Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Hà Nội phải làm thế nào để xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Hà Nội phải làm thế nào để xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước
23 phút trướcBài gốc
Sáng nay (10/10), tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Tới dự có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, các Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ trướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, cùng các cán bộ lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang nhân dân; đại diện Ban liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội; các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong; đại diện văn nghệ sỹ, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô và đại diện đoàn ngoại giao, đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc diễn văn tại buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, 70 năm qua trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ, của Trung ương Đảng và Chính phủ, Thủ đô Hà Nội luôn luôn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, gắn liền với những mốc son chói lọi đầy vinh dự, tự hào.
Nhấn mạnh, chúng ta mãi mãi không bao giờ quên thời khắc lịch sử sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hơn 40 vạn nhân dân Thủ đô náo nức, hân hoan trong rừng cờ hoa, hừng hực khí thế “Trùng trùng quân đi như sóng/lớp lớp đoàn quân kéo về…/Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/Cả cuộc đời tươi vui từ đây”, đón mừng đoàn quân chiến thắng, đoàn quân cách mạng, đoàn quân của Bác Hồ trở về.
Chiều cùng ngày, hàng vạn người dân cùng với các lực lượng vũ trang đã vui mừng, xúc động, tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ và nghe Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết...”.
Người căn dặn: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh…”.
"Thời khắc lịch sử đó là minh chứng về sức dân tộc, tinh thần đoàn kết, khát vọng hòa bình của nhân dân ta; là mốc son mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước; đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, chấm dứt 9 năm kháng chiến trường kỳ. Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - sạch bóng quân thù; nhân dân ta làm chủ vận mệnh của mình và đất nước, phấn khởi bắt tay xây dựng xã hội mới, xã hội Xã hội chủ nghĩa; mở ra thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng của Thăng Long - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc diễn văn tại buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ôn lại quá khứ hào hùng của quân dân cả nước nói chung và quân dân Hà Nội nói riêng trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng Thủ đô, mở ra thời kỳ độc lập và phát triển mới cho dân tộc Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, đất nước hòa bình, thống nhất, Thủ đô Hà Nội cùng cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, đi lên chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội cùng với cả nước nỗ lực, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Hà Nội ngày nay đã trở thành trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và hội nhập quốc tế; một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới với diện mạo ngày càng văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo, thấm đẫm giá trị văn hóa lịch sử trường tồn của đất Đông Đô - Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Quy mô kinh tế liên tục tăng, năm 2023 đạt khoảng 54 tỷ USD; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) duy trì ở mức tăng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
Chỉ tính riêng năm 2023, thu ngân sách đạt trên 400.000 tỷ đồng, đóng góp 23,4% tổng thu ngân sách Trung ương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và bền vững; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; diện mạo, khoảng cách, trình độ phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn từng bước thu hẹp; quy hoạch đồng bộ, hạ tầng chiến lược có bước phát triển mạnh mẽ. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao; năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt 6.348 USD, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,03%, trong đó 19/30 quận, huyện không còn hộ nghèo. Hà Nội luôn là địa phương có chỉ số phát triển con người, quy mô và chất lượng giáo dục - đào tạo đứng đầu cả nước.
Cho rằng, với thế và lực sau 40 năm đổi mới, với thời cơ, vận hội mới, toàn Đảng, toàn quân toàn dân đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, đây cũng là thời điểm để định hướng tương lai của đất nước, điều này cũng đặt ra nhiệm vụ ngày càng cao đối với Hà Nội; “Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phải làm thế nào để xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
Đảng, Nhà nước mong muốn Thủ đô Hà Nội tiếp tục nỗ lực hơn nữa để trở thành tấm gương mẫu mực, tiêu biểu, là niềm tự hào của đồng bào và chiến sỹ cả nước như niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc chắn rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn toàn độc lập; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”.
"Gương mẫu, đi đầu thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, trước mắt là tăng tốc, bứt phá thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII; chuẩn bị tốt mọi mặt để tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVIII tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; dốc sức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng mong muốn, thời gian tới Thành phố tiếp tục tập trung cao độ mọi giải pháp, khơi thông mạnh mẽ nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế; đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, có bản sắc, an ninh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Đặc biệt, phải phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, sớm trở thành thành phố kết nối toàn cầu, hội nhập sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới; người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển đặc sắc, hài hòa, thật sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, văn minh của nhân loại; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Cách đây tròn 70 năm, trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, tinh thần chiến đấu ngoan cường, gan dạ của quân và dân ta, đặc biệt với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Gieneva 21/7/1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh việc xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô thật sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; chính quyền hành động, nền hành chính dân chủ, hiện đại với tinh thần chủ động, sáng tạo.
Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích chung, lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
"Xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá của con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tăng cường mở rộng hợp tác với thủ đô các nước, đẩy mạnh quảng bá về văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng hình ảnh tốt đẹp về văn hóa, con người Hà Nội với đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài, tiếp tục nâng cao vị thế Thủ đô, đất nước trên trường quốc tế", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói.
Một lần nữa nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, huy động mạnh mẽ sức dân, gắn kết chặt chẽ ý đảng với lòng dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ tin tưởng và đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội nỗ lực thực hiện thắng lợi căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sớm xây dựng “Thủ đô ta” trở thành “Thủ đô xã hội chủ nghĩa” hình mẫu trên thế giới, góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Nguyễn Thụ (92 tuổi, cựu chiến binh quận Hai Bà Trưng, nguyên cán bộ Trung đoàn 102 - Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong) bồi hồi nhớ lại, khi vừa tròn 22 tuổi, mang trong mình đầy khát vọng và nhiệt huyết của tuổi trẻ, là Trung đội trưởng bộ binh thuộc Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn quân tiên phong 308 về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Cũng tại lễ kỷ niệm, đại diện nhân chứng lịch sử, ông Nguyễn Thụ, cựu chiến binh quận Hai Bà Trưng, nguyên cán bộ Trung đoàn 102 - Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong phát biểu trong niềm xúc động bởi bao kỷ niệm trào dâng. Khi đó, ông vừa tròn 22 tuổi, tràn đầy khát vọng và nhiệt huyết của tuổi trẻ, là Trung đội trưởng bộ binh thuộc Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 quân tiên phong.
Hiện tại, ông đã bước sang tuổi 92, nhưng ký ức về thời khắc lịch sử hào hùng năm xưa vẫn luôn luôn hiện hữu, âm vang trong tâm trí, nhất là về sự dũng cảm, kiên cường của các chiến sĩ đã chiến đấu oanh liệt, không tiếc máu xương trong suốt 60 ngày đêm để bảo vệ thành phố Hà Nội, bảo vệ an toàn cho cuộc rút lui đầy mưu trí của quân ta qua sông Hồng để về Chiến khu Việt Bắc, thực hiện trường kỳ kháng chiến.
Sau 70 năm nhìn lại, những người lính năm xưa như ông Nguyễn Thụ vô cùng tự hào và phấn khởi trước sự đổi thay mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước. Nhân dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc, đời sống ngày một ấm no.
“Có được niềm vui ngày hôm nay, chúng ta vô cùng biết ơn Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, biết ơn Chủ tịch Hồ Chi Minh vĩ đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Tổng tư lệnh tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam và hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì độc lập của Tổ quốc, làm nên một Hà Nội anh hùng, một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Chúng tôi luôn tâm niệm, mình là chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, chiến sĩ Điện Biên năm xưa, là cựu chiến binh sẽ luôn phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ", gương mẫu trong lối sống, chấp hành và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực tham gia các phong trào của địa phương phát động, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, tiến bộ hơn”, ông Nguyễn Thụ chia sẻ.
Đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại lễ kỷ niệm, em Nguyễn Chi Phương - sinh viên xuất sắc Trường Đại học Luật Hà Nội, bày tỏ xúc động và tự hào khi được đại diện cho tuổi trẻ Thủ đô phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại lễ kỷ niệm, em Nguyễn Chi Phương - sinh viên xuất sắc Trường Đại học Luật Hà Nội, bày tỏ xúc động và tự hào khi được đại diện cho tuổi trẻ Thủ đô phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Em bày tỏ sự trân trọng, biết ơn sự đóng góp, hy sinh của thế hệ cha ông để thế hệ trẻ hôm nay được hưởng thành quả tươi đẹp. Thế hệ trẻ các em được sinh ra lúc đất nước không còn chiến tranh, không được chứng kiến những giây phút lịch sử hào hùng khi đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô 70 năm về trước. Nhưng thế hệ trẻ hôm nay luôn khắc ghi, để có được ngày vui chiến thắng ấy, biết bao người con ưu tú của Thủ đô và cả nước, trong đó có những đoàn viên, thanh niên đã một lòng theo Đảng, sẵn sàng đi bất cứ đâu, có mặt ở những nơi gian khó khi Tổ quốc cần, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh; xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
“Chúng cháu được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được quan tâm, dạy dỗ để biết yêu quê hương, tự hào về dân tộc, biết trân trọng quá khứ; lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc, của Thủ đô đã cho chúng cháu niềm tự hào, sự tự tin khi được sinh ra, được lớn lên, được học tập và được làm việc trên mảnh đất Thủ đô anh hùng nghìn năm văn hiến. Trong giây phút trang nghiêm và xúc động này, cháu xin thay mặt thế hệ trẻ Thủ đô xin được bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, những hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước vì nền hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam”, Nguyễn Chi Phương xúc động bày tỏ.
Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hơn 40 vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ hoa, với niềm hân hoan tột độ đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về.
Trước đó, mở đầu lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Thủ đô 70 năm - Bản Hùng ca" với 3 chương. Chương I có chủ đề “Ký ức tự hào”, gồm 5 phân cảnh: “Hà Nội - Những ngày mùa đông 1946”; “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”; “Lá cờ Đảng”; “Người Hà Nội” và “Giải phóng Điện Biên - Tiến về Hà Nội”, tái hiện sống động không khí hào hùng của Thủ đô sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
Với chủ đề “Khúc tráng ca”, Chương II tái hiện sinh động khí phách, sự kiên cường của quân và dân Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm tháng 12-1972. Tinh thần và khí phách của quân và dân Thủ đô một lần nữa làm lay động trái tim toàn nhân loại. Dưới làn mưa bom, dù mất mát, đau thương nhưng người Hà Nội vẫn điềm tĩnh, dũng cảm, quật cường. Quân dân Thủ đô “hiệp đồng tác chiến” cùng các quân, binh chủng dệt nên lưới đạn phòng không sáng trời, “rồng lửa Thăng Long” vút lên quật đổ pháo đài bay B52. Chương III có chủ đề “Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển”, tái hiện những giai đoạn phát triển đầy tự hào của Thủ đô xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước đầy kiêu hãnh.
Chương trình nghệ thuật tái hiện hình ảnh người Hà Nội anh hùng và lãng mạn đã trở thành biểu tượng, lương tri và phẩm giá con người.
Với 3 phân cảnh: “Hà Nội, Niềm tin và Hy vọng”; “Hà Nội - Việt Nam - Khát vọng hòa bình” và “Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi”, Chương III thể hiện mong ước của mỗi người dân Việt Nam đều mang trong tim khát vọng hòa bình, mong ước cuộc sống bình yên, hạnh phúc sẽ trường tồn trên dải đất chữ S thiêng liêng. Cùng cả nước, người Hà Nội ra sức học tập, lao động sản xuất, chiến đấu… cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để cơ đồ đất nước ngày càng phồn vinh, có vị thế lớn trên trường quốc tế. Đồng thời, góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng " Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Văn Hiếu/VOV Ảnh: Hà Phương
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-ha-noi-phai-lam-the-nao-de-xung-tam-thu-do-trong-ky-nguyen-phat-trien-moi-cua-dat-nuoc-post1127415.vov