Tối nay (29-4), tại quân cảng Cam Ranh, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Đài phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Sức sống Trường Sa” nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Trường Sa (29-4-1975 – 29-4-2025).
Theo bà Thái Thị Lệ Hằng, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, chương trình gồm có ba chương gồm "Huyền sử Trường Sa", "Trường Sa hôm nay" và "Vững chãi Trường Sa - Trái tim của Biển Đông".
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Trường Sa. Ảnh: NHÂN TÂM
Những ngày tháng Tư lịch sử
Tham gia chương trình có gần 200 chiến sĩ, ca sĩ, diễn viên, cùng những cuộc gặp gỡ xúc động của các nhân chứng lịch sử.
"Điểm nhấn của chương trình là những câu chuyện nối liền giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Từ đó, cho thấy Trường Sa rất trung dũng, kiên cường trong quá khứ và rất giàu sức sống, tiềm năng, kiên trung trong hiện tại với mục tiêu xây dựng Trường Sa vững mạnh"- bà Hằng chia sẻ trước giờ diễn ra chương trình.
Mở đầu chương trình, khán giả cùng nhau ôn lại thời khắc lịch sử cách đây tròn 50 năm, sau khi tỉnh Khánh Hòa được giải phóng.
Trong hào khí của đoàn quân tiến về giải phóng miền Nam, với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Quân chủng Hải quân phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Quân khu 5, quân và dân tỉnh Khánh Hòa tranh thủ thời cơ, bất ngờ tiến công, lần lượt giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, gồm Song Tử Tây ngày 14-4-1975, Sơn Ca ngày 25-4-19754, Nam Yết ngày 27-4-1975, Sinh Tồn ngày 28-4-1975 và đến ngày 29-4-1975 giải phóng đảo Trường Sa.
Chiến thắng của quân và dân trên đảo Trường Sa góp phần quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
50 năm trôi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng cả nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Khánh Hòa, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện Trường Sa luôn bền gan vững chí, chung sức, đồng lòng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong chương trình, các đại biểu được gặp lại những nhân chứng lịch sử, gắn liền với cuộc giải phóng, giữ gìn các đảo ở Trường Sa 50 năm trước.
Một trong những nhân vật đặc biệt ấy là Trung tá Đào Mạnh Hồng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 161, Lữ đoàn Đặc công Hải Quân 126. Ông là người trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng đảo Song Tử Tây.
Theo Trung tá Hồng, khi tham gia chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa, ông là phân đội trưởng Phân đội 1, Đội 1, Trung đoàn 126 Hải quân, nay là Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126.
Trung tá Đào Mạnh Hồng (thứ ba bìa phải) giao lưu, gặp gỡ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: MINH THẢO
Trung tá Hồng kể: Trên đoàn tàu 673, 674, 675 ra biển đi chiến đấu giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa đều là thanh niên trẻ. Những người lính trẻ xác định đi là có thể không trở về, là sẵn sàng cảm tử, hy sinh, nhưng không một ai nao núng. Khi nhận nhiệm vụ, tất cả đều hăng hái xung phong.
“Khi đặt chân lên đảo Trường Sa, chúng tôi luôn ý thức được đây là mảnh đất cha ông để lại, là một phần không thể thiếu của đất nước Việt Nam. Do vậy, không ai bảo ai, chúng tôi đều có chung suy nghĩ phải giải phóng bằng được Trường Sa dù có hy sinh cả mạng sống”- Trung tá Hồng chia sẻ.
Là một trong những người đầu tiên được điều động, giao nhiệm vụ tiếp quản đảo, Trung tướng Lê Văn Tấn, nguyên đảo trưởng Trường Sa từ 1975-1987, nhớ lại thời kỳ khó khăn khi mới tiếp quản đảo.
Theo Trung tướng Tấn, lúc tiếp quản đảo thức ăn, nước uống đến nơi ăn chốn ở rất khó khăn. Tuy nhiên, bằng ý chí của người lính cụ Hồ, tất cả anh em đều đồng lòng, vượt qua khó khăn để giữ đảo và xây dựng thành pháo đài vững chắc nơi biển cả.
Sức sống Trường Sa
Đến chương thứ hai, khán giả cùng đại biểu được xem cảnh vật, con người ở Trường Sa sau 50 năm giải phóng.
Những thước phim thể hiện đầy đủ quá công sức, mồ hôi của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, quân, dân Trường Sa đã đổ xuống, biến đảo đá khô cằn năm xưa trở thành Trường Sa xanh mướt.
Trên các đảo Trường Sa hôm nay, cây cối sinh sôi nảy nở, tràn đầy sức sống vươn lên mạnh mẽ giữa biển trời bao la; từng bước xây dựng Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Các chiến sĩ chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo Trường Sa. Ảnh: XUÂN HOÁT
Trường Sa không chỉ là “lá chắn thép” bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc mà còn là nơi gắn bó với cuộc sống mưu sinh của hàng ngàn ngư dân.
Trong chương trình, các đại biểu được gặp lại "cậu bé Trường Sa" - em bé sinh mổ đầu tiên trên đảo Trường Sa ngày ấy, giờ là thanh niên Nguyễn Ngọc Trường Xuân, 24 tuổi.
Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Xuân Lãng, Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho Trường Xuân tại Trường Sa, nhớ lại: Đó là vào tháng 4-2011. Lúc đó, thay vì vào đất liền theo dõi sinh con như những người khác, sản phụ chị Nguyễn Thị Thanh Thúy từ lúc mang thai đã bày tỏ mong muốn vượt cạn trên đảo.
Theo bác sĩ Lãng, gần ngày sinh, ê kíp phát hiện sản phụ có ngôi thai nằm ngang, u xơ tử cung, thiểu ối, dây nhau quấn cổ thai nhi.
"Với chỉ đạo từ xa qua hệ thống Telemedicine của Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM, êkíp trên đảo đã thực hiện thành công nhiệm vụ có tính bước ngoặt. Em bé đầu tiên sinh mổ trên đảo cất tiếng khóc chào đời sau bao phút giây căng thẳng của gia đình và các y bác sĩ. Kết quả của sự phối hợp ăn ý giữa quân y trên đảo và trong đất liền đã cho ra đời em Nguyễn Ngọc Trường Xuân"- bác sĩ Lãng nhớ lại.
Quân, dân trên đảo Trường Sa đã chủ động được nguồn cung cấp rau xanh. Ảnh: XUÂN HOÁT
Cậu bé đó được bố mẹ đặt tên Nguyễn Ngọc Trường Xuân. Tên gọi được ghép từ tên của hai bác sĩ trực tiếp cầm dao mổ là bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc và bác sĩ Hồ Xuân Lãm.
Theo ông Nguyễn Tấn Thi, cha của Trường Xuân, chữ Trường thể hiện nơi mảnh đất con trai ông chào đời, gửi gắm ước mong về mùa xuân vĩnh hằng trên quần đảo Trường Sa.
Trường Sa hôm nay
Trường Sa không chỉ là tuyến đầu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn đang từng ngày vươn mình mạnh mẽ, trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển không chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa mà còn của chung cả đất nước Việt Nam.
Theo ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ngày 28-1-2022, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 là thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2045 là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á, là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Theo ông Hoàng, nghị quyết 09 không chỉ là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của tỉnh Khánh Hòa, mà còn là nguồn động lực to lớn để huyện đảo Trường Sa chuyển mình, trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân và một khu vực kinh tế quan trọng, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Khánh Hòa thăm hỏi, động viên các hộ dân sinh sống trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: XUÂN HOÁT
Theo ông Hoàng, để hiện thực hóa nghị quyết 09, tỉnh Khánh Hòa phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Hải quân, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.
Đồng thời, phát huy vai trò của ngư dân với phương châm mỗi ngư dân là một “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng tinh thần yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền trong toàn dân; đẩy mạnh ngoại giao nhân dân và đấu tranh pháp lý; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở quần đảo Trường Sa…
“Khi mỗi người dân đều có ý thức bảo vệ chủ quyền, khi những con tàu ngư dân vẫn kiên trì vươn khơi, khi các hoạt động ngoại giao và đấu tranh pháp lý được đẩy mạnh, Trường Sa sẽ luôn vững vàng giữa sóng gió”- ông Hoàng nói.
Xuân Hoát