Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến cuối tháng 2, tiền gửi cả khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt 14,73 triệu tỷ đồng, tăng 0,75% so với tháng liền trước (khoảng 110.000 tỷ đồng).
Trong đó, tiền gửi của dân cư đã lên gần 7,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,26% so với đầu năm. Riêng trong tháng 2, tiền gửi cư dân đã tăng thêm khoảng 178.000 tỷ đồng. Tiền gửi của doanh nghiệp đạt 7,36 triệu tỷ đồng, giảm 3,98% so với cuối năm 2024. Nếu so sánh với thời điểm cuối tháng 1, tiền gửi doanh nghiệp đã giảm thêm hơn 71.600 tỷ đồng.
(Nguồn: SBV)
Ngoài ra, NHNN cho biết tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 2 đạt gần 18,2 triệu tỷ đồng, tăng 1,35% so với đầu năm.
Trong những tháng đầu năm 2025, tăng trưởng tiền gửi đang chậm hơn so với huy động. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 25/3/2025, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36% (cùng thời điểm năm 2024 giảm 0,76%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,49% (cùng thời điểm năm 2024 tăng 0,26%).
Cập nhật mới nhất, tính đến ngày 18/4, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt gần 16,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4,3% so với cuối năm 2024, tăng hơn 18,2% so với cùng kỳ năm 2024.
(Nguồn: Wichart)
Tính đến cuối tháng 2, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 3,1-4,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 4,8-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9-7,1%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Các chuyên gia VCBS duy trì quan điểm chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng ổn định, cân bằng giữa kiểm soát rủi ro và hỗ trợ tăng trưởng. Trong bối cảnh các nỗ lực đàm phán quốc tế đang được triển khai, Chính phủ cũng sẽ tập trung tăng cường nội lực thông qua đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng và phát triển dịch vụ.
Từ đó, VCBS duy trì quan điểm mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ ổn định trong thời gian tới, trong khi lãi suất cho vay sẽ tiếp tục được giữ ở mức thấp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu từ NHNN, tính đến hết quý I/2025, mặt bằng lãi suất huy động mới gần như không thay đổi chỉ tăng 0,08%, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Minh Nguyệt