Câu lạc bộ Từ thiện 19-09 Thái Nguyên đến trao hàng cứu trợ cho người dân một số xã của tỉnh Nghệ An bị thiệt hại do bão số 3.
Những ngày cuối tháng 7, cơn bão số 3 (Wipha) đổ bộ vào miền Bắc, gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh, thành phố. Trong đó, Nghệ An là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Mưa lớn kéo dài, lũ quét và sạt lở đất đã khiến hàng nghìn hộ dân mất nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi, cuộc sống bị đảo lộn. Nhiều gia đình, nhất là ở vùng cao, lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, đối mặt với vô vàn khó khăn chồng chất. Mưa lũ cũng đã khiến 4 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Giữa hoàn cảnh đó, tinh thần “tương thân tương ái” lại được khơi dậy mạnh mẽ. Tại Thái Nguyên, lời kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng lũ của Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng lan tỏa trên các nền tảng xã hội và được đáp lại bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
Điều đáng nói không chỉ là tốc độ lan truyền thông tin, mà là sự hưởng ứng chủ động, đầy trách nhiệm từ cộng đồng. Nhiều nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, nhà trường… tại Thái Nguyên đã khởi xướng chiến dịch quyên góp, đóng gói và vận chuyển hàng cứu trợ hướng về miền Trung. Mỗi người một chút, mỗi nhóm một tay, tất cả đã tạo nên dòng chảy nghĩa tình gửi tới Nghệ An.
Từ những gói mì, thùng nước sạch, bộ quần áo còn lành lặn, sách vở học sinh… đến phong bì vài trăm nghìn đồng gom góp từ lương hưu, hay đồng tiền tiết kiệm trong con lợn đất của học sinh, tất cả đều chứa đựng yêu thương, là niềm tin và hy vọng được gói ghém trong từng món quà.
Nhiều nhóm thiện nguyện, như Câu lạc bộ Từ thiện 19-09 đã trực tiếp tổ chức các chuyến xe cứu trợ đến Nghệ An, để trao tận tay bà con những phần quà thiết yếu. Không phải để ghi hình, biểu dương, mà đơn giản, họ đến để sẻ chia, an ủi, tiếp sức cho bà con vùng lũ trong những giờ phút khó khăn nhất.
Dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ về tổng giá trị vật chất được hỗ trợ từ Thái Nguyên, nhưng có một điều chắc chắn là giá trị lớn nhất không nằm ở con số. Đó là hành động cụ thể nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng, là biểu hiện sống động của truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.
Sau những ngày mưa bão, rồi nhà cửa sẽ được dựng lại, đường sá sẽ thông. Nhưng điều ở lại lâu dài và sâu sắc nhất chính là tình người. Chính lòng nhân ái đã xoa dịu nỗi đau thiên tai, nâng đỡ những phận người yếu thế, và thắp lên niềm tin rằng khi một nơi cần, khắp nơi sẽ sẵn sàng dang tay.
Khánh Thiện