1. Các tình trạng bệnh về mắt liên quan đến thiếu hụt dinh dưỡng
Có nhiều nguyên nhân góp phần gây các bệnh về mắt, trong đó dinh dưỡng đóng vai trò then chốt. Sau đây là một số tình trạng mất đáng chú ý do thiếu hụt dinh dưỡng trong thực phẩm:
- Đục thủy tinh thể:Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa có trong thực phẩm giúp bảo vệ chống lại stress oxy hóa, một tác nhân đã biết gây ra bệnh đục thủy tinh thể. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người tiêu thụ ít hơn 3,5 khẩu phần trái cây và rau quả mỗi ngày có thể có nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể cao hơn.
- Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (ARMD): ARMD ảnh hưởng đến võng mạc và có thể dẫn đến suy giảm thị lực nghiêm trọng. Nghiên cứu bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác 2 (AREDS2) đăng trên Jamanetwork đã chỉ ra rằng, chất bổ sung có chứa các chất dinh dưỡng như kẽm, lutein và zeaxanthin có thể làm chậm quá trình tiến triển của ARMD ở giai đoạn đầu đến giai đoạn trung bình.
Một chế độ dinh dưỡng cân bằng các loại thực phẩm và bổ dưỡng giúp mắt hoạt động tối ưu và ngăn ngừa các bệnh tiềm ẩn.
- Khô mắt: Thiếu hụt vitamin D và axit béo omega-3 có liên quan đến bệnh khô mắt. Các chất dinh dưỡng này giúp duy trì sức khỏe của màng nước mắt và giảm viêm ở mắt.
- Cận thị: Thiếu hụt vitamin D có liên quan đến quá trình tiến triển nhanh hơn của cận thị ở trẻ em. Tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời và các nguồn vitamin D trong chế độ ăn uống rất quan trọng đối với sức khỏe của mắt ở những trẻ đang lớn.
2. Các chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe mắt
- Vitamin C: Vitamin C hỗ trợ sức khỏe của mạch máu trong mắt và hoạt động như một chất chống oxy hóa. Chất dinh dưỡng này có nhiều trong các loại thực phẩm như trái cây họ cam quýt (cam, bưởi), quả mọng, cà chua và rau như bông cải xanh.
- Vitamin E: Vitamin E bảo vệ màng tế bào trong mắt khỏi bị tổn thương do các gốc tự do gây ra, có nhiều trong hạnh nhân, hạt hướng dương, dầu ô liu và quả bơ…
- Vitamin D: Vitamin D hỗ trợ sức khỏe tổng thể của mắt và có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh về mắt. Bên cạnh việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, các nguồn thực phẩm bao gồm thực phẩm tăng cường, dầu cá và lòng đỏ trứng.
- Kẽm: Kẽm đóng vai trò vận chuyển vitamin A từ gan đến võng mạc, hỗ trợ thị lực ban đêm và sức khỏe tổng thể của mắt. Kẽm có trong các loại đậu, hạt, quả hạch, các sản phẩm từ sữa như sữa và pho mát.
- Lutein và Zeaxanthin: Các carotenoid này có trong các loại rau lá xanh như rau bina, cải xoăn cũng như trong ngô và lòng đỏ trứng. Chúng giúp lọc ánh sáng xanh có hại, bảo vệ võng mạc khỏi bị tổn thương.
- Axit béo omega-3: Có nhiều trong các loại cá béo như cá hồi và cá ngừ, cũng như trong quả óc chó và hạt lanh. Omega-3 góp phần vào tính toàn vẹn về mặt cấu trúc của màng tế bào trong mắt và giúp giảm viêm.
3. Có nên dùng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng không?
Trong khi chế độ ăn uống cân bằng là tối ưu để duy trì sức khỏe của mắt, thì các chất bổ sung có thể cần thiết cho những người có nguy cơ thiếu hụt do chế độ ăn uống không đầy đủ hoặc mắc tình trạng bệnh lý.
Tuy nhiên, việc sử dụng bừa bãi các chất bổ sung khi không có lời khuyên của bác sĩ có thể dẫn đến tác dụng phụ và chi phí không cần thiết. Do đó, nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để xác định xem các chất bổ sung có lợi và an toàn cho nhu cầu của từng cá nhân hay không.
Mời bạn xem thêm video:
Kiểm soát cận thị tiến triển cho con cần sự thức tỉnh của cha mẹ