc ra rồi). Trông thì vậy, nhưng trong xương hổ đã bị làm giả.
“Họ thay vài cục xương bò, xương trâu vào, không ai biết được. Hoặc họ nghiền sẵn xương chó, mèo, thêm ít tủy của bò, trâu nữa, nhét cả vào các ống xương, lóng xương lớn của hổ. Xương hổ kèm theo dăm cân tủy và xương trâu bò. Tính ra đối tượng đã thu tới cả trăm triệu đồng”, các đối tượng cho biết.
"Vì sao họ đi siêu xe, mua biệt thự và cho con du học ở Mỹ và Anh được, chỉ nhờ nghề nấu cao hổ?" N.V.H tự hỏi rồi tủm tỉm cười: “Bạn nên nhớ, khi nấu, để nồi cao dôi dư (vì sau khi nấu, khách sẽ mua từng lạng, từng cân cao theo giá đã quy ước), ngoài xương hổ và các phụ gia trâu, bò, chó, mèo được bố trí từ trước trong bộ xương hổ, trong hổ đông lạnh, chúng tôi còn chuẩn bị sẵn các loại chất sền sệt có được từ nấu xương trâu, bò. Chất này có thể để trong ống tay áo của người nấu. Khi các vị đang đánh phỏm, đang uống thử cao lúc vừa cô đặc, đang lơ mơ ngủ gật sau cả tuần thức “trông cao” như thuở thiếu thời ngồi quanh nồi bánh chưng Tết… - thì nó mở vung nồi kiểm tra xem có bị cháy không, để khuấy lên cho quánh, dẻo và đẹp màu. Lúc này, nó vung tay, dốc một cái là thêm vài lạng hợp chất cho nồi, thế là mỗi lạng cao 40 triệu đồng”.
Nhóm PV