Chất "trường sinh bất lão" lộ diện sau cuộc phân tích 120 chất chuyển hóa
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications cho thấy một axit amin gọi là threonine có thể giúp con người tạo ra phương thuốc "trường sinh bất lão" hiệu quả.
Nhóm tác giả từ Viện Nghiên cứu về lão hóa Buck (Mỹ) đã sử dụng công nghệ học máy và sinh học hệ thống tiên tiến để phân tích và liên kết các tập dữ liệu khổng lồ từ ruồi giấm và người để xác định các chất chuyển hóa chính ảnh hưởng đến tuổi thọ ở cả hai loài.
Tổng cộng 120 chất chuyển hóa trong 160 chủng ruồi giấm trong cả chế độ ăn hạn chế và bình thường đã được xem xét.
Mục tiêu là để tiết lộ cách các kiểu gene khác nhau phản ứng với chế độ ăn để ảnh hưởng đến tuổi thọ và sức khỏe.
Sau đó, họ đã đối chiếu chéo các phát hiện với dữ liệu của con người từ ngân hàng dữ liệu sinh học khổng lồ Biobank của Anh. Cuối cùng họ gạn lọc ra cái tên "threonine".
Cái tên threonine không xa lạ, nếu như bạn thường quan tâm đến các nghiên cứu y học.
Nó là một trong 20 loại axit amin thiết yếu mà bạn cần phải nạp vào thông qua thức ăn, tham gia vào quá trình sản xuất collagen và elastin, quá trình đông máu, chuyển hóa chất béo.
Axit amin này cũng tham gia nhiều hoạt động khác của hệ miễn dịch, thần kinh, tiêu hóa...
Giờ đây, các tác giả phát hiện ra rằng threonine còn kéo dài tuổi thọ theo cách đặc trưng cho từng kiểu gene khác nhau và giới tính khác nhau.
Ở ruồi, những con có mức chất chuyển hóa liên quan đến threonine cao hơn có cuộc sống khỏe mạnh hơn, dài hơn. Các mô hình chỉ ra điều đó cũng đúng với con người.
"Tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta đã ngừng mong đợi tìm ra một biện pháp can thiệp thần kỳ cho quá trình lão hóa. Phương pháp của chúng tôi cung cấp một cách khác để phát triển y học chính xác cho khoa học lão khoa" - GS-TS Pankaj Kapahi, tác giả chính, cho biết.
Các nhà khoa học sẽ xác minh phát hiện này cụ thể hơn thông qua các nghiên cứu lâm sàng, với mục tiêu thiết kế ra các phương thuốc "trường sinh bất lão", hoạt động theo cách đẩy lùi các vấn đề liên quan đến tuổi tác.
Còn đối với mỗi người, việc nạp chất "trường sinh bất lão" này ở mức vừa đủ chắc chắn là cần thiết.
Threonine có nhiều trong các loại đạm động vật lẫn thực vật. Nhu cầu threonine cần thiết với người trưởng thành là 15mg cho mỗi kg trọng lượng cơ thể: Ví dụ người nặng 70kg cần khoảng 1050mg threonine mỗi ngày.
Những hậu quả nghiêm trọng khi lạm dụng amphetamine (ATS)
PGS.TS. Lê Minh Giang, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, việc sử dụng các chất kích thích dạng amphetamine gây tác động lên hệ thần kinh trung ương, thông qua cơ chế tăng tiết các chất dẫn truyền thần kinh như norepinphrine, dopamine, serotonin, tăng cường giải phóng catecholamine. Việc kích thích thụ thể alpha và beta được tạo ra và kích thích hệ thần kinh trung ương nói chung khiến người sử dụng luôn trong trạng thái hưng phấn, dẫn đến những ảnh hưởng cả về thể chất và tinh thần.
Chất kích thích dạng amphetamine là một trong những nhóm chất ma túy được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
Về mặt thể chất, sử dụng chất kích thích dạng amphetamin tác động đến hệ tim mạch, làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, thậm chí là suy tim, đột quỵ.
ATS gây cảm giác chán ăn, không có nhu cầu ăn uống, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, sức khỏe não bộ. Ban đầu sử dụng chất kích thích dạng amphetamine giúp tăng khả năng tập trung, tuy nhiên khi sử dụng một thời gian kéo dài, chúng làm giảm trí nhớ, giảm sự tập trung, ảnh hưởng đến khả năng đưa ra quyết định...
Ngoài ra, người sử dụng chất kích thích dạng amphetamine thường gặp ảo giác, cảm giác giống dòi bò dưới da, dẫn đến hành động gãi, chà sát mạnh, nhiễm trùng da. Một tác dụng phụ khác thường gặp ở người sử dụng ATS là cảm giác khô miệng, nghiến răng, làm hỏng men răng.
Amphetamines thường gây ra rối loạn cương dương ở nam giới nhưng tăng cường ham muốn tình dục, nên sử dụng chất này có liên quan đến hành vi tình dục không an toàn, tăng nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV.
Về mặt tinh thần, ATS gây nhiều ảnh hưởng lâu dài như hoang tưởng, ảo giác, loạn thần cấp, rối loạn lo âu, trầm cảm. Người sử dụng ATS kéo dài có thể có những hành động tự hủy hoại bản thân, tấn công người khác...
Cứu sống bệnh nhân có nguy cơ tử vong 90%
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân T.N.K., sinh năm 1999 ở Vĩnh Phúc được chuyển đến trong tình trạng nguy kịch, phải an thần, thở máy do rò tá tràng, nhiễm khuẩn huyết nặng, nguy cơ tử vong trên 90%.
Bệnh nhân có tiền sử thủng tá tràng, viêm phúc mạc đã được bệnh viện tuyến dưới mổ khâu thủng, dẫn lưu ổ bụng. Tuy nhiên, sau mổ, bệnh nhân có dấu hiệu rò tá tràng, nhiễm khuẩn huyết, dẫn lưu ra khoảng 1,5 lít dịch tiêu hóa.
Bệnh nhân trở nặng, sốt cao, suy hô hấp phải đặt ống thở máy. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm trùng rất nặng, rò tiêu hóa, rối loạn nước và điện giải.
Sau một thời gian nỗ lực điều trị, tình trạng sốc nhiễm khuẩn của bệnh nhân cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân tăng trở lại và rò tá tràng không cải thiện.
Các bác sĩ nhận định, bệnh nhân ở tình trạng rất nặng, tỷ lệ tử vong lên đến hơn 90%. Nếu không phẫu thuật, tình trạng của bệnh nhân ngày càng xấu hơn, có nguy cơ tử vong.
BSCKII Trần Thượng Việt - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, tiết niệu và nam học cho biết: "Trong 2 tiếng phẫu thuật, chúng tôi đã làm sạch ổ bụng, phá các ổ áp xe cũ và đặt lại nhiều ống dẫn lưu ở các ổ áp xe và cạnh lỗ rò, dẫn lưu mủ cũng như dịch tiêu hóa ra bên ngoài.
Bệnh nhân được đặt thêm một hệ thống ống hút liên tục qua dẫn lưu vùng bị thủng ở tá tràng để không cho dịch tiêu hóa đọng lại gây tổn thương thêm cho những cơ quan nội tạng xung quanh".
Ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ. Sau 20 ngày đặt hệ thống hút liên tục, các lỗ rò tá tràng dần thu hẹp nhỏ lại, dịch tiêu hóa không còn bị rò ra bên ngoài. Đến nay, lỗ rò tá tràng của bệnh nhân đã liền trở lại, tình trạng nhiễm khuẩn huyết được cải thiện.
T.M (tổng hợp)