Toàn văn phát biểu của Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhân kỷ niệm 16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam

Toàn văn phát biểu của Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhân kỷ niệm 16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam
4 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi lể. Ảnh: Thiên Ân
Tạp chí Công dân và Khuyến học trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhân kỷ niệm 16 năm ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008-2/10/2024
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!
Trước tiên, thay mặt cho Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam, tôi xin gửi tới các vị đại biểu, khách quý lời chào trân trọng, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công nhân ngày Khuyến học Việt Nam 2/10.
Thưa các vị đại biểu, khách quý, kể từ ngày có Quyết định 1271/QĐ-TTg ngày 16/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 2/10 là ngày Khuyến học Việt Nam, ngày ra mắt toàn dân một Hội xã hội đặc thù có sứ mệnh góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia học tập, ngày khởi động phong trào toàn dân học tập suốt đời, đến nay Hội Khuyến học Việt Nam đã thực sự trưởng thành và đang vững bước phát triển, góp phần quan trọng vào sự phát triển giáo dục nước nhà, tạo cơ hội cho người dân tham gia học tập, học tập suốt đời bằng nhiều chương trình khuyến khích, thúc đẩy sự học của toàn dân, nhất là trẻ em nghèo, cần có cơ hội được học tập, học tập suốt đời để phát triển bền vững.
Được giao sứ mệnh hỗ trợ công cuộc chấn hưng giáo dục và góp phần phát triển giáo dục nước nhà, trong những năm qua, nhờ bám sát chủ trương của Đảng, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự học, sự nghiệp trồng người, sự nỗ lực cố gắng của toàn hệ thống mà Hội Khuyến học Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hội đã xác định muốn thúc đẩy sự học, thực hiện tốt sứ mệnh của mình thì phải bắt đầu từ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, Đảng viên vì đây là lớp người đang thực hiện nhiệm vụ trong cả hệ thống chính trị.
Đồng thời, muốn xây dựng xã hội học tập thành công thì cần thúc đẩy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ, chuyên viên trong hệ thống; phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và đặc biệt phải có sự tham gia tích cực, mạnh mẽ của hệ thống các trường đại học, vì các trường đại học là lực lượng nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo theo hướng mở với nguồn tài nguyên giáo dục mở.
Do xác định đúng mục tiêu, người đồng hành trong quá trình triển khai nhiệm vụ mà Hội Khuyến học Việt Nam, trong 28 năm qua nhất là sau 16 năm được Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 2/10 là “Ngày Khuyến học Việt Nam”, Hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Bức tranh khuyến học, khuyến tài ngày càng sinh động, được bổ sung thêm nhiều nét vẽ mang đậm bản sắc văn hóa của một dân tộc yêu nước, đoàn kết, hiếu học và luôn có khát vọng vươn lên từ diệt giặc dốt trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam.
Trong không khí tự hào của Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10, có thể điểm qua những kết quả nổi bật, ghi dấu ấn đậm nét trong phong trào khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thời gian qua như sau:
1. Công tác thông tin tuyên truyền của Hội phát triển mạnh, cùng với các kênh thông tin truyền thống: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Công dân và Khuyến học, Báo Nhân dân, Báo Dân trí...
Hội đã phối hợp với Công ty VIC, VTV sản xuất chương trình “Khuyến học - Hành trình tri thức” phát sóng trên VTV1 vào chiều chủ nhật hàng tuần. Đây là dấu ấn quan trọng, tạo đột phá trong công tác thông tin tuyên truyền của Hội Khuyến học Việt Nam.
Những chủ trương, chính sách của Nhà nước, những tấm gương học tập tiêu biểu của người lớn ở mọi lĩnh vực, những cách làm khuyến học hay của các cấp hội đã được lan tỏa đến cộng đồng. Và đó là sự cộng hưởng những nỗ lực của Hội khuyến học và các cơ quan truyền thông, các lực lượng trong xã hội.
2. Tổ chức Hội đã phủ kín từ 100% xã, phường, thị trấn đến huyện, tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội viên Hội Khuyến học là đảng viên nhiều tỉnh đạt từ 80% trở lên. Đặc biệt, có tỉnh 100% đảng viên đều là hội viên hội khuyến học. Ở hầu hết các trường phổ thông và đại học đều có ban khuyến học.
Đến nay, tổ chức khuyến học đã phát triển ở các Đảng bộ khối, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và một số hội xã hội, tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp triển khai phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng có hiệu quả.
3. Hội khuyến học các cấp đã triển khai thành công các quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội về xây dựng các mô hình: “Gia đình, Dòng họ, Đơn vị, Cộng đồng và Công dân học tập”. Đây là hệ thống cấu trúc nền tảng cơ bản của xã hội học tập ở nước ta, đã được Hội nghiên cứu thông qua đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp nhà nước từ những ngày đầu thành lập, đến năm 2022 thêm mô hình “Công dân học tập”.
Các mô hình này được Chính phủ công nhận và trở thành quyết định các mô hình học tập ở nước ta và giao cho Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện. Việc thực hiện thành công các mô hình học tập nhất là mô hình công dân học tập đã góp phần quan trọng vào phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội và giữ gìn vệ sinh môi trường. Kết quả này cũng đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ trong Cách mạng 4.0.
4. Nhiều hình thức xây dựng và phát triển quỹ khuyến học hình thành và ngày càng sáng tạo. Từ nguồn quỹ 100% xã hội hóa này, Hội khuyến học các cấp đã trao cho hàng triệu lượt học sinh và giáo viên, người lớn có thành tích học tập xuất sắc thông qua các hình thức trao học bổng hàng năm.
Đặc biệt, học bổng mang tên lời dạy của Bác “Học không bao giờ cùng” được các cấp hội trao vào dịp 19/5 ngày sinh nhật Bác, hàng năm đã có sức lan tỏa lớn, động viên, khuyến khích tất cả mọi người hăng say học tập, nghiên cứu đạt kết quả tốt. Quỹ khuyến học của các dòng họ phát triển mang đậm bản sắc truyền thống hiếu học, uống nước nhớ nguồn, đã tôn vinh vai trò gia đình, dòng họ trong xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam.
5. Việc hình thành và phát triển thành công giải thưởng “Nhân tài Đất Việt - Tự học thành tài” là đỉnh cao của sự sáng tạo của lãnh đạo Hội từ 20 năm trước đây và đến nay vẫn được các thế hệ tiếp nối, duy trì và phát triển.
Giải thưởng này khởi động từ năm 2005, đã tôn vinh nhiều nhà khoa học, nhiều nông dân tự học, tự nghiên cứu đã chế tạo ra máy móc phục vụ lĩnh vực nông nghiệp mang lại hiệu quả cao. Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt, Tự học thành tài” cùng với học bổng “Học không bao giờ cùng” đã trở thành thương hiệu của Hội Khuyến học Việt Nam từ nhiều năm qua.
6. Hội đã đổi mới tư duy, phương pháp chỉ đạo điều hành theo hướng số hóa, lý luận kết hợp với thực tiễn. Hội xác định: Khuyến học là một chủ trương lớn của Đảng. Đưa chủ trương vào cuộc sống đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng từ lý luận đến tổng kết thực tiễn.
Do đó, hàng năm, Trung ương Hội đều phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các trường đại học tổ chức các cuộc Hội thảo lớn theo các chủ đề phục vụ cho chuyên môn. Kết quả các cuộc hội thảo này là cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản trong chỉ đạo thực hiện xây dựng xã hội học tập thông qua tài nguyên giáo dục mở, các tiêu chí đánh giá mô hình học tập trong cộng đồng từ xã, huyện đến tỉnh.
Đặc biệt, hội thảo cũng là cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2023 - 2030”. Sau 75 năm Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua Ái quốc “Diệt giặc dốt” ngày 11/6/1948, nay mới có 1 phong trào thi đua toàn dân học tập để “Diệt giặc dốt” trong Cách mạng 4.0.
Việc thực hiện chương trình số hóa trong hệ thống hội đang được triển khai, bước đầu đạt kết quả tốt. Từ Trung ương Hội, lãnh đạo Hội có thể làm việc với hội khuyến học các tỉnh, thành. Các văn bản gửi đi đều bằng hình thức điện tử, rất thuận tiện, ít tốn kém. Cán bộ hội chủ yếu là người cao tuổi đều tự học hoặc được tập huấn nhằm nâng cao trình độ sử dụng các thiết bị thông minh.
7. Việc liên kết, phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được Hội quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Việc ký kết chương trình phối hợp với 14 tổ chức, trong đó có lực lượng vũ trang đã giúp Hội thực hiện tốt Kết luận 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, đã tạo được sức mạnh tổng hợp, là điểm tựa vững bền cho Hội Khuyến học Việt Nam phát triển vì cộng đồng.
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!
Có được các kết quả nổi bật nêu trên, Hội Khuyến học Việt Nam xin trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự chỉ đạo phối hợp chặt chẽ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục Đào tạo và các cơ quan, ban, ngành đã ký chương trình phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam.
Hội Khuyến học Việt Nam cảm ơn sự tham gia tích cực của các gia đình, dòng họ, công đồng; các cơ quan truyền thông: Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đài truyền hình Việt Nam, Công ty VIC, các tạp chí và các phóng viên, báo, đài.
Nếu như không có sự lan tỏa phong trào khuyến học từ báo chí thì đường nét trong bức tranh đa sắc màu của Hội khuyến học sẽ không gây dấu ấn rõ nét như hiện nay.
Xin cảm ơn các thế hệ những cán bộ khuyến học, nhất là các cụ tuy được nghỉ hưu nhưng vẫn đam mê với sự nghiệp trồng người với đầy trách nhiệm trong điều kiện còn nhiều khó khăn, vất vả như hiện nay. Con đường tri thức mà chúng ta đang góp sức xây dựng là con đường gian nan nhất, song cũng mang về nhiều vinh quang nhất cho đất nước. Bởi con đường này được xây dựng không phải bằng vật liệu xây dựng do một công ty hay tập đoàn thực hiện có thể nhìn thấy ngay, sử dụng được ngay mà nó được xây dựng dựa trên nền tảng trí tuệ của toàn dân, là quá trình xây dựng lâu dài, gian nan vất vả, dựa vào sự cố gắng học tập, nghiên cứu của tất cả mọi người. Kết quả chỉ được nhìn thấy thông qua sự lao động của con người, thông qua năng suất lao động và sự đổi mới, sáng tạo của họ ở mọi lĩnh vực. Do đó, Bác Hồ đã dạy: “Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Chúng ta vẫn phải gắng sức góp phần đắp xây con đường “trăm năm” đó dẫu rằng tuổi đã cao, song trí tuệ vẫn sáng ngời, vẫn đam mê với sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Thưa các vị đại biểu, khách quý!
Ngày 2/10 là ngày truyền thống của Hội Khuyến học Việt Nam. Hàng năm, chúng ta đều cùng nhau ôn lại kết quả chặng đường qua để vững bước tiến lên phía trước với nhiều kế hoạch mới, chương trình mới phù hợp với bối cảnh của đất nước. Hội Khuyến học Việt Nam đang triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2023 - 2030” do Thủ tướng phát động ngày 10/6/2023 vào ngày 2/10/2023, hưởng ứng phong trào thi đua này, Hội đã phát động phong trào thi đua: “Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời để phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số” thông qua thực hiện mô hình “Công dân học tập”. Hội Khuyến học Việt Nam sẽ sơ kết phong trào này vào tháng 12/2024. Hội bắt đầu nghiên cứu chiến lược “Khuyến học xanh” trong thời gian tới nhằm vào lứa tuổi người lao động từ 16 đến 44 tuổi để có trọng tâm, trọng điểm hơn trong thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra.
Với sự quyết tâm cao độ và tin tưởng vào sự thành công sắp tới, phát huy tinh thần ngày 2/10 - ngày toàn dân học tập suốt đời, các cấp Hội Khuyến học Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phục vụ sự học của tất cả mọi người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng thành công con đường tri thức, đưa Việt Nam phát triển tất yếu bằng trí tuệ và nhờ trí tuệ.
Hội Khuyến học Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ và hưởng ứng tuần lễ Học tập suốt đời với tinh thần “lấy tự học làm cốt”, học ở mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi phương pháp. Hãy học tập để tránh: “Ai không học là lùi, công việc sẽ gạt mình lại phía sau” như lời Bác Hồ dạy.
Một lần nữa xin chúc tất cả các vị đại biểu khách quý mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn!
Nhóm Phóng viên
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/toan-van-phat-bieu-cua-chu-tich-hoi-khuyen-hoc-viet-nam-nguyen-thi-doan-nhan-ky-niem-16-nam-ngay-khuyen-hoc-viet-nam-179241002090902.htm