Ngày 22-7, Báo Thanh Niên tổ chức hội thảo “Giá đất, thuế đất… thế nào cho hợp lý?” với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp.
Hội thảo tổ chức tại TPHCM, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu nêu trường hợp một gia đình ở Hóc Môn, TPHCM có mảnh đất hơn 200m2 do ông bà nội để lại, đến nay vẫn chưa xin cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo bảng giá đất mới hiện nay hơn 11 triệu đồng/m2, để hợp thức hóa được căn nhà trên mảnh đất, xin cấp giấy chứng nhận thì phải đóng gần 1,7 tỷ đồng, ngoài khả năng tài chính của gia đình.
Trong khi đó, một doanh nghiệp thuê 11.000 m2 kho tại quận 4 (cũ) năm 2022, giá 300.000 đồng/m2, tiền thuê trả hàng năm là 3,3 tỷ đồng. Đến năm 2023, TPHCM điều chỉnh hệ số, doanh nghiệp phải trả 7,7 tỷ đồng/năm. Đến tháng 1-2025 thì áp dụng tỷ lệ % trên bảng giá đất mới, doanh nghiệp phải trả hơn 21 tỷ đồng. Theo ông Lê Hoàng Châu, những ví dụ trên cho thấy, giá đất tăng, nghĩa vụ tài chính tăng đang dẫn đến nhiều bất cập trên thị trường với cả doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Nội dung khoản thu bổ sung với doanh nghiệp ở mức 5,4% hoặc 3,6%, ông Lê Hoàng Châu cho rằng không hợp lý, bởi việc ban hành giá đất nhanh hay chậm đều do Nhà nước thực hiện, không phải lỗi doanh nghiệp. Ví dụ, một dự án A đã có quyết định giao đất cách đây 30 năm, năm 2025 mới được tính tiền sử dụng đất là 100 tỷ đồng thì ngoài 100 tỷ đồng mới này doanh nghiệp còn phải nộp tiền bổ sung 162 tỷ đồng. Nếu một dự án B được giao đất 20 năm và năm 2025 cũng được thông báo tiền sử dụng đất 100 tỷ đồng thì tiền thuế phải nộp bổ sung 108 tỷ đồng.
Cũng tại hội thảo, ông Cao Minh Hiếu, Phó Chủ tịch Hội đồng điều hành Tập đoàn Novaland cho biết, tập đoàn này có 13 dự án được giao đất từ 2015-2016 nhưng đến giờ này vẫn chưa có thông báo tiền sử dụng đất từ cơ quan thuế. Có dự án được giao từ năm 2016, khi đó hội đồng thẩm định giá đã nêu 689 tỷ đồng, nhưng khi trình ra UBND TPHCM thì lại gặp vấn đề xác định nguồn gốc đất, đến nay chưa nộp được. “Nếu bị thu bổ sung 5,4%, thì 10 năm phải thêm hơn 300 tỷ đồng”, ông Hiếu nói.
Theo ông Cao Minh Hiếu, khi chưa đóng tiền sử dụng đất, đồng nghĩa dự án chưa được cấp sổ, khiến khách hàng mất niềm tin, uy tín thương hiệu bị ảnh hưởng nặng nề. Dự án “đứng hình” thì không huy động được vốn, dòng tiền không chạy, khó khăn dồn về. Với các chủ đầu tư lớn còn lấy dự án này bù qua dự án khác, còn chủ đầu tư nhỏ ít dự án mà bị như vậy chỉ có phá sản.
Cũng vì chưa có sổ, nên chủ đầu tư còn phải hỗ trợ phí quản lý hàng năm khoảng 30 tỷ đồng, nhân với hơn 10 dự án là số tiền rất lớn. Theo ông, dù không có quy định nhưng các chủ đầu tư đều sẽ làm như vậy vì trách nhiệm với khách hàng.
Ông cho rằng việc thu nếu chậm nộp nên tính từ thời điểm nhất định sau khi có thông báo đóng tiền.
Nói về khoản tiền nộp thuế bổ sung, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, cho biết, hiện có 3 phương án đề xuất là giữ nguyên mức thu, giảm thu và không thu khoản thu bổ sung. Bộ Tài chính đã hoàn thiện và có phương án giảm mức thu cũng như giảm thời gian tính tiền sau khi trừ đi thời gian cơ quan chức năng tính tiền sử dụng đất. Riêng đối với nội dung kiến nghị không thu tiền nộp thuế bổ sung, Bộ Tài chính xin được ghi nhận và cùng với Bộ Nông nghiệp và Môi trường báo cáo Chính phủ trong quá trình sửa Luật Đất đai.
Đối với trường hợp tính tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở. Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ theo phương án giảm tiền sử dụng đất khi người dân chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở trong bối cảnh giá đất tại một số địa phương cao đột biến so với bảng giá đất cũ.
MAI HOA