Container hàng hóa tại Cảng Oakland, California, Mỹ.
Các chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump đặt mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, nâng mức thuế tối đa lên hơn 50% đối với hàng nhập khẩu từ một số quốc gia. Mức thuế chung 10% sẽ có hiệu lực vào ngày 5/4, trong khi "thuế đối ứng" đối với các quốc gia cụ thể sẽ bắt đầu vào ngày 9/4.
Phản ứng trước sự đảo ngược chính sách đối ngoại và thương mại kéo dài hàng thập niên của Mỹ diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, với việc các thị trường chứng khoán châu Á lao dốc vào ngày 3/4.
Trung Quốc bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi mức thuế quan mới, khiến tổng mức thuế đánh vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên tới hơn 50%. Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Washington "hủy bỏ ngay lập tức" các mức thuế quan, cảnh báo rằng chúng "gây nguy hiểm cho sự phát triển kinh tế toàn cầu" và sẽ gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ cũng như chuỗi cung ứng quốc tế.
Ông Vương Văn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã quen với mức thuế quan của Mỹ trong 7 năm qua. Và mức thuế quan mới này không thể làm giảm khối lượng thương mại song phương Mỹ - Trung cũng như thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ vì hầu hết người dân Trung Quốc tin rằng cuộc chiến thuế quan của Mỹ chống lại Trung Quốc là không hiệu quả.
Ông Vương Văn dự đoán, các biện pháp đối phó mà Trung Quốc có thể sử dụng bao gồm thuế quan đáp trả, phá giá đồng tiền của Trung Quốc và hạn chế hơn nữa việc xuất khẩu một số loại đất hiếm sang Mỹ.
Trong khi đó đối với Anh, Tổng thống Donald Trump đã đánh thuế với mức 10%. Phố Downing (nơi đã dự kiến mức thuế 20% sẽ được áp dụng) đã bày tỏ sự nhẹ nhõm khi thoát khỏi mức thuế cao hơn. Cách tiếp cận hòa giải hơn của Thủ tướng Keir Starmer đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như đã mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng của Anh có khả năng bị hạ cấp do hậu quả này và mức thuế có thể khiến hàng nghìn việc làm mất đi và buộc chính phủ phải thực hiện thêm các biện pháp cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế vào mùa thu.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-Soo đã tuyên bố sẽ có phản ứng "toàn diện" khi nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đang chao đảo vì mức thuế 25% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ. Theo hãng thông tấn Yonhap, ông Han đã chỉ thị cho các quan chức cấp cao khẩn trương giải quyết cuộc khủng hoảng trong cuộc họp khẩn cấp của lực lượng đặc nhiệm chiến lược kinh tế và an ninh.
"Vì tình hình rất nghiêm trọng khi thực tế của một cuộc chiến thuế quan toàn cầu đang đến gần, Chính phủ Hàn Quốc phải huy động mọi khả năng có thể để vượt qua cuộc khủng hoảng thương mại này" - ông Han Duck-Soo nói.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shigeru Ishiba cho biết: "Nhật Bản là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Mỹ, vì vậy chúng tôi tự hỏi liệu Washington có nên áp dụng thuế quan thống nhất cho tất cả các quốc gia hay không".
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yoji Muto mô tả mức thuế quan mới là "cực kỳ đáng tiếc" và cho biết, Tokyo vẫn đang cố gắng thuyết phục chính quyền Tổng thống Trump suy nghĩ lại. "Tôi đã truyền đạt rằng các biện pháp thuế quan đơn phương do Mỹ áp dụng là cực kỳ đáng tiếc và tôi một lần nữa kêu gọi Washington không áp dụng đối với Nhật Bản" - Bộ trưởng Muto nói với các phóng viên.
Đối với mức thuế 26% cho hàng hóa của Ấn Độ nhập khẩu vào Mỹ, Tổng thống Donald Trump cho biết, đây là “mức thuế đối ứng đã được giảm giá" so với mức thuế 52% mà Ấn Độ đang áp dụng.
Một quan chức cấp cao của Chính phủ Ấn Độ cho biết, Bộ Thương mại nước này đang phân tích tác động của mức thuế và cho rằng, đây là một sự kết hợp chứ không phải là một trở ngại đối với Ấn Độ.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ hiện ở mức 46 tỷ USD và Tổng thống Trump đã nói rõ rằng, các mức thuế này sẽ vẫn được duy trì cho đến khi "mối đe dọa" này được giải quyết.
Trong khi đó tại Australia, Thủ tướng Anthony Albanese cho biết, mặc dù "không ai có được thỏa thuận tốt hơn" Australia, nhưng chế độ thuế quan mới là hành động thù địch đối với một đồng minh.
Australia thoát khỏi chế độ thuế quan mới của Tổng thống Mỹ một cách nhẹ nhàng (chỉ phải chịu mức thuế chung 10%) nhưng Thủ tướng Albanese vẫn chỉ trích động thái này và cho rằng, mức thuế 10% mà Mỹ áp đặt với Australia là không có cơ sở logic và đi ngược lại cơ sở quan hệ đối tác giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, Thủ tướng Albanese cho biết, chính phủ của ông sẽ không áp dụng thuế quan trả đũa đối với Mỹ (hiện ở mức 0 theo cả hai hướng) và cho rằng, cuối cùng, người dân Mỹ sẽ phải chịu gánh nặng thuế quan của Tổng thống Trump.
Tại Đông Nam Á, Chính phủ Thái Lan cho biết, các khoản thuế mới "chắc chắn sẽ tác động đến tất cả các đối tác thương mại, đặc biệt là tác động đến sức mua của người tiêu dùng Mỹ, những người có thể không thể hấp thụ được mức tăng giá nhanh chóng". Chính phủ Thái Lan đã bày tỏ sự sẵn sàng tham gia đối thoại với Mỹ sớm nhất có thể để đạt được cán cân thương mại công bằng, giảm thiểu sự gián đoạn cho cả hai nền kinh tế.
Canada và Mexico là 2 đối tác quan trọng của Mỹ tránh được mức thuế mới lần này nhưng vẫn phải đối mặt với các mức thuế đã được Mỹ công bố trước đó đối với thép, nhôm, cũng như ô tô. Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết, ông sẽ chống lại các mức thuế này bằng các biện pháp đối phó và xây dựng nền kinh tế mạnh nhất trong khối G7. Trong khi đó, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết, nước này sẽ không theo đuổi mức thuế trả đũa mà sẽ công bố chương trình toàn diện.
Hà Anh