Những đề thi thử lớp 10 môn Toán năm 2025 hay nhất:
Đề thi thử lớp 10 môn Toán của quận Hai Bà Trưng, Hà Nội năm 2025
Đề thi thử lớp 10 môn Toán của Trường THPT Chuyên Sư phạm năm 2025
Đề thi thử lớp 10 môn Toán 2025 quận Ba Đình, Hà Nội năm 2025
Đề thi thử lớp 10 môn Toán của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội năm 2025
Đề thi thử và đáp án lớp 10 môn Toán của huyện Chương Mỹ, Hà Nội 2025:
Đề thi thử lớp 10 môn Toán của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2025
Đề thi thử lớp 10 của Trường THPT chuyên Ngoại ngữ năm 2025
Những dạng bài cần lưu ý khi làm đề thi thử lớp 10 môn Toán
Để đạt điểm cao khi làm bài thi môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, các em học sinh nên chú ý ôn luyện các dạng bài hay gặp dưới đây:
Dạng xác suất - thống kê
So với chương trình cũ, thống kê là phần mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng không khó, học sinh chỉ cần cẩn thận là giải quyết được.
Với phần xác suất, các em cần đọc kỹ đề bài để có thể liệt kê và tìm đủ số phần tử của không gian mẫu.
Dạng rút gọn, tính giá trị biểu thức và câu hỏi phụ
Với câu hỏi tính giá trị của biểu thức, học sinh cần kiểm tra giá trị của biến có thỏa mãn điều kiện xác định hay không, rồi mới thay vào biểu thức. Nên bấm máy tính để kiểm tra lại kết quả, tránh sai sót đáng tiếc cho ý dễ nhất trong bài thi.
Với câu hỏi rút gọn biểu thức, học sinh cần chú ý:
- Khi làm phép trừ với đa thức, nên để đa thức đó vào trong ngoặc rồi bỏ ngoặc theo quy tắc để tránh nhầm dấu.
- Không quên dấu gạch phân thức.
- Tránh lỗi viết sai tên biểu thức đã cho.
- Khi thấy kết quả rút gọn quá phức tạp, cần kiểm tra lại các bước rút gọn từ đầu xem có nhầm lẫn ở bước nào không.
Dạng bài lập phương trình, hệ phương trình, hệ thức Vi-et
Chương trình GDPT 2018 chú trọng đến ứng dụng trong thực tiễn vì vậy học sinh nên luyện tập nhiều về các bài toán gắn liền với đời sống hàng ngày như gửi tiết kiệm, thuế…
Khi làm bài, lưu ý gọi ẩn chính xác, kèm theo đơn vị và điều kiện (nếu có).
Sau khi biểu diễn các đại lượng chưa biết qua ẩn, để ra được phương trình hoặc hệ phương trình, học sinh phải có câu lập luận. Khi tìm được ẩn, các em không được quên bước đối chiếu với điều kiện và kết luận.
Với bài hệ thức Vi-et, cần thuộc kỹ công thức biến đổi từ tổng bình phương hai nghiệm theo tổng, tích hai nghiệm…
Bài hình thực tế
Theo đề thi minh họa có 2 câu (khác với đề cũ chỉ có 1 câu):
Câu đầu thường không quá khó, học sinh cần nắm vững công thức về hình trụ, hình nón, hình cầu; ôn lại công thức tính độ dài cung tròn, diện tích quạt tròn, tỉ số lượng giác của góc nhọn... Chú ý phân biệt hai dấu bằng và xấp xỉ, chỉ làm tròn kết quả khi đề bài yêu cầu.
Câu sau cần có tư duy logic về mối quan hệ giữa các yếu tố để giải quyết được bài toán.
Dạng bài Hình học tổng hợp
Với phần Vẽ hình, nên vẽ nháp trước khi vẽ vào bài, viết đầy đủ các điểm đề cho. Cần viết tên điểm sát với vị trí của điểm trên hình vẽ, tránh viết quá xa, khó theo dõi hoặc bị đường nối cắt qua.
Nên chọn trang giấy vẽ hình sao cho không phải lật đi lật lại giấy nhiều lần khi làm bài, tránh nhầm lẫn. Bước vẽ hình rất quan trọng, bởi vẽ sai sẽ không được chấm điểm bài hình.
Một số lưu ý nhỏ khác: Chú ý các từ như "trên tia đối", "AB < AC".
Chữ viết và ký hiệu: Cần viết rõ tên điểm, tránh viết ẩu vì dễ nhầm giữa các điểm có cách viết tương tự nhau: O với D, E với F, M với N hoặc H. Ký hiệu góc nếu viết nhanh rất dễ bị nhầm thành ký hiệu cung tròn. Đây là lỗi phổ biến của nhiều học sinh, cần khắc phục.
Hai ý đầu bài hình thường ở mức độ cơ bản. Học sinh cần làm chi tiết, rõ ràng, đầy đủ lý do. Để giải quyết hai câu này, kiến thức cần có là góc và đường tròn, tứ giác nội tiếp, các tính chất của tiếp tuyến, hai tiếp tuyến cắt nhau, tam giác đồng dạng.
Ý thứ ba của bài hình thường là câu hỏi nâng cao. Dù vậy, học sinh cần tránh tâm lý "khó nên bỏ qua". Khi làm ý này, nếu hình quá phức tạp, học sinh có thể vẽ thêm một hình khác to rõ hơn để dễ nhìn ra hướng làm.
Dạng nâng cao
Đây là bài toán khó, ở mức vận dụng cao để học sinh lấy 0,5 điểm cuối cùng. Hiện nay các bài toán không thiên về chứng minh bất đẳng thức quá khó như chương trình cũ mà là các bài toán về tối ưu sản xuất.
Để giải quyết bài này, học sinh cần vận dụng nhiều kiến thức, phương pháp, nhưng các em cũng không nên phức tạp vấn đề, đôi khi làm rối bài toán.
Đa số lời giải của các bài khó xuất phát từ những phần cơ bản của bất đẳng thức, về biến đổi biểu thức dựa vào hằng đẳng thức, phân tích thành nhân tử.
Cuối cùng, để làm bài hiệu quả, sức khỏe tốt, tâm lý bình tĩnh, tự tin là điều kiện quan trọng. Khi thấy câu hỏi, dạng bài hơi lạ, học sinh có thể tạm bỏ qua để làm câu khác, rồi bình tĩnh đánh giá lại câu hỏi đó.
Hoàng Linh