Tiền gửi vượt mốc 15 triệu tỷ đồng, kỳ vọng tăng trưởng huy động cao nhất 5 năm

Tiền gửi vượt mốc 15 triệu tỷ đồng, kỳ vọng tăng trưởng huy động cao nhất 5 năm
4 giờ trướcBài gốc
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2025, tổng tiền gửi đạt 15,16 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2024.
Trong đó, tiền gửi từ khu vực dân cư lên tới 7,54 triệu tỷ đồng; còn tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 7,62 triệu tỷ đồng. Như vậy, tính riêng trong tháng 4, tiền gửi từ tổ chức kinh tế tăng thêm gần 105 nghìn tỷ đồng, trong khi khu vực dân cư cũng bổ sung hơn 67 nghìn tỷ đồng.
Về tốc độ tăng trưởng so với cuối năm 2024, tiền gửi từ tổ chức kinh tế giảm nhẹ 0,55%, chủ yếu do mức rút ròng lớn trong 2 tháng đầu năm. Ngược lại, tiền gửi từ dân cư tăng 6,69% trong 4 tháng đầu năm và đánh dấu tháng thứ 15 liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2025 của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước công bố cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng dự báo đến cuối năm 2025, mặt bằng lãi suất sẽ cơ bản ổn định, không thay đổi đáng kể so với cuối năm 2024. Điều này phản ánh nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định tài chính.
Hiện nay, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng đối với các khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng phổ biến ở mức 5 - 6%/năm. Dù lãi suất tiết kiệm không cao, song tiền gửi vẫn là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường đầu tư khác còn nhiều biến động.
Về mặt bằng giá dịch vụ, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm trong quý II/2025, chủ yếu thông qua việc hạ lãi suất biên thay vì cắt giảm phí dịch vụ, đúng với xu hướng đã được dự báo trước đó.
Đáng chú ý, xu hướng giảm nhẹ này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài đến quý III và cuối năm 2025, trái ngược với kỳ vọng tăng nhẹ được ghi nhận trong cuộc điều tra trước đó.
Động lực chính thúc đẩy xu hướng này là sự chủ động của các tổ chức tín dụng trong việc điều chỉnh giảm lãi suất biên nhằm hỗ trợ khách hàng và kích thích nhu cầu tín dụng.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong quý II/2025. Chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 vừa diễn ra, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, mức lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay mới hiện ở mức 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.
Đáng chú ý, các tổ chức tín dụng đã nâng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 lên mức 16,8%, cao hơn đáng kể so với mức tăng thực tế của năm 2024. Tính đến ngày 26/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ năm trước (cuối tháng 6/2024), tín dụng tăng 18,87% và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay.
Tương tự, kỳ vọng về tăng trưởng huy động vốn cũng được điều chỉnh lên 13,9%, mức cao vượt trội so với năm trước. Nếu đạt được thì đây sẽ là tốc độ tăng trưởng huy động vốn theo năm cao nhất trong vòng 5 năm qua./.
Ánh Tuyết
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tien-gui-vuot-moc-15-trieu-ty-dong-ky-vong-tang-truong-huy-dong-cao-nhat-5-nam-179580.html