Với những tin tức chiến lược chính xác, kịp thời, TBQP đã góp phần đặc biệt quan trọng vào việc giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh hạ quyết tâm chiến lược đúng đắn, nhanh chóng đi đến thắng lợi cuối cùng.
Mỹ đã “phủi tay”
Mùa khô năm 1974-1975, đặc biệt là sau khi ta đánh chiếm Phước Long ngày 6-1-1975, qua điều tra, lực lượng tình báo ta phát hiện: 1) Khi bị mất Phước Long, Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên đã yêu cầu Mỹ can thiệp nhưng không được chấp thuận; 2) Mỹ-ngụy đều cho rằng ta không đánh lớn bằng năm 1972 và chưa có khả năng đánh chiếm các thị xã lớn, chủ yếu tập trung vào giành dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Những thông tin nói trên được các lưới điệp báo của ta cài sâu trong các cơ quan của Mỹ-ngụy thu được do đã luôn theo sát các động thái của Mỹ và tìm hiểu kỹ khả năng chống đỡ của ngụy quân khi ta đánh lớn, góp phần giúp ta nhận định chính xác tình hình, đánh giá đúng thế và lực của ta cũng như khả năng hành động của địch. Những thông tin đặc biệt quan trọng này đã phục vụ hữu ích cho trên chỉ đạo tác chiến những chiến dịch tiếp theo. Câu hỏi hết sức cấp bách mà Bộ Chính trị đặt ra cho TBQP khi đó là: “Liệu Mỹ có can thiệp bằng không quân và hải quân để cứu vãn cho ngụy không khi ta đánh lớn? Nếu có thì can thiệp ở mức nào?”
Đồng chí Nguyễn Văn Minh (bí danh H3), cán bộ tình báo hoạt động trong Bộ Tổng tham mưu ngụy, đã cung cấp nhiều tin tức có giá trị trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Tư liệu của Tổng cục II: 70 năm Tình báo quốc phòng Việt Nam - Xây dựng, chiến đấu và phát triển (25-10-1945 / 25-10-2015)
Huy động sức mạnh tổng hợp, kết hợp phân tích diễn biến tình hình và những tài liệu lực lượng luồn sâu, leo cao các lưới điệp báo của ta, TBQP đã có câu trả lời cho câu hỏi trên. Đồng chí Nguyễn Văn Minh (bí danh H3), một cán bộ điệp báo chiến lược có “bình phong” là thư ký đánh máy làm việc tại văn phòng Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên, đã cung cấp tin tức giúp trên khẳng định: “Khi ta đánh vào Sài Gòn thì Mỹ sẽ không trực tiếp tham chiến trở lại”. Trước đó, tháng 7-1974, Phòng Tình báo Bộ tham mưu B2 (Phòng Tình báo Miền - J22) đã thu được bản tường trình của Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam Cộng hòa về kế hoạch dự kiến năm 1975 và bức mật điện Mỹ gửi cho Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn trả lời về việc Mỹ sẽ không trở lại Việt Nam, Mỹ coi chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Cụm trưởng Cụm điệp báo chiến lược H63, khẳng định tầm quan trọng của bức mật điện này như sau: “Tình báo [TBQP] có lấy được một cái thư đặc biệt của tổng thống [Mỹ]. Tổng thống [Mỹ] lúc đó gửi qua Thiệu nói: "Đưa cho ngài 720 triệu đô thôi, chứ còn tình hình này quân Mỹ không trở lại". Thư đó chuyển qua Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên và đồng chí Ba Minh đã lấy được, chuyển cho ta”. Những tài liệu tối mật này đã cung cấp những thông tin đặc biệt quan trọng, giúp ta nắm được những khó khăn của ngụy quyền Sài Gòn và ý đồ co cụm từng bước của địch, từ đó ta quyết định được cách đánh phù hợp.
Ngoài điệp viên H3, “điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn (bí danh X6) cùng các lưới điệp báo khác cũng khẳng định: Năm 1974, mức độ viện trợ bị rút xuống, ngụy không bắt đủ lính quân dịch cần thiết đồng nghĩa với việc ngụy quyền Sài Gòn đang phải co cụm lực lượng, chấp nhận bỏ đất. Đặc biệt, X6 đã gửi nhiều tài liệu kèm theo 6 cuộn phim về cho tổ chức, khẳng định chắc chắn rằng: Dù chế độ ngụy có sụp đổ, Mỹ cũng dứt khoát không can thiệp, không đưa quân trở lại. Trong những tài liệu X6 gửi về, có một tài liệu rất quan trọng của Ban Nghiên cứu chiến lược chính quyền Sài Gòn do tướng Nguyễn Xuân Triển làm Chủ tịch. Lần thứ nhất, đồng chí Phạm Xuân Ẩn gửi bản tóm tắt, lần thứ hai thì gửi nguyên bản tài liệu đó. Đó là bản nghiên cứu chiến lược gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, trong đó nêu rõ tình hình suy sụp của ngụy quân Sài Gòn, khẳng định Mỹ không thể can thiệp để cứu ngụy quyền Sài Gòn trong bất cứ tình huống nào vì áp lực quá căng thẳng của phong trào phản chiến ở Mỹ. Quân Mỹ sẽ không trở lại miền Nam, Hạm đội 7 của Mỹ không trở lại Biển Đông, Mỹ không sử dụng lại pháo đài bay B-52 ở chiến trường Đông Dương và tiếp tục cắt giảm ngân sách viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa, kể cả viện trợ quốc phòng. Đặc biệt, bản nghiên cứu còn chỉ rõ: Trong bố trí lực lượng và chiến trường, chỗ yếu nhất và khó bảo vệ nhất là chiến trường Tây Nguyên, Quân khu 2. Ở Quân khu 2, chiến trường hiểm yếu nhất là Buôn Ma Thuột. Nếu ta đánh Buôn Ma Thuột thì toàn bộ hệ thống phòng thủ ở Tây Nguyên sẽ đổ vỡ, phải rút về phòng thủ ở đồng bằng.
Những nguồn tin có giá trị chiến lược trong thời điểm lịch sử như vậy đã giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh hạ quyết tâm chiến lược cho Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ngày 10-3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên mở màn, TBQP đã kịp thời nắm chắc thông tin về các lực lượng tăng viện của địch, giúp bộ đội ta đập tan mọi cuộc phản kích quyết liệt của chúng, phát hiện hiện tượng địch đánh phá chiến cụ, đốt kho tàng... dấu hiệu cho sự tháo chạy của chúng khỏi chiến trường Tây Nguyên. Bị điểm trúng huyệt, địch từ chỗ chủ quan đi đến hoang mang, hỗn loạn. Ngay sau đó, TBQP đã kịp thời cung cấp tình hình địch ở Trị Thiên - Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng cho trên chỉ đạo tác chiến trong chiến dịch này được nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ, làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống phòng thủ chiến lược của địch trên toàn bộ vùng ven biển Trung bộ, làm thay đổi căn bản so sánh về mặt chiến lược, tạo điều kiện cho ta tập trung lực lượng áp đảo trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng đất nước.
Trước đó, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1976. Tuy nhiên, trước diễn biến nhanh chóng trên chiến trường, địch thất bại liên tiếp và lực lượng cách mạng giành thắng lợi áp đảo trên khắp các mặt trận, sau khi phá vỡ thế phòng thủ chiến lược của Quân đoàn 2 địch, giải phóng Tây Nguyên, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhất trí hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch 2 năm trong năm 1975, hướng chiến lược chủ yếu là Sài Gòn. Từ ngày 31-3-1975 đến 1-4-1975, Bộ Chính trị họp nghe Quân ủy Trung ương báo cáo tình hình và khẳng định: “...Thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt địch đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu”.
Đứng trước nguy cơ ngụy quyền Sài Gòn bị tiêu diệt, Mỹ cử tướng Frederick C. Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, đến Sài Gòn trực tiếp vạch kế hoạch phòng thủ cho ngụy quân, chấn chỉnh lực lượng, thiết lập tuyến phòng thủ từ xa ở Phan Rang, tuyến phòng thủ bao quanh Sài Gòn và dự kiến cả trường hợp Sài Gòn thất thủ thì rút về cố thủ ở Cần Thơ để mặc cả chính trị với ta.
Trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh
Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định đặt tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là chiến dịch quyết chiến chiến lược, quyết tâm thực hiện kế hoạch 2 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam chỉ trong 4 tháng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Giữa tháng 4-1975, thực hiện Chỉ thị của Quân ủy Miền, Phòng Tình báo Miền J22 giao nhiệm vụ tình báo tin tức và nhiệm vụ tình báo hành động cho các ban tình báo Khu, các cụm và lưới điệp báo trực thuộc J22. Chiều 25-4-1975, tại chỉ huy sở tiền phương Miền, đồng chí Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí) báo cáo kế hoạch vào Sài Gòn theo nhiệm vụ được giao, tiếp cận cơ sở của đồng chí Ba Lễ - Cụm điệp báo A20, thực hiện yêu cầu làm binh biến khởi nghĩa, ngoài ra còn xin chỉ thị sử dụng một số cơ sở khác để phục vụ nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn. Chiều 26-4-1975, đồng chí Sáu Trí đã vào tới nội đô bàn bạc, giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang - thứ hai từ phải sang), Cụm trưởng Cụm tình báo H63, Chính ủy Lữ đoàn Biệt động 316, cùng các đồng chí cán bộ tình báo làm nhiệm vụ tiếp quản Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu của Tổng cục II: 70 năm Tình báo quốc phòng Việt Nam - Xây dựng, chiến đấu và phát triển (25-10-1945 / 25-10-2015)
Ngày 29-4-1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận. Sau một ngày chiến đấu quyết liệt, ta đã đánh chiếm được tuyến phòng thủ vòng ngoài Sài Gòn - Gia Định. Trong thời điểm này, cơ sở P71 ở Bộ Tổng Tham mưu ngụy (đại diện của ngụy quyền Sài Gòn bên cạnh Ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến ICCS - Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát) đã bảo vệ được an toàn cho hai phái đoàn Ba Lan và Hungary khi một toán lính dù khoảng 40 tên ập vào Ủy ban quốc tế tìm cách hạ sát hai phái đoàn cộng sản khi toán lính này đang rút chạy từ miền Đông về miền Tây tử thủ.
Rạng sáng 30-4-1975, với quyết tâm “Tiến lên toàn thắng ắt về ta”, các binh đoàn đột kích thọc sâu của ta được lệnh kết hợp với lực lượng bên trong nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch ở nội thành, tiến công với khí thế hùng mạnh đập tan mọi sự chống cự của địch. Cơ sở của Cụm A20 với yêu cầu làm binh biến khởi nghĩa đã thực hiện được phương án 2: Để Liên đoàn 361 biệt động quân gồm 5 tiểu đoàn trên tuyến phòng thủ từ trường đua Phú Thọ đến ngã tư Bảy Hiền đào ngũ, bỏ súng tại chỗ, rút chạy. Cơ sở P71 được Ban Tình báo A33 giao nhiệm vụ vận động sĩ quan ngụy tổ chức làm binh biến cũng đã vận động được Tư lệnh biệt động quân Đỗ Kế Giai ra lệnh cho lính “án binh bất động”, không chống cự lại ta.
Trưa 30-4-1975, lực lượng của Quân đoàn 2 cùng xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, phối hợp bắt sống nội các Dương Văn Minh đang tập trung ở phòng họp. Khi đó, đồng chí Sáu Trí và Ba Lễ cũng có mặt. Lãnh đạo Quân đoàn 2 và các lực lượng có mặt đã chứng kiến sự đầu hàng của nội các Dương Văn Minh, công bố trên đài phát thanh Sài Gòn Bản “Thông cáo số 1”, thông báo tới toàn thể đồng bào rằng “Quân Giải phóng đã làm chủ hoàn toàn Thành phố Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút. Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đã phải đầu hàng không điều kiện…”, và tiếp quản Dinh Độc Lập.
Chiều 30-4-1975, đồng chí Sáu Trí cùng một số cán bộ và cơ sở tiếp quản Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy tại số 3 Bạch Đằng. Ngày 1-5-1975, bàn giao Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy lại cho đồng chí Ba An và Hứa Hiểu Nghĩa (Ba Tâm) được phân công tiếp quản. Tại Bộ Tổng Tham mưu ngụy, đồng chí Nguyễn Văn Minh (H3) đã vận động những người cùng làm còn ở lại giữ nguyên hiện trạng Bộ Tổng Tham mưu. Khi lực lượng ta vào tiếp quản, đồng chí đã bàn giao nguyên vẹn tài liệu, trang bị tại đó và làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trong thời điểm này. Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ Tổng cục TBQP” có ghi lại chi tiết đồng chí Ba Minh nói về sự kiện trên như sau: “Khi đó, đang ở tòa nhà chính, tôi thấy người của anh Bảy Vĩnh (Cụm trưởng Cụm H76) treo cờ. Tôi liền kiếm cái khác cho mấy ảnh treo. Đến 3 giờ chiều, thấy máy truyền tin vẫn hoạt động, tôi tắt máy…Lúc trung đoàn xe tăng vô, đi tới đâu bắn tới đó…Tôi lấy áo trắng ngoắc làm tín hiệu cho xe vô để khỏi bắn tốn đạn. Lúc đó tôi đã thay thường phục rồi. Cảm giác khi ấy mừng lắm. Mấy chục năm rồi... nay tôi đã thoát vòng nguy hiểm. Mừng, mà không chia sẻ được với ai”.
50 năm đã qua đi kể thời khắc lịch sử 30-4-1975, thế hệ hôm nay đã và đang sống trong hòa bình, không còn phải mang nỗi nhục mất nước, niềm đau chia cắt. Để có được hòa bình, đã có rất nhiều máu và nước mắt đổ xuống. Căn dặn thế hệ trẻ ngày nay, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) nhắn nhủ: “Nỗi nhục mất nước ông cha ta đã đem xương máu để rửa sạch. Bây giờ, các bạn phải đưa nước ta tiến lên, ra sức học tập, vì thời đại này là thời đại kỹ thuật số và công nghệ hiện đại…” Riêng với ngành TBQP, ông nhắc nhở: “Phải luôn coi tình báo của mình là tình báo nhân dân. Bác Hồ dạy rằng tình báo của ta là công tác dân vận, phải sống để nhân dân thương, nhân dân mới bảo vệ mình và cung cấp thông tin cho mình”.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu giờ phút lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oanh liệt, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Góp phần vào thắng lợi to lớn cuối cùng đó có trí tuệ và máu xương, có những hy sinh lớn lao và lặng thầm của những chiến sĩ TBQP Việt Nam.
HỮU DƯƠNG (viết theo tài liệu của Tổng cục II; phỏng vấn của Báo Quân đội nhân dân Điện tử)