Từ chiến trường ác liệt đến ngọn lửa sống vì cộng đồng
Sinh năm 1945, tại Khu 1, thị trấn Đông Triều (nay là phường Đông Triều), năm 1966, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Trần Công Tính tình nguyện nhập ngũ, vào Nam chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 308. Ông tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Quảng Trị. Trong một trận chiến khốc liệt, ông bị mảnh pháo ghăm vào đầu, được đồng đội đưa về tuyến sau cứu chữa. Sau khi hồi phục, ông trở lại đơn vị, tiếp tục chiến đấu bên đồng đội.
Đến năm 1973, vết thương tái phát khiến sức khỏe suy yếu, ông phục viên về quê, hưởng chế độ thương binh hạng 3/4. Trở về đời thường, với phẩm chất được rèn luyện qua chiến đấu, ông nhanh chóng được địa phương tín nhiệm. Năm 1974, ông được cử làm Thị đội trưởng thị trấn Đông Triều; giai đoạn 1976 - 1989 ông là Đảng ủy viên Đảng bộ thị trấn, Bí thư Chi bộ khu phố 1, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Đông Triều.
Ông Trần Công Tính và vợ (đều là cựu bộ đội) bày mâm cơm thắp hương, tri ân đồng đội mỗi dịp 27/7. Ảnh: Cao Đông
Từ năm 2008 đến nay, ông giữ vai trò Chi hội trưởng Người cao tuổi khu phố 1. Ở cương vị nào, ông cũng toàn tâm, toàn ý với công việc, được bà con tín nhiệm, yêu mến. Thời kỳ làm Bí thư Chi bộ, ông cùng chi ủy lãnh đạo xây dựng khu phố 1 đạt danh hiệu khu phố văn hóa cấp huyện.
Mới đây, hưởng ứng phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, dưới sự dẫn dắt của ông, chi hội Người cao tuổi khu phố 1 triển khai nhiều hoạt động thiết thực: Cụ Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Mạnh Dục (trên 80 tuổi) tự nguyện hiến gần 30m2 đất làm đường dân sinh; vợ chồng ông Tính cùng ông Đoàn Ngọc Liễn ủng hộ quỹ khuyến học 5 triệu đồng... góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.
Ngọn lửa vẫn sáng ở tuổi 79
Không chỉ gắn bó với công tác hội, thương binh Trần Công Tính còn chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cho người cao tuổi. Ông cùng chi hội thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, dưỡng sinh, giúp hội viên rèn luyện sức khỏe, giao lưu, gắn kết. Bản thân ông là thành viên Câu lạc bộ Thơ Bích Động, có nhiều tác phẩm được đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương.
Không chỉ tận tâm với việc nước, trong đời sống gia đình, ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Tròn (cũng là bộ đội phục viên, hưởng chế độ da cam) đã nuôi dạy hai con gái trưởng thành, đều trở thành cán bộ công chức nhà nước. Cả hai người con đều lập gia đình với những người chồng đang công tác trong quân đội, tiếp nối truyền thống gắn bó với màu áo lính của gia đình.
Chia sẻ về động lực cống hiến, ông Tính tâm sự: “Trải qua các trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tôi càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do. Nhiều đồng đội đã hy sinh, mình may mắn trở về thì càng phải đóng góp sức lực, trí tuệ cho đất nước. Khi nào còn sức khỏe, tôi còn tham gia công việc xã hội”.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Đông Triều, nhận xét: “Thương binh Trần Công Tính dù tuổi cao nhưng vẫn nhiệt tình, trách nhiệm, có nhiều đóng góp cho địa phương, được bà con mến phục. Ông là tấm gương sáng trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Với những đóng góp bền bỉ, ông Trần Công Tính đã nhận nhiều Giấy khen, Bằng khen, kỷ niệm chương của Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 2023, ông và vợ được trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, tiếp tục là điểm tựa tinh thần, tấm gương nêu gương sáng giữa đời thường.
Cao Đông