50 năm trôi qua, những ký ức về chiến trường, đường Trường Sơn năm xưa vẫn là gia tài quý giá đối với mỗi người nghệ sĩ, để mỗi lần nhớ lại, họ lại rưng rưng xúc động. Chúng tôi may mắn được gặp, trò chuyện và ghi lại những cảm xúc ấy của họ, những người nghệ sĩ của Nhân dân.
NSND Thu Hiền
15 tuổi, cô bé Thu Hiền, người thấp nhỏ và bé xíu xiu, vác ba lô vào chiến trường, vượt khu IV nơi tuyến lửa ác liệt nhất. Bà phải ở lại Hà Tĩnh 1 năm chờ cho đủ tuổi mới tiếp tục lên đường. Đến cuối năm 1967, bà nhận nhiệm vụ vượt sông Bến Hải sang bờ Nam, sang bên kia Quảng Trị.
“Tôi vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên đó, chỉ mới bước xuống phà Linh Cảm, bom mưa đạn trút, các anh bộ đội vừa mới ở trước mắt mình thì chỉ ít phút sau trúng đạn bom hy sinh”. NSND Thu Hiền xúc động nhớ lại. Khi chiến tranh ác liệt diễn ra ở Quảng Trị cũng là lúc bà mang tiếng hát vào đó, vừa làm y tá, cứu thương, rồi kiêm nhiệm thêm phần nấu bếp mà trong quân đội hay gọi là "anh nuôi"; làm tất cả những gì có thể, và rồi làm nghệ sĩ. Nhưng ngày đó bà đóng kịch nhiều hơn là hát và còn giành Huy chương vàng trong một đội kịch chiến trường, đội kịch “Chim chèo bẻo”.
Năm 1969, hay tin Bác mất, 17 tuổi ở trong cánh rừng Trường Sơn giữa những người lính, bà hát bài: "Trông cây lại nhớ đến Người". Rồi trông về bên bờ bên kia bà hát "Câu hò bên bờ Hiền Lương". Hát bằng chiếc loa Trung Quốc, loa này cứ phải dùng tay bóp công tắc loa thì mới phát ra được tiếng hát, nhưng cứ hát lại quên bóp, mà đến khi nhớ ra bóp lại quên hát.
NSND Thu Hiền bồi hồi nhớ lại ký ức năm xưa, hát ở những nơi vô cùng đặc biệt - trong những chiếc hang nhỏ, khi các chiến sĩ bị thương và phải mổ "sống", không có thuốc mê. Tiếng hát của bà lúc bấy giờ có ý nghĩa làm dịu đi nỗi đau cho những người lính áo xanh. Mỗi lần cất tiếng hát, NSND Thu Hiền lại động viên các chiến sĩ: "Anh ơi, anh mở mắt nghe em hát nhé!". Rồi có những duyên hội ngộ lạ kỳ giữa rừng sâu khi bà gặp lại chàng trai ngày xưa “thích Thu Hiền”, thế nhưng khi bà quay trở lại, cả đơn vị của anh đã bị xóa sổ vì một trận bom…
NSND Thu Hiền cho biết bà đã theo chân người lính đi khắp các chiến trường, như từ năm 1967 - 1968, bà cùng đoàn quân Tây Bắc vào buổi biểu diễn phục vụ động viên tinh thần chiến đấu chống Mỹ của quân và dân tuyến lửa miền Trung; đến năm 1972, bà lại cùng Đoàn văn công Tây Nguyên diễn vào thời khắc giải phóng Quảng Trị; năm 1975 bà cùng Đoàn ca nhạc dân tộc Trung ương biểu diễn với dấu mốc giải phóng thành phố Huế… Tất cả những cột mốc lịch sử quan trọng đều để lại những kỷ niệm và ký ức lịch sử không thể nào quên trong cuộc đời của bà.
NSND Trung Đức
NSND Trung Đức đi bộ đội năm 1972, lúc đó ông đang học lái xe ở Công ty kiến trúc Bắc Thái (cũ) - thuộc Bộ Xây dựng. Ba tháng sau, ông cùng đồng đội lái xe chở gạo, muối, mỳ chính và một số nhu yếu phẩm cho chiến trường theo đường Trường Sơn vào Quảng Trị.
Đang là một chàng sinh viên chưa nếm mùi gian khổ, ban đầu khi đi đường rừng 559, bom đạn dội suốt ngày, chàng trai Trung Đức thuở ấy cảm thấy hoang mang, lo sợ. Thế nhưng, ông dần quen với tiếng bom, tiếng máy bay địch gầm rú, thì đã biết cách luồn rừng, ngụy trang để tránh những trận càn dã man của địch.
Ngày đó, ông hát trong chiến trường không phải với tư cách một nghệ sĩ mà là một… lái xe. Nhưng tiếng hát ấm áp, tình cảm của ông đã mang đến nguồn cổ vũ tinh thần cho những người lính. Tên tuổi của NSND Trung Đức gắn liền với những tình ca về đồng đội, về chiến trường.
Mỗi lần ông hát những khúc ca như: "Chào em cô gái Lam Hồng" (Ánh Dương), "Trên đỉnh Trường Sơn" (Huy Du), "Ta ra trận hôm nao" (Văn An), "Chiếc gậy Trường Sơn" (Phạm Tuyên), "Chào sông Mã anh hùng" (Xuân Giao)... lại nghe âm vang một thời chiến trận dội về làm rung động lòng người.
NSND Trung Đức cho hay, khi ông hát những ca khúc về Trường Sơn cũng là đang hát về một thời tuổi trẻ say mê và nhiệt huyết của mình, của đồng đội mình, cho những người đã nằm xuống và những người trở về sau chiến tranh mà cuộc đời họ, dù ít dù nhiều, vẫn để lại nơi chiến trường một phần thân thể, một phần tâm hồn.
Những bài hát này, ông đã từng hát khi đang là một anh lính lái xe tăng xung trận. Và khi rời quân ngũ trở về, trở thành một NSND đứng trên bục vinh quang với các huy chương vàng trong các cuộc thi âm nhạc trong nước và quốc tế, ông vẫn tiếp tục hát….
NSND Thanh Hoa
NSND Thanh Hoa được ví như "kho sử hát sống" của nền âm nhạc Việt Nam. Với hơn 1.000 bản thu âm, bà đã thổi hồn vào biết bao ca khúc bất hủ như “Tình yêu của đất và nước”, “Tàu anh qua núi”…Trong kháng chiến, NSND Thanh Hoa từng đi dọc dãy Trường Sơn phục vụ bộ đội. Tháng 6/1974, bà được lệnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, lúc đó NSND Thanh Hoa là solist của Đài Phát thanh Giải phóng.
NSND Thanh Hoa hát cho bộ đội nghe ở Đường 9- Khe sanh.
“Tôi nhớ lúc đó mình bé nhất đoàn, có 42kg, nên thường được mọi người mang vác giùm đồ trên đường hành quân. Chúng tôi hành quân như bộ đội và những lúc họ nghỉ thì mình lại hát. Tôi cầm cái loa to hơn cả người, gọi là loa bán báo, bịt tay ấn thật mạnh hát mới bắt tiếng. Nhiều khi hát mỏi tay quá, quên bấm vào đít loa nên bộ đội kêu ầm lên: "Bấm vào đít loa đi, bấm vào đít loa đi". Vui đáo để”.
NSND Thanh Hoa kể lại. Bà hát "Rủ nhau đi hái măng rừng", "Nổi lửa lên em", "Cánh chim báo tin vui", "Người con gái Paco", "Chào đường 9 anh hùng". Hát cho bộ đội và thương binh nghe. Có những thương binh, tay bị thương nhưng không dám cắt, máu rỉ ra. Họ nghe hát nhưng không kìm được đau đớn, nên thỉnh thoảng rên lên. Người bên cạnh mắng: "Mày rên bé thôi để tao còn nghe hát". Thương lắm. Người hát cũng khóc, người nghe cũng khóc.
"Tôi đã từng đi dọc dãy Trường Sơn để ca hát phục vụ quân đội trong những năm chiến tranh. Có lần tôi suýt mất mạng vì bom nổ ngay gần nơi mình đang ăn cháo. Những bài hát cách mạng không chỉ là âm nhạc, mà còn là ký ức, là lịch sử, là niềm tự hào mà thế hệ chúng tôi muốn truyền lại cho lớp trẻ hôm nay", NSND Thanh Hoa nói.
NSND Quang Thọ
NSND Quang Thọ hành quân vào chiến trường những năm 1971, 1972, trong thời điểm ác liệt của chiến tranh, ông đi theo đường mòn Hồ Chí Minh vào Quảng Trị, sang Lào, Campuchia rồi vòng đến Tây Ninh cùng đoàn văn công xung kích tỉnh Quảng Ninh.
“Có đi mới thấy, trong thời khắc giữa sự sống và cái chết ấy, bộ đội ta vẫn lạc quan, yêu tiếng hát. Tiếng hát thực sự có ý nghĩa, giúp họ vượt qua những ám ảnh chết chóc để ra trận. Lúc đó trên đường Trường Sơn như ngày hội. Chúng tôi hát cho thanh niên xung phong, cho bộ đội nghe. Họ nghe say sưa và quên cả chiến tranh đang cận kề”. Ông chia sẻ.
NSND Quang Thọ.
“Tôi nhớ, có lần chúng tôi vào một lán thương binh hát cho họ nghe. Có một cô thanh niên xung phong, trẻ lắm, khoảng chừng 16 tuổi, bị sốt rét ác tính. Cô vừa nghe chúng tôi hát vừa thiêm thiếp. Một tuần sau, quay trở lại cung đường ấy, tôi ghé vào hỏi thăm cô gái thì cô đã mất. Câu chuyện đó cứ ám ảnh tôi mãi, cô ấy chết ở tuổi 16”, NSND Quang Thọ xúc động kể.
Trở về từ chiến trường, ông lại mang tiếng hát của mình đến những khu hầm mỏ, hát bài ca lao động cổ vũ tinh thần lao động, sản xuất của anh em. Với ông, được hát là niềm hạnh phúc, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Và ký ức chiến tranh trở thành một phần ký ức thiêng liêng trong cuộc đời nghệ sĩ của ông.
NSND Trần Bình chia sẻ:
Họ là những giọng ca huyền thoại đã từng trải qua mưa bom bão đạn, hát dưới chiến hào, hát bên mâm pháo… Với những nghệ sĩ ấy, tiếng hát cũng là một thứ vũ khí động viên tinh thần, cổ vũ những người lính trong chiến trận. Tiếng hát ấy cao vút, nội lực và đầy truyền cảm, vừa đủ mềm mỏng để lan tỏa tình yêu, vừa là nguồn động lực tinh thần mạnh mẽ cho những người lính vào những thời khắc sinh tử của đời người. Tinh thần ấy của nghệ thuật cần được tiếp nối và lan tỏa trong thế hệ trẻ hôm nay.
Mỹ Hiền (ghi)