Thuế đối ứng với Mỹ: Động lực để tái cơ cấu nền kinh tế

Thuế đối ứng với Mỹ: Động lực để tái cơ cấu nền kinh tế
9 giờ trướcBài gốc
Chính sách thuế đối ứng của Mỹ đặt ra không ít thách thức, nhưng đây là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững. Ảnh: Quang Vinh.
Nhìn nhận rõ thách thức và cơ hội
Mới đây, thông tin với báo giới, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, thuế nhập khẩu ở mức cao sẽ có hiệu lực trở lại từ ngày 1/8. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang thiết lập các mức thuế và đàm phán thỏa thuận thương mại.
Trước đó, đầu tháng 4, ông Trump công bố áp thuế đối ứng với toàn bộ đối tác thương mại, từ 10-50%. Đến nay, qua các phiên đàm phán, nhiều quốc gia đã chốt được khung thuế sơ bộ. Với Việt Nam, thông tin ban đầu, Mỹ sẽ áp thuế 20% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam và 40% đối với hàng hóa trung chuyển (transshipping); trong khi đó Việt Nam sẽ cắt giảm toàn bộ thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Mỹ xuống 0%.
Giới chuyên gia nhận định, chính sách thuế đối ứng đặt ra không ít thách thức, nhưng đây lại là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường và nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài.
Theo đó, các doanh nghiệp (DN) cần phân tích tình hình cụ thể, có chiến lược thích ứng với từng mặt hàng.
Việt Nam có lợi thế cạnh tranh riêng ở nhiều mặt hàng như da giày, thủy sản, nông lâm sản… Nếu được định vị đúng đắn, khai thác tốt lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh thì hàng hóa Việt vẫn có chỗ đứng. Cũng trong thời gian này nhiều DN đã chuyển từ đối phó sang thích nghi.
Nói về ngành rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết ,việc áp thuế 20% không gây tác động quá lớn. Cơ hội giữ vững thị phần của hàng Việt tại Mỹ vẫn rất lớn nếu chúng ta đảm bảo được chất lượng. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang là thị trường quan trọng cho nông sản Mỹ, đặc biệt là trái cây, với kim ngạch nhập khẩu gần gấp đôi lượng xuất khẩu.
Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) chia sẻ, theo chính sách thuế quan như Mỹ công bố, DN chủ động nguồn nguyên liệu sẽ có lợi thế. Theo ông Tùng, hiện nay DN như TCM mới nhận được thông tin Mỹ dự kiến áp thuế 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam và áp thuế 40% với hàng hóa trung chuyển từ Việt Nam, chưa có thông tin cụ thể đối với hàng hóa sản phẩm dệt may. Với mức thuế này, TCM nhận thấy đây là thông tin tốt cho ngành dệt may, nằm trong dự báo của ngành.
Còn ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HaWa) thì cho rằng, mức thuế 20% tốt hơn rất nhiều so với mức thuế đối ứng 46% từng được đề xuất trước đó.
Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng: Thỏa thuận thuế quan với Mỹ là tín hiệu rất tích cực. Dù các mức thuế vẫn chưa được thống nhất hoàn toàn, dự kiến sẽ chỉ xoay quanh mốc 20%, song ông Hưng khẳng định, đây không phải là một con số đáng lo.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý, đây mới chỉ là một thỏa thuận sơ bộ, chưa có tính cam kết cuối cùng. Cột mốc ngày 9/7, hạn chót để hoàn tất toàn bộ nội dung đàm phán là thời điểm quan trọng. Nếu các điều khoản không được chốt trước mốc này, mức thuế 10% đang tạm áp dụng có thể tiếp tục được kéo dài thêm.
Một điểm then chốt khác trong đàm phán là tiêu chí quy tắc xuất xứ. “Chỉ khi DN chứng minh được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì mới có thể hưởng ưu đãi thực sự. Điều này đặc biệt quan trọng với những ngành như dệt may, điện tử, đồ gỗ, vốn đang phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc” - ông Hưng khuyến cáo.
Cơ hội giữ vững thị phần của hàng Việt tại Mỹ vẫn rất lớn nếu chúng ta đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng, xuất xứ. (Trong ảnh: Tôm chế biến xuất khẩu). Ảnh: Quang Vinh.
Vốn FDI thực hiện cao nhất cùng kỳ 5 năm
Theo số liệu Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tính đến ngày 30/6, vốn FDI thực hiện ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% và là con số cao nhất của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2021-2025.
Đáng chú ý, vốn đầu tư điều chỉnh tăng gấp 2,2 lần và vốn góp, mua cổ phần tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng trong tháng 6, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất trong 6 tháng qua với 439 dự án cấp mới, 152 lượt điều chỉnh vốn và 350 lượt vốn góp, mua cổ phần. Các đối tác đầu tư lớn nhất vẫn là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á.
Tăng tỷ lệ nội địa hóa để nâng sức cạnh tranh
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tập trung thực hiện chủ động, linh hoạt các giải pháp thích ứng với chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Coi đây là cơ hội tái cơ cấu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, nhanh, bền vững, tuần hoàn; nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Cộng đồng DN cũng kỳ vọng, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ ngày càng ổn định, bền chặt. Điều đó mang lại môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu rủi ro chính sách, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động như hiện nay.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nêu quan điểm, song song với thỏa thuận thương mại, kỳ vọng về việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ mang lại một làn gió tích cực cho giới đầu tư.
Theo chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, nếu được công nhận, Việt Nam sẽ giảm đáng kể nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là những vụ kiện chống bán phá giá vốn thường xuyên xảy ra với ngành thép, dệt may và thủy sản...
Còn theo nhận định của ông Phạm Lưu Hưng, vấn đề lớn không nằm ở con số thuế là bao nhiêu phần trăm, mà là việc Việt Nam đã kiểm soát tốt rủi ro chính sách và thiết lập được niềm tin dài hạn đối với dòng vốn nước ngoài.
Theo báo cáo Maybank Research, mức thuế 20% là đáng kể, nhưng vẫn trong khả năng kiểm soát của phần lớn DN xuất khẩu, đặc biệt là các ngành có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Cụ thể, ngành nông nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa khoảng 65%, điện tử 50% và dệt may 45%. Nhiều DN đã chủ động chuẩn bị bằng cách đàm phán lại với đối tác Mỹ, chia sẻ chi phí, điều chỉnh giá bán, thậm chí chuyển hướng thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Mỹ.
GS.TS Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân) từng có phân tích, cấu trúc nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu gia công, đặc biệt là khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Do đó, nền kinh tế cần nhanh chóng chuyển dịch sang dựa vào khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
GS.TS Tô Trung Thành cho rằng, cần cải cách thể chế để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Ngoài ra, việc tạo dựng một môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, bình đẳng sẽ là yếu tố nền tảng để DN nội địa phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Cần thúc đẩy nội địa hóa sản phẩm trong khu vực FDI, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và đầu tư vào các ngành công nghiệp chiến lược từ đó tạo sức bật mới cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới” - GS.TS Tô Trung Thành đề xuất.
Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê: Mục tiêu tăng trưởng trên 8% là một thách thức
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó nền kinh tế chịu tác động mạnh từ các yếu tố bất ổn chính trị, thiên tai, dịch bệnh, giá cả hàng hóa thế giới. Mục tiêu tăng trưởng trên 8% cho cả năm 2025 là thách thức lớn. Cơ quan thống kê khuyến nghị một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, nâng cao khả năng thích ứng và sức cạnh tranh...
H.Hương – P.Vân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/thue-doi-ung-voi-my-dong-luc-de-tai-co-cau-nen-kinh-te-10309804.html