Thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia nên thực hiện sau năm 2026

Thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia nên thực hiện sau năm 2026
7 giờ trướcBài gốc
Ngày 22-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) họp phiên toàn thể tại hội trường Quốc hội để nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi với bố cục gồm 4 chương với 12 điều, quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế và giảm thuế TTĐB.
Phát biểu ý kiến tham luận cho dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, trong 2 phương án được đưa ra về việc áp dụng tính thuế TTĐB đối với rượu, bia nếu áp dụng tính thuế theo phương án 1 thì chỉ nên đánh thuế từ sau năm 2026.
Theo ông Hiếu, trong những năm tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi nếu áp dụng thuế TTĐB nói trên ngay trước năm 2026 thì sẽ không hợp lý.
Thêm vào đó, nếu áp dụng ngay thuế TTĐB thì doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất rượu, bia sẽ chưa kịp xây dựng lộ trình phù hợp để thích ứng trong bối cảnh đã khó khăn sẵn. Do đó, sẽ dễ dẫn đến việc doanh nghiệp suy thoái dần dần. Vì vậy ông Hiếu cho rằng nên giãn việc áp dụng thuế TTĐB đến ít nhất là từ năm 2027.
ĐBQH Phan Đức Hiếu
Trước đó, trình bày Tờ trình của Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước (NSNN).
Phát biểu sau khi thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, cho biết một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB vì nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra bệnh thừa cân béo phì.
Do đó, việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế TTĐB không chỉ tác động không thuận tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất nước giải khát mà còn có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời, có thể gia tăng việc sử dụng các mặt hàng đồ uống được sản xuất không chính thức hoặc các sản phẩm sản xuất thủ công.
Ông Mạnh cũng cho rằng, việc tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia theo lộ trình, một số ý kiến đề nghị cân nhắc tính toán, đề xuất mức tăng hợp lý để có thể đạt được các mục tiêu đặt ra.
Ông Mạnh cho biết có ý kiến cho rằng, việc quy định thuế suất đối với bia bằng thuế suất đối với rượu trên 20 độ là chưa thực sự phù hợp vì tác hại của rượu hay bia phụ thuộc chính vào nồng độ cồn.
Lưu Thủy
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/thue-tieu-thu-dac-biet-voi-ruou-bia-nen-thuc-hien-sau-nam-2026-post118581.html