Tiền Giang: 'Ý Đảng hòa lòng dân 'trong xây dựng nông thôn mới

Tiền Giang: 'Ý Đảng hòa lòng dân 'trong xây dựng nông thôn mới
2 giờ trướcBài gốc
Với chủ trương “ý Đảng, lòng dân”, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã khéo léo làm tốt công tác dân vận trong việc khơi sức dân - góp sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong xây dựng NTM. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân Tiền Giang đã chung tay cùng chính quyền đóng góp tiền của, công sức lao động, hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc...
Những con đường rộng rãi, sạch đẹp, những chiếc cầu nông thôn kiên cố… là thành quả của Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Những con đường, chiếc cầu mang đậm dấu ấn từ lòng dân, góp phần tạo thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bằng cách “khéo” huy động sức dân, năm 2022, xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) trở thành xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Điều ấn tượng với nhiều người khi đến Tân Mỹ Chánh đó là nét đẹp nông thôn yên bình, thân thiện, vừa phát triển năng động, hiện đại. Thành quả từ NTM hiển hiện ngay trong diện mạo xóm, ấp và cuộc sống hằng ngày của nhân dân. Theo đó, tỷ lệ hộ khá, giàu trong toàn xã đạt hơn 70%; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 70 triệu đồng/người.
Nhiều năm nay, Tân Mỹ Chánh luôn giữ vững tiêu chí; các hoạt động bảo vệ môi trường được duy trì thường xuyên. Hệ thống bồn hoa, cây cảnh, cây xanh bóng mát ở các tuyến đường trong xã đạt trên 90%, tạo không gian xanh mát, thực sự là miền quê đáng sống. Trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Tân Mỹ Chánh đã huy động nhiều nguồn lực với tổng kinh phí thực hiện gần 102 tỷ đồng; trong đó, nhân dân và doanh nghiệp đóng góp hơn 28 tỷ đồng, chiếm 28%.
Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể xã còn tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, tiếp tục nhân rộng và xây dựng thêm các mô hình sản xuất như: Mô hình sản xuất dưa lưới trồng trong nhà màng có ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tưới tự động, đo độ ẩm, pha phân tự động và ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR trên App VNPTCheck; mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP...
Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có mô hình sản xuất hoa kiểng, trồng dừa Xiêm, nuôi bò sinh sản, bò sữa, nuôi heo đệm lót sinh học, nuôi gà công nghiệp trang trại gia đình, nuôi thỏ, bồ câu, các tổ hợp tác nước sạch nông thôn... Các mô hình sản xuất trên đã đạt hiệu quả kinh tế khá cao và đã được phổ biến nhân rộng trong nhân dân.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Chợ Gạo cũng đã “gặt hái” được thành công trên nhiều lĩnh vực. Bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện, nâng cao.
Về các xã: Long Bình Điền, Bình Ninh, Lương Hòa Lạc... của huyện Chợ Gạo, mọi người sẽ cảm nhận được những đổi thay rõ nét ở các vùng quê nơi đây. Đó là những con đường bê tông trải dài đến tận ngõ xóm, nhà dân.
Những cánh đồng lúa năng suất thấp trước đây, giờ phủ kín màu xanh tươi tốt của cây thanh long, bưởi, dừa…. Nhiều ngôi nhà cao tầng, nhà xây kiên cố của người dân đua nhau mọc lên. Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư khang trang đáp ứng công tác dạy học, khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân.
Thực hiện chủ trương xây dựng NTM, chính quyền đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia, xây dựng cảnh quan khu dân cư; di dời chuồng nuôi gia súc xa nơi ở, xây nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh môi trường; tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường và đem lại hiệu quả kinh tế.
Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và các chương trình, dự án về giảm nghèo đã cấp cây, con giống, máy móc cho người dân; các tổ chức, đoàn thể đã ký kết với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ người dân vay vốn để đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Có được khởi sắc tích cực như ngày hôm nay phần lớn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Nhờ vào sự chung sức, đồng lòng, đến nay huyện Chợ Gạo đã cơ bản hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM nâng cao.
Nhờ khéo huy động sức dân mà khắp các trục đường chính trong xã NTM Điềm Hy (huyện Châu Thành) đều được nâng cấp, mở rộng và kiên cố hóa. Nhân dân tự nguyện hiến đất làm đường, góp công, góp sức hàng chục tỷ đồng. Nhà văn hóa, sân chơi thể thao, hệ thống đèn điện chiếu sáng, nhiều tuyến đường kiểu mẫu được đầu tư nâng cấp, chỉnh trang ở các ấp. Tuyến đường hoa trên địa bàn ấp Hưng với chiều dài trên 3.000 m, là một trong những con đường “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Các con đường trên được người dân tự nguyện hiến đất, di dời công trình kiến trúc, hoa màu… bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công theo đúng tiêu chuẩn thiết kế, để mở rộng đường giao thông nông thôn, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Bà Lê Thị Tuyết (ấp Hưng, xã Điềm Hy) cho biết, gia đình thuộc hộ cận nghèo, nên khi hay tin Nhà nước chuẩn bị mở rộng con đường trước cửa nhà và đất vườn, tôi rất băn khoăn; vì nếu mở rộng đường, tôi phải phá dỡ hàng rào cũng như đốn hàng dừa đang cho trái.
Nhưng sau đó được chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động về chủ trương xây dựng xã NTM rồi xã NTM nâng cao cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, gia đình đã tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất để mở rộng đường giao thông…
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CÓ UY TÍN
Đạt được kết quả trong xây dựng NTM phải kể đến vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên; công tác tuyên truyền của những cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp; sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ các ấp, khu phố trong phong trào hiến đất xây dựng đường, cầu giao thông; đồng thời, chính họ cũng đã tích cực vận động người dân chung tay xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Những con đường rộng rãi, sạch đẹp, những chiếc cầu nông thôn kiên cố… là thành quả của Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Từ đó, những con đường khang trang, sạch đẹp, những chiếc cầu bê tông kiên cố được hình thành, mang đậm dấu ấn tập thể, mang đậm dấu ấn từ sự đồng thuận trong nhân dân, mở ra hướng phát triển mới cho địa phương.
Một trong những người đi đầu hiến đất để làm đường là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Bình Phong (xã Tân Mỹ Chánh) Nguyễn Văn Út. Đồng chí Út cho biết, trước khi triển khai dự án, ấp tổ chức họp dân, sau đó họp đảng viên, đoàn viên, hội viên để quán triệt chủ trương và thành lập tổ vận động, với sự tham gia của các thành phần gồm Mặt trận Tổ quốc xã, Ban Công tác Mặt trận ấp, đoàn thể ấp đến vận động từng nhà. Bên cạnh đó, cán bộ phải nêu gương thực hiện trước.
Cụ thể khi triển khai xây dựng đường huyện 87, gia đình đồng chí Út bị ảnh hưởng khoảng 1.300 m2, nhưng đã làm gương bàn giao mặt bằng trước, từ đó tác động rất lớn đến các hộ khác. Đồng thời, đồng chí cũng tích cực vận động người dân 2 bên đường cùng tham gia hiến đất, vật dụng kiến trúc, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để con đường hoàn thành đúng tiến độ. Theo đồng chí Út, cán bộ, đảng viên phải làm gương thì mới vận động, tuyên truyền được cho người dân.
Nhiều Bí thư chi bộ ấp, Trưởng ban Công tác Mặt trận chia sẻ, trước đây, nhiều con đường nhỏ, hẹp, việc đi lại của học sinh, người dân và vận chuyển hàng hóa gặp không ít khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Bản thân là cán bộ, phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào, tuy mất một phần đất để mở rộng con đường nhưng việc hiến đất làm đường mang lại nhiều ý nghĩa, giúp giao thông thuận tiện là việc nên làm, đó cũng là niềm vui, hạnh phúc của bản thân và gia đình mỗi người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thấm nhuần lời dạy của Người, cả hệ thống chính trị huyện Châu Thành đã kiên trì, nỗ lực vận động nhân dân thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện.
Xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ khó khăn nên bên cạnh việc công khai, minh bạch những thông tin liên quan đến chính sách đền bù, tái định cư thì ngay từ khi triển khai thực hiện dự án, huyện đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan thành lập các tổ, phân công các thành viên đến tận khu dân cư để tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong dân.
Các phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được thực hiện bài bản, đúng quy định hiện hành, không thể vì áp lực tiến độ mà để xảy ra sai sót, hoặc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân trong vùng dự án.
Thành quả lớn nhất của huyện Châu Thành không chỉ là bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch, mà còn không có trường hợp nào phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất. Riêng một số trường hợp vượt thẩm quyền, huyện báo cáo tỉnh chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.
Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự đồng thuận, chia sẻ và cả sự hy sinh của người dân; cùng sự nỗ lực, trách nhiệm và quyết tâm của hệ thống chính trị huyện Châu Thành đối với các công trình trọng điểm.
Những con đường, công trình mang đậm dấu ấn tập thể - đó là kết quả của “Ý Đảng, lòng dân” được phát huy, đem lại niềm vui và tiện ích cho người dân, trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
100% xã đạt chuẩn NTM, 51 xã NTM nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu; 7/8 huyện đạt chuẩn huyện NTM và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, “quả ngọt” này là minh chứng cho sự nỗ lực, trách nhiệm, quyết tâm của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân Tiền Giang.
PHƯƠNG MAI - T.T
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/kinh-te/nong-thon-moi/202410/tien-giang-y-dang-hoa-long-dan-trong-xay-dung-nong-thon-moi-1023248/