Thục Phán - An Dương Vương qua tài liệu điền dã tại Cao Bằng và một số địa phương

Thục Phán - An Dương Vương qua tài liệu điền dã tại Cao Bằng và một số địa phương
21 giờ trướcBài gốc
Cùng với việc tổ chức điều tra khảo sát tại các địa phương trong tỉnh, việc tổ chức khai thác, sưu tầm tài liệu tại nhiều cơ quan ở Hà Nội và các tỉnh đã được thực hiện như: Trung tâm lưu trữ Quốc gia I; Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Viện sử học; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Thư viện Quốc gia, Trung tâm nghiên cứu kinh thành; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội)...; Khu Di tích quốc gia đặc biệt đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, và các tỉnh Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An. Trong đó trọng tâm là Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa; Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Qua kết quả tổng hợp, nghiên cứu các tư liệu cho thấy, truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” từ bao đời nay đã ăn sâu vào tiềm thức của các thế hệ người dân Cao Bằng và nhiều địa phương khác, dù người đó là dân tộc gì, cư trú ở vùng thấp hay vùng cao, vùng sâu, vùng xa; mặc dù từ ngàn xưa chỉ được các cụ truyền lại bằng cách truyền miệng nhưng đến ngày nay tại các địa phương, người dân hiểu biết về Thục Phán và các chúa một cách khá cụ thể, rõ ràng, chi tiết.
Đặc biệt có người đã hăng hái thuật lại bằng thơ tiếng Tày, hoặc cho biết ngay những địa danh, những câu chuyện cụ thể, thú vị, hấp dẫn ở địa phương, liên quan đến việc chín chúa trổ tài trong cuộc thi để giành ngôi vua, nhưng đều mắc mưu mỹ nhân kế của Thục Phán. Có thể nói truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” đã ngấm vào bà con các dân tộc từ rất lâu, nên khi vừa trao đổi thì một ông người Dao ở xã Thịnh Vượng (Nguyên Bình), khoảng hơn 70 tuổi kể ngay câu chuyện trống của chúa Quang Thạc lăn xuống đèo Tổng Lằn với nhiều chi tiết hấp dẫn, ly kỳ..., rồi khi đến xã Mai Long (Nguyên Bình) đều là xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ít người, nơi có cánh đồng Phiêng Pha, cũng có người khoảng 70 tuổi đọc ngay bài thơ bằng tiếng Tày được gọi là “Cẩu pú cheng vùa”, hay “Cẩu pú cheng tài” (tức chín chúa tranh vua hay chín chúa tranh tài): Thuổn cẩu pú hoái đai tằng cẩu/Tại các pú chiết lẩu, mê slao/Dẳng mắc poóng tài cao Thục Đế/Tài giỏi nhằng slua kế mẻ nhình... Nghĩa là cả chín chúa thất bại hết cả chín, vì các chúa thích rượu, mê gái, nên bị mắc mưu vua Thục Phán, các chúa tài giỏi nhưng vẫn thua kế của phụ nữ.
Qua việc sưu tầm, khai thác tư liệu tại Hà Nội và một số tỉnh cũng cho thấy: Trong quá trình nghiên cứu, các nhà học giả đều ghi nhận, nước Âu Lạc kế tiếp nước Văn Lang, Thục Phán - An Dương Vương kế ngôi Vua Hùng là sự kiện, nhân vật lịch sử có thật. Sau khi Thục Phán được vua Hùng nhường ngôi, Thục Phán đã sáp nhập hai vùng lãnh thổ Tây Âu và Lạc Việt thành lập nước Âu Lạc, hiệu là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Hiện nay ở đền Hùng còn có di tích ghi lại sự kiện này, đó là “hòn đá thề” ghi dấu tích về Thục Phán sau khi được vua Hùng truyền ngôi, Thục Phán - An Dương Vương cảm kích việc nhường ngôi của Hùng Duệ Vương, được ghi trong cuốn sách: Đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2013 cho biết: Thục Phán - An Dương Vương thấy vua Hùng Duệ Vương có “công đức lớn như trời đất, bèn cử giá đến núi Nghĩa Lĩnh lập đền đài lấy nơi thờ tự của nước, dựng hai cột đá thề ở giữa núi, chỉ gươm lên trời mà khấn rằng: Nguyện có trời cao lồng lộng soi xét không bao giờ sai, nước Nam sẽ trường tồn, miếu thờ Hùng Vương sẽ còn mãi, nếu về sau các Vua kế vị mà trái ước bội thề, thì búa giăng, rìu gió sẽ trừng phạt để không phụ lời thề của người đời trước”. An Dương Vương đã thề: “Noi gương các vua Hùng quyết giữ vững cơ đồ Hùng - Thục”.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng (Phú Thọ). Ảnh Thế Vĩnh
Các nguồn tư liệu cho biết có lẽ chính vì sự kiện Thục Phán - An Dương Vương từ Cao Bằng về nối ngôi vua Hùng, mà khi lễ giỗ tổ các vua Hùng được triều đình nhà Nguyễn chọn ngày để làm quốc lễ, và nhất trí tổ chức vào ngày 10 tháng 3 hằng năm, Cao Bằng là một trong ít tỉnh được mời về dự lễ giỗ tổ năm 1921. Theo báo Thực nghiệp dân báo, số ra ngày 18/4/1921, cho biết “Theo bia Hùng Vương tử khảo tại đền thượng do Tham tri, Hữu Tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn biên soạn, cho biết: “Năm Khải định thứ hai, tức năm 1917 dương lịch, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ lễ ấn định lấy ngày mùng 10 tháng 3 hằng năm làm ngày Quốc tế”… tức ngày giỗ cấp quốc gia, và báo Thực Nghiệp dân báo cho biết rõ thêm, tại lễ “Giỗ tổ ngày 10/3/1921, đúng ngày Chủ nhật, triều đình có Thượng thư Phạm Văn Thụ, quan tỉnh có Từ Đạm tỉnh Ninh Bình, Vi Văn Định tỉnh Cao Bằng, Bùi Bành tỉnh Bắc Giang; Báo chí có ông Nguyễn Văn Vĩnh, báo Trung Bắc Tân văn, ông Bùi Huy Tín, Thực Nghiệp dân báo”…
Cũng tại Đền Hùng, Phú Thọ: “Nhiều tư liệu liên quan đến bia trên Đền Hùng và tên đất xung quanh Đền Hùng (Phú Thọ), tên đất ở vùng Cổ Loa (Hà Nội, Bắc Ninh) đã nói lên rằng, cư dân nói ngôn ngữ Tày - Thái (trong đó có người Nùng...) đã có mặt và góp công sức đầu tiên trong việc dựng nước”. Xung quanh Đền Hùng, có nhiều địa danh gắn liền với từ “Nà” - tiếng dân tộc Tày, Nùng dùng để gọi khu đất làm ruộng của mình. Bia ở chùa trên Đền Hùng có tới 50% địa danh được ghi bắt đầu là “Nà”: Nà Lao, Nà Hưu, Nà Đầu, Nà Hoang…, “Nà” theo ngôn ngữ Tày, Nùng nghĩa là “ruộng”, được sử dụng để đặt tên cho nhiều vùng đất, nơi mà đồng bào Tày, Nùng cư trú xưa nay.
Tại Nghệ An, trong Lý lịch Đền thờ Thục An Dương Vương (Diễn An - Diễn Châu - Nghệ An) được ghi rõ: “Theo tư liệu lịch sử và truyền thuyết, Thục Phán là thủ lĩnh của một liên minh bộ lạc người Tây Âu ở phía Bắc nước Văn Lang. Liên minh bộ lạc đó là “Nước” Nam Cương, gồm 10 xứ mường (9 mường của chín chúa và một mường trung tâm của Thục Phán) tức 10 bộ lạc hợp thành, với địa bàn cư trú gồm vùng Quảng Tây, Cao Bằng và có thể rộng hơn cả vùng rừng núi phía Bắc Bắc Bộ mà trung tâm là Cao Bằng”.
Qua nhiều nguồn tư liệu và những thư tịch và tư liệu, truyền thuyết trên, các nhà khoa học và nhiều địa phương khẳng định: Thục Phán là người Tày cổ, là thủ lĩnh liên minh Bộ lạc Tây Âu mà trung tâm là Cao Bằng. Điều đó còn được minh chứng là: Đến nay những tập tục, truyền thuyết dân gian tại Cổ Loa và vùng xung quanh cũng phù hợp với cách lý giải về nguồn gốc Thục Phán - An Dương Vương là người Tày cổ giống như truyền thuyết “Chín chúa tranh vua”, và “Trong tâm thức dân gian vùng Cổ Loa luôn ghi nhớ nguồn gốc “người thượng du, một tù trưởng miền núi” của Thục Phán. Thậm chí còn nói rõ quê gốc của Thục Phán - An Dương Vương là Cao Bằng”.
Cùng với những tư liệu đó, tại Cao Bằng còn phát hiện và thu được gần 40 mũi tên đồng xung quanh vùng kinh đô Nam Bình, các mũi tên đều giống như hàng vạn mũi tên đồng được phát hiện ở kinh đô Cổ Loa, cho đến nay cũng chỉ có Cao Bằng và Hà Nội là hai địa phương phát hiện được mũi tên đồng của Thục Phán - An Dương Vương.
Qua các tài liệu, tư liệu đã cho biết Thục Phán từ Cao Bằng về kế ngôi vua Hùng là sự kiện lịch sử có thật, và đó là quá trình phát triển hợp lý, liên tục, có tính kế thừa. Điều đó góp phần làm sáng tỏ và khẳng định giả thuyết: Thục Phán có nguồn gốc ở Cao Bằng đã đóng đô ở Cao Bình và có công lớn đối với việc thành lập nước Âu Lạc, đóng góp vào quá trình dựng nước và giữ nước trong giai đoạn đầu tiên của lịch sử nước ta.
Nước Âu Lạc ra đời là một bước phát triển mới trong tiến trình lịch sử Việt Nam.
Hồng Viễn
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/thuc-phan-an-duong-vuong-qua-tai-lieu-dien-da-tai-cao-bang-va-mot-so-dia-phuong-3176325.html