Thủy sản xuất khẩu: Tìm cách vượt khó

Thủy sản xuất khẩu: Tìm cách vượt khó
7 giờ trướcBài gốc
Xuất khẩu thủy sản đối diện nhiều khó khăn từ tăng thuế cũng như các rào cản thương mại. Ảnh: Quang Vinh.
Khó khăn bủa vây
Theo Vasep xuất khẩu thủy sản Việt Nam phục hồi ấn tượng trong quý I/2025, với kim ngạch đạt 2,45 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 3/2025, giá trị xuất khẩu đạt gần 889 triệu USD, tăng gần 20%, cho thấy đà tăng trưởng vẫn được duy trì dù có dấu hiệu chững lại so với 2 tháng đầu năm. Trong đó, tôm và cá tra là hai động lực tăng trưởng chính.
Theo Vasep, tôm các loại tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch 931,6 triệu USD trong quý I, tăng 35,7%, trong đó tháng 3 đạt 327 triệu USD (tăng 20,4%). Lý giải sự tăng trưởng vượt bậc này, theo Vasep nguyên nhân do nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường lớn như Trung Quốc (sau Tết Nguyên đán), Hoa Kỳ và EU, nơi các hiệp định thương mại như EVFTA đang phát huy hiệu quả.
Cá tra cũng đóng góp 465 triệu USD trong quý I (tăng 13%) và 181 triệu USD trong tháng 3 (tăng 16,1%). Giá nguyên liệu ổn định cùng chiến lược đẩy mạnh sản phẩm giá trị gia tăng đã giúp hai mặt hàng này duy trì vị thế dẫn đầu.
Trái ngược với bức tranh chung, cá ngừ là nhóm sản phẩm duy nhất ghi nhận kim ngạch giảm trong tháng 3, đạt 83,3 triệu USD (giảm 0,7%), dù quý I vẫn tăng nhẹ 3,6% (222,7 triệu USD). Nguyên nhân chính là áp lực từ quy định IUU, trong đó quy định kích thước cá ngừ tối thiểu 0,5m đã khiến cho nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu bị thắt chặt.
Chia sẻ về những khó khăn của ngành thủy sản, đặc biệt tại thị trường Hoa Kỳ, theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Vasep, Đạo luật Bảo vệ Động vật có vú ở Biển (MMPA) của Hoa Kỳ – thị trường lớn nhất của cá ngừ Việt Nam là một thách thức đối với ngành cá ngừ. “Nếu không nhanh chóng có giải pháp khắc phục, cá ngừ Việt Nam có nguy cơ mất thị phần tại Mỹ, đồng thời tác động domino lên các sản phẩm khai thác khác như mực, bạch tuộc. Các rào cản thương mại như MMPA, thẻ vàng IUU từ EU và việc tăng thuế quan từ Hoa Kỳ dưới chính quyền mới là những khó khăn, thách thức mà ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục phải đối mặt” - bà Lê Hằng nhận định.
Dẫn chứng, đại diện Vasep cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 tỷ USD đến 2,1 tỷ USD mỗi năm, trong đó, tôm và cá tra là chủ lực, vì vậy việc Mỹ áp mức thuế 46% sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Nâng cao năng lực chủ động hội nhập
Đề cập về những phương án hóa giải khó khăn từ các rào cản thương mại cũng như việc áp thuế cao từ thị trường Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, để xuất khẩu được vào Mỹ, thời gian qua, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều rào cản, như thuế chống bán phá giá, hay các tiêu chuẩn về chất lượng… nhưng chúng ta đều vượt qua.
“Với mức thuế 46% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, nông sản nói chung và thủy sản nói riêng của Việt Nam được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Thời gian tới, chúng ta vẫn tiếp tục phải có ý kiến với phía Mỹ về mức thuế trên, bởi Mỹ và Việt Nam hiện là đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên bên cạnh đó chúng ta cần chủ động nâng cao năng lực để hội nhập” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đồng thời nêu rõ, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Mỹ chiếm tỷ trọng lớn, bên cạnh các thị trường như châu Âu hay Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta cần xem lại cơ cấu từng ngành hàng. Đơn cử với ngành tôm, chúng ta cần làm mới động lực của ngành này, từ đó có thể cạnh tranh được với tôm của Ấn Độ và Ecuador. Với ngành cá tra cần chú ý các khâu kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu.
“Mỗi đối tượng đều có điểm nghẽn riêng, cần phải khơi thông. Trong đó, phải nâng cao năng lực và chủ động hội nhập. Đồng thời năng cao sản lượng, từ đó đóng góp vào mục tiêu xuất khẩu 65 tỷ USD của năm nay và các năm tiếp theo” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Đối với vấn đề hải sản Việt Nam có nguy cơ bị cấm nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, ông Tiến cho biết, phía Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam khẩn trương bổ sung bằng chứng và tiến độ thực hiện quản lý đối với thủy sản đánh bắt trên cơ sở bảo đảm tương thích với quy định của Hoa Kỳ trước tháng 4/2025. Sau đó, Hoa Kỳ sẽ đưa ra kết luận cuối cùng vào ngày 30/11/2025. Nếu Hoa Kỳ tiếp tục giữ nguyên kết luận như phán quyết sơ bộ, các loại thủy sản đánh bắt có nguồn gốc từ 12 nghề khai thác hải sản không được công nhận tương thích sẽ bị cấm xuất khẩu sang Hoa Kỳ kể từ năm 2026.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã có những bước chuẩn bị triển khai một số giải pháp trong việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hệ thống quy định bảo vệ thú biển, đồng thời triển khai thu thập và cung cấp đầy đủ bằng chứng về tiến độ thực hiện các biện pháp quản lý để đáp ứng yêu cầu của NOAA (yêu cầu về kích thước cá ngừ). Bảo đảm có thể đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ, không ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Khanh Lê
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/thuy-san-xuat-khau-tim-cach-vuot-kho-10303029.html