Tính toán của Tùng Dương khi bắt tay Mono, Tăng Duy Tân

Tính toán của Tùng Dương khi bắt tay Mono, Tăng Duy Tân
3 giờ trướcBài gốc
Tùng Dương là một trong những nghệ sĩ hoạt động chăm chỉ và bền bỉ bậc nhất nhạc Việt. Nổi lên từ chương trình âm nhạc Sao mai Điểm hẹn tới nay đã 20 năm, Tùng Dương đã phát hành nhiều album đột phá, có tầm ảnh hưởng lớn, thực hiện nhiều liveshow có chất lượng chuyên môn cao.
Trong những năm gần đây, các hoạt động của Tùng Dương thiên về cover các bản hit trên thị trường, kết hợp với các nghệ sĩ trẻ nhằm tiếp cận tới nhóm khán giả gen Z. Tuy vậy, anh vẫn giữ vững được nét cá tính riêng biệt không trùng lặp với bất cứ ai như cách hát vang khỏe lồng lộng, sử dụng âm thanh hùng vĩ theo hướng epic (sử thi). Có thể nói, Tùng Dương đang là đại diện nổi bật nhất trong việc sản xuất nhạc định hướng epic ở Việt Nam nhờ sở hữu ê kíp có kinh nghiệm (nhạc sĩ Nguyễn Hữu Vượng) cũng như đặc trưng giọng hát khó có ai trong nước bì kịp.
Năm 2024 này, sau 4 năm kể từ studio album gần nhất là Human, Tùng Dương lại tiếp tục khai phá tới những miền âm thanh mới, concept mới thông qua album Đa vũ trụ - Multiverse, chứng minh nhiệt huyết trong âm nhạc vẫn chưa phai nhạt sau hơn 2 thập kỷ làm nghề của mình.
Concept độc đáo
Mỗi một album đã qua, Tùng Dương lại khai phá một mảnh đất âm thanh và nội dung độc đáo riêng. Nếu như ở album đầu tiên …chạy trốn là thế giới Jazz Pop cùng những bản tình ca được thể hiện theo phong cách độc bản, thì đến Những ô màu khối lập phương lại là sáng tạo trong thể loại new age, world music cùng chiêm nghiệm sâu sắc về kiếp người, hay ở album gần nhất Human là những góc nhìn khác nhau về thân phận con người trong kỷ nguyên công nghệ.
Các nội dung được Tùng Dương lựa chọn thường sâu sắc, nhuốm màu sắc triết lý và anh cũng chọn những âm thanh gai góc, độc lạ để thể hiện được hết những gì anh muốn truyền tải.
Đến với Đa vũ trụ cũng là một concept độc bản như vậy. Yếu tố multiverse tuy không phải quá mới, nó đã được khai thác trong mảng điện ảnh quốc tế nhiều năm qua, lên đến đỉnh cao sau khi Everything Everywhere all at once chiến thắng hạng mục Best Picture tại Oscar.
Nhưng ở trong âm nhạc, đặc biệt là ở địa hạt Vpop, người nghe vẫn chưa thấy quá nhiều. Một trong những sản phẩm đáng chú ý khai thác yếu tố này trong những năm qua ở nhạc Việt có thể kể đến là single Vũ trụ có anh của Phương Mỹ Chi, nhưng cô bé cùng DTAP lại lựa chọn khía cạnh vui nhộn, hài hước, trẻ trung để dàn dựng bài hát.
Vào tay Tùng Dương, đa vũ trụ tiếp tục là một tiền đề để nam ca sĩ thể hiện triết lý sống của anh khi bước sang một ngưỡng mới của cuộc đời. Ở đó, anh thể hiện khao khát khám phá những thứ bí ẩn mà con người còn chưa biết tới (Mật mã gen người, Tín hiệu vũ trụ), Ước muốn chạm tay tới những thứ vượt ngoài tầm với (Đánh cắp), suy tư về một bản thể khác của chính mình ở một vũ trụ khác (Đa vũ trụ),...
Tùng Dương vẫn giữ vững sự độc bản, độc đáo trong cách triển khai concept và âm thanh trong album mới.
Nắm vai trò chính trong mảng hòa âm phối khí lần này của album Đa vũ trụ tiếp tục là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Vượng - người đã gắn bó với Tùng Dương từ album Human đến nay. Vậy nên, không khó để thấy album mang nhiều yếu tố của progressive rock giống như album tiền nhiệm, rõ rệt nhất là ở trong những ca khúc Cánh chim phượng hoàng, Đàn ông không cần khóc, và đặc biệt ở Già là ca khúc khai thác mạnh mẽ nhất yếu tố epic mà Tùng Dương sử dụng trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, lần này Tùng Dương không chỉ sử dụng duy nhất âm thanh của Nguyễn Hữu Vượng. Trong Đa vũ trụ, Tùng Dương làm việc với cả nhạc sĩ Lưu Quang Minh đã triển khai tối đa trong những sáng tác mang màu sắc bán cổ điển như Ảo Ảnh, Phản Chiếu, hay sử dụng producer hallowed, maiki, huhy để có thêm những âm thanh điện tử trong các ca khúc Đánh cắp, Tín hiệu vũ trụ, Mật mã gen người.
Sự đa dạng trong mặt hòa âm phối khí này cũng rất phù hợp với định hướng “Đa vũ trụ” mà Tùng Dương muốn thực hiện, cũng như tạo ra một không gian âm thanh khác biệt với so với những album trước đây của anh. Tùng Dương cũng làm việc tốt với các producer để tạo nên một mạch thống nhất giữa các bài hát dẫu cho không cần đến những interlude để dẫn dắt.
Không phải nghệ sĩ trẻ nào cũng hợp "đa vũ trụ"
Điểm nổi bật dễ nhận thấy trong album Đa vũ trụ, đó là sự song hành với các nghệ sĩ trẻ của Tùng Dương. Nếu như ở Human, Tùng Dương làm việc với toàn những cái tên kỳ cựu như nhạc sĩ Nguyễn Hữu Vượng hay nhạc sĩ Sa Huỳnh, Nguyễn Duy Hùng, Bùi Caroon, thì sang tới album lần này, anh kết hợp với nhiều nhân tố chỉ mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây, có tuổi đời còn khá trẻ như Tăng Duy Tân (1995), Double2T (1996), Mono (2000), nân (2001),...
Phần lớn những sự kết hợp ở đây đều có kết quả tốt. Gây bất ngờ nhất chắc hẳn phải kể đến Mono khi lần đầu tiên khán giả thấy nam ca sĩ kết hợp với một nghệ sĩ gạo cội và thể hiện một sự hòa hợp khá tốt. Nếu như theo dõi Mono, khán giả cũng đã từng thấy anh thử nghiệm trong kiểu sáng tác có sự chiêm nghiệm về cuộc sống ở Open Your Eyes, vậy nên chủ đề trong Tín hiệu vũ trụ không quá xa lạ với anh. Đặt trong một bản phối rock thiên về điện tử của maiki, Mono có thể che đi sự khác biệt trong màu giọng cũng như kỹ thuật giữa mình và tiền bối, sử dụng giọng hát của mình như một âm thanh cuốn quanh lấy cột trụ vững chắc của Tùng Dương tạo nên sự hòa hợp thú vị.
nân cũng là một trường hợp tạo nên hiệu ứng tốt trong album Đa vũ trụ. Đầu năm nay, nữ ca sĩ đã phát hành album XT-TX sử dụng nhiều yếu tố điện tử, thể nghiệm cũng khá tương đồng với các âm thanh trong album của Tùng Dương. Nam ca sĩ đã sử dụng nguyên ê kíp thực hiện XT-TX là nân trong vai trò sáng tác cũng như hallowed với nhiệm vụ phối khí để thực hiện ca khúc Đánh Cắp, và nó tỏ ra rất phù hợp về cả âm thanh cũng như concept với album khi cả 2 đều hiểu rõ sự “phức tạp” cần phải mang đến và sản xuất một cách “chắc tay”.
Tùng Dương hợp tác với nhiều nghệ sĩ trẻ, nhưng không phải ai cũng đáp ứng tốt concept của album.
Ở chiều ngược lại, Double2T và Tăng Duy Tân lại chưa thể hiện được sự hòa hợp như vậy. Verse rap của Double2T trong Cánh chim phượng hoàng có phần lời khá sơ sài, flow quá nhẹ nhàng so với màu sắc âm nhạc epic cũng như phần sản xuất dẫn vào đoạn rap cũng chưa được làm mượt mà.
Trong khi đó, Tăng Duy Tân vẫn mang đến một sáng tác có giai điệu đơn giản dễ nghe đậm chất của anh ở ca khúc Tái Sinh, nó không đủ phức tạp khi đặt vào trong concept đa vũ trụ. Cùng với đó, phần phối của của Drum7 cũng “yếu” hơn về lực so với tổng thể album. Dù không thể phủ nhận trong Tái Sinh, Tùng Dương có cách hát tương đối nhẹ nhàng, dễ chịu, "thanh thản" và cũng mới mẻ so với những gì số đông vẫn biết về anh.
Antonie Lai cũng là một nhạc sĩ mới mà Tùng Dương khai thác cho album Đa vũ trụ. Anh được nam ca sĩ ưu ái sử dụng tới 4 ca khúc là Đa vũ trụ, Đàn ông không cần khóc, GiàTàn Canh cho album lần này. Anh cũng có phần thể hiện khá tốt trong Đa vũ trụGià với 2 sáng tác hợp với màu sắc của album. Tuy nhiên, ở Đàn ông không cần khócTàn Canh, 2 ca khúc này có phần xa rời với concept đa vũ trụ mà Tùng Dương muốn hướng đến, cũng như chưa thật sự ấn tượng trong cả mặt giai điệu và ca từ.
Trong khi đó, bộ đôi Sa Huỳnh và Nguyễn Duy Hùng vẫn giữ vững phong độ khi chỉ góp 2 sáng tác cho album là Mật mã gen ngườiTín hiệu vũ trụ, nhưng dễ dàng trở thành những ca khúc nổi trội bậc nhất trong album nhờ khai thác tối đa được quãng giọng của Tùng Dương cũng như phần ca từ sâu sắc, ấn tượng. Đây rõ ràng là 2 cộng sự thấu hiểu và hợp nhất với nam ca sĩ trong album lần này. Tùng Dương cũng tự sáng tác hai ca khúc Phản Chiếu Gieo mầm. Cả 2 đều làm tròn vai trò của mình, khi Phản Chiếu giúp làm dịu lại không khí album vốn mạnh mẽ, và Gieo mầm là một cái kết vừa vặn.
So với các album trước đây của Tùng Dương, Đa vũ trụ vẫn giữ được sự độc bản cũng như cá tính riêng biệt của Tùng Dương dẫu cho anh có kết hợp với nhiều nghệ sĩ khác nhau. Đối với một nghệ sĩ đã ngoài 40 tuổi, sự nỗ lực sáng tạo của anh là đáng ghi nhận.
Nam Trần
Nguồn Znews : https://znews.vn/tinh-toan-cua-tung-duong-khi-bat-tay-mono-tang-duy-tan-post1512015.html