Tiêm kích Su-57 bị nghi ngờ về khả năng tàng hình khi lộ tên lửa bên ngoài

Tiêm kích Su-57 bị nghi ngờ về khả năng tàng hình khi lộ tên lửa bên ngoài
5 giờ trướcBài gốc
Cấu hình kỳ lạ này đã làm dấy lên nhiều thắc mắc về việc vận hành Su-57, vì loại máy bay này được thiết kế để giảm diện tích phản xạ radar, từ đó tăng khả năng sống sót. Tuy nhiên, việc mang tên lửa bên ngoài lại làm tăng diện tích phản xạ, khiến nó giống với các máy bay thế hệ thứ tư không có tính năng tàng hình.
Su-57 được phát hiện treo hai tên lửa bên ngoài khoang khiến khả năng tàng hàng của nó bị đặt dấu hỏi
Mặc dù điều này làm mất đi một lợi thế quan trọng của Su-57 so với các máy bay thế hệ trước như Su-30 và Su-35, nhưng Su-57 vẫn có nhiều ưu điểm vượt trội về tầm bay, cảm biến mạnh, hệ thống điện tử hiện đại và khả năng bay tốt hơn.
Điều này giúp Su-57 trở thành một chiến đấu cơ đáng gờm ngay cả khi không cần tính năng tàng hình.
Một lý do hợp lý để giải thích việc Su-57 mang tên lửa Kh-59 bên ngoài là Không quân Nga muốn tận dụng tối đa tiêm kích này trong các hoạt động chiến đấu.
Điều này giúp các phi công và nhân viên kỹ thuật nhanh chóng tích lũy kinh nghiệm, đặc biệt khi số lượng Su-57 được bàn giao tăng nhanh. Năm 2023, Nga đã nhận 12 chiếc Su-57 và dự kiến sẽ có 20 chiếc vào cuối năm nay.
Các tên lửa như Kh-59MK2, phù hợp để mang trong khoang vũ khí của Su-57 có giá thành cao hơn nhiều so với các tên lửa hành trình đời cũ.
Trong bối cảnh mối đe dọa đối với máy bay Nga không quá lớn tại chiến trường Ukraine, việc sử dụng tên lửa đời cũ với chi phí thấp giúp Su-57 duy trì tần suất hoạt động cao mà không tốn kém.
Việc sử dụng tên lửa đời cũ cũng giúp tiết kiệm nguồn cung tên lửa Kh-59MK2, loại tương thích với cấu hình tàng hình của Su-57, để dành cho các cuộc xung đột tiềm tàng với đối thủ mạnh hơn như NATO. Khi số lượng Su-57 tiếp tục tăng nhanh, việc bảo tồn các loại vũ khí tối tân càng trở nên quan trọng.
Su-57 đã từng tham gia vào các khu vực có hệ thống phòng không dày đặc của Ukraine, đáng chú ý nhất là vào tháng 10 khi một chiếc Su-57 bắn hạ máy bay không người lái S-70 của Nga do lỗi kỹ thuật, có nguy cơ rơi vào lãnh thổ do Ukraine hoặc NATO kiểm soát.
Nguyên mẫu tiêm kích Su-57
Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động của Su-57 không diễn ra ở tầm nguy hiểm, do đó việc mất đi khả năng tàng hình không phải là vấn đề lớn. Trong trường hợp này, việc sử dụng tên lửa giá rẻ bên ngoài vẫn là giải pháp kinh tế hơn.
Ngoài ra, có khả năng Su-57 trong đoạn video đang thử nghiệm một cấu hình tải trọng mở rộng, mang tên lửa bên ngoài cùng với các vũ khí trong khoang.
Cấu hình này có thể cho phép Su-57 sử dụng tên lửa bên ngoài để tấn công các mục tiêu ít được bảo vệ, sau đó thả bỏ giá treo để chuyển sang chế độ tàng hình khi cần.
Ngọc An
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/tiem-kich-su-57-bi-nghi-ngo-ve-kha-nang-tang-hinh-khi-lo-ten-lua-ben-ngoai-455812.html